Quận Tây Hồ: Xử lý vi phạm nhỏ, tạo hiệu quả môi trường lớn
Cần nhiều giải pháp đặc thù bảo vệ môi trường cho Thủ đô Công an quận Tây Hồ đấu tranh với tội phạm về kinh tế, môi trường Mang nghệ thuật vào thông điệp bảo vệ môi trường |
Sau vài ngày tái khởi động, nhiều trường hợp bị phát hiện và xử lý; số tiền nộp ngân sách đã vượt con số hàng trăm triệu đồng.
Việc làm này cần tiếp tục được nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường trong Nhân dân.
Hàng trăm trường hợp bị xử lý
Theo Chỉ huy Công an quận Tây Hồ, hiện nay, tình trạng tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư (vứt, thải rác sinh hoạt không đúng nơi quy định) thường xuyên diễn ra.
Trước thực trạng trên, Công an quận Tây Hồ đã xây dựng Kế hoạch 3499/KH-CATH (CSKT) ngày 30/10/2023 về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn quận.
Theo đó, Công an quận tập trung kiểm tra, xử lý hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc; Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện); Vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại chung cư, khu thương mại dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Đồng thời xử lý nghiêm hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; Đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố…
Trường hợp vứt trộm rác thải sinh hoạt bị Công an phường Bưởi phát hiện và xử phạt |
Theo thống kê của Công an quận Tây Hồ, dù mới triển khai được vài ngày (từ 31/10 đến 8/11 - PV), song các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 156 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 117 triệu đồng.
Trong đó, các phường có kết quả xử phạt cao gồm: Phường Phú Thượng 35 trường hợp, đạt 206% kế hoạch; Phường Xuân La 24 trường hợp đạt 171% kế hoạch; Phường Bưởi phát hiện và xử phạt 19 trường hợp, đạt 112% kế hoạch…
Trao đổi với báo chí, Trung tá Trương Đình Bình, Trưởng Công an phường Xuân La, quận Tây Hồ chia sẻ, trước đây tại các ngã ba, nút giao, khu vưc vắng người thường xuyên xuất hiện tình trạng đổ trộm rác, phế thải, tiểu tiện… sai quy định gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, từ khi lực công an phường, quận mặc thường phục, chốt trực, ghi hình, xử lý tình trạng đổ trộm, vứt rác thải hay vệ sinh cá nhân sai quy định… những hành vi trên đã giảm đáng kể, từ đó góp phần quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, góp phần xây dựng phường văn minh đô thị.
Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước tiên
Xuân La là một trong những đơn vị vượt cao so với chỉ tiêu thực hiện Kế hoạch 3499/KH-CATH(CSKT).
Để hoàn thành tốt chỉ tiêu này, Trưởng Công an phường Xuân La Trung tá Trương Đình Bình cho biết: "Trước khi thực hiện, lực lượng chức năng Công an phường và Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Môi trường đã tiến hành trinh sát, lên danh sách các điểm nóng để chốt trực, mật phục xử lý.
Trường hợp bị Công an phường Xuân La phát hiện và xử lý vi phạm |
Theo kế hoạch, tổ công tác sẽ gồm 2 đồng chí cán bộ công an mặc sắc phục, 1 đồng chí mặc thường phục sử dụng phương tiện ghi hình ảnh, video, ghi hình ảnh từ khi tổ chức, cá nhân chuẩn bị thực hiện hành vi vi phạm đến khi hành vi vi phạm kết thúc. Sau đó, tổ công tác đến yêu cầu làm việc và xử lý theo quy định.
Đồng quan điểm trên, Trung tá Lê Quang Minh - Đội Phó Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Môi trường cho biết, để đảm bảo người dân “tâm phục khẩu phục”, thừa nhận hành vi vi phạm, ngoài việc đảm bảo ghi hình rõ nét về người vi phạm, hành vi vi phạm, tang vật… lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý tại những khu vực đã được trang bị các dụng cụ phục vụ công tác đảm bảo vệ sinh môi trường như thùng rác, nhà vệ sinh công cộng… nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm.
Trường hợp đổ nước thải sinh hoạt bị bắt quả tang ở phường Xuân La |
Theo Trung tá Lê Quang Minh, sau khi đã tiến hành xử phạt, tổ công tác sẽ chuyển thông tin người vi phạm, nội dung vi phạm về các khu dân cư, tổ dân phố để… lãnh đạo tổ dân phố, hệ thống chính trị khu dân cư để có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở phù hợp, từ đó tạo sức răn đe, ngăn chặn các trường hợp khác đã và đang có ý định vi phạm.
Biện pháp này thời gian qua đã phát huy được hiệu quả thiết thực, góp phần giúp lực lượng chức năng phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, đề cập đến các giải pháp để duy trì những kết quả đã đạt được, Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh - Trưởng Công an quận Tây Hồ nhấn mạnh, địa bàn nào để xảy ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện, đấu tranh thì Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Môi trường, Trưởng Công an phường, cán bộ được giao theo dõi, quản lý địa bàn đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ huy Công an quận.
Theo thống kê của Công an quận Tây Hồ, từ ngày 15/12/2022 đến 8/11/2023, trong lĩnh vực môi trường, các lượng chức năng quận đã phát hiện và xử lý trên 225 vụ việc với hơn 220 đối tượng, phạt tiền trên 750 triệu đồng. Trong đó chủ yếu là các lỗi vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, đổ thải sai quy định, rơi vãi bùn đất trong quá trình di chuyển... |