Quán cà phê vận hành bằng “trái tim”

Mở ra không gian thưởng thức nhạc Trịnh do các nghệ sĩ khiếm thị biểu diễn miễn phí, “phòng khám không phí”, hay “lớp học cho các bạn học sinh” là một cách gọi khác của quán cà phê “Mơ phố”. Tất cả lợi nhuận đều được sử dụng cho hoạt động thiện nguyện của “Hội bác sĩ tình nguyện”.
Thơm thảo những tấm lòng ở quán cơm chỉ 2.000 đồng/suất Trường Sa trong trái tim người trẻ Tấm lòng của những người dân bàn giao đất trước khi nhận đền bù

Quán cà phê “đa chức năng”

Nép mình trong một con ngõ nhỏ ở phố Yên Lãng (Đống Đa), quán cà phê Mơ Phố cũng giống như bao quán cà phê khác tại Hà Nội... Thế nhưng Mơ Phố lại thu hút rất đông khách, họ đến đây không chỉ để nếm hương vị cà phê, nhấm nhấp vị ngọt của mật ong trong tách trà hoa cúc hay nhẩn nha tách từng hạt hướng dương... mà vì những điều đặc biệt từ chính những con người đang vận hành cafe Mơ Phố với nhiều dự án như: Mơ Phố học tập, Mơ phố âm nhạc, Mơ phố sức khỏe, Mơ phố Sách,...

Nằm trong số các dự án của “Hội bác sĩ tình nguyện” do bác sĩ Ngô Tuấn Anh – hiện đang công tác tại khoa phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm hội trưởng, Mơ Phố được khai sinh với mong muốn gây quỹ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe.

Lớp học sơ cứu được tổ chức vào sáng chủ nhật hàng tuần tại “Mơ phố”
Lớp học sơ cứu được tổ chức vào sáng chủ nhật hàng tuần tại “Mơ phố”

Năm năm qua, người dân quanh đây, những khách “ruột” của Mơ Phố đã quen với việc ghé quán mỗi tối thứ 6 để thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn, hay vào sáng thứ 7 hàng tuần, khách ngồi uống nước bên cạnh bàn khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho mọi người.

Anh Ngô Anh Tuấn – Hội trưởng Hội Bác sĩ tình nguyện cho biết, “Hội Bác sĩ tình nguyện” thành lập từ năm 2016. Đây là nơi tập hợp những bác sĩ, dược sĩ đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hội cũng thu hút được sự tham gia của lực lượng lớn các tình nguyện viên là sinh viên đại học y, dược và nhiều người công tác ở các ngành nghề khác nhau.

“Mục đích của chương trình “Chung tay vì sức khoẻ cộng đồng” là đem đến sự chăm sóc ban đầu về mặt y tế đến với những địa phương còn khó khăn.Vì thế, các chương trình này của Hội Bác sĩ tình nguyện thường nhận được sự tham gia nhiệt tình của các thành viên cũng như sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, đoàn thể. Các chương trình của Hội còn giúp lan tỏa lòng tương thân tương ái trong cộng đồng, phát huy truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, anh Tuấn bày tỏ.

Quán cà phê vận hành bằng “trái tim”
Quán cà phê "Mơ phố" nơi các hoạt động gây quỹ của "Hội bác sĩ tình nguyện" hoạt động, đồng thời là địa điểm khám và nhận thuốc miễn phí của người dân
Quán cà phê vận hành bằng “trái tim”

Những bệnh nhân đến “Mơ phố” chủ yếu là người già và người có hoàn cảnh khó khăn. “Thời gian gần đây tôi thường bị tức ngực, khó thở nhưng vì khó khăn quá, đến tiền ăn còn chẳng đủ, nói gì đến tiền chữa bệnh nên đành phải chịu đau. Một hôm, tôi được người cháu họ giới thiệu ở phố Yên Lãng có một quán cà phê khám, phát thuốc miễn phí vào cuối tuần. Tôi đạp xe đến thì được các y, bác sĩ ở đây đón tiếp nhiệt tình lắm. Họ khám rồi còn cho tôi thuốc mang về. Từ đó tới giờ, bệnh của tôi đã đỡ đi rất nhiều”, ông Lê Văn Hảo (74 tuổi, trú tại phường Phúc Xá, Ba Đình) chia sẻ.

“Mơ phố” – Giấc mơ tuyệt đẹp của tình người

Quán cà phê đặc biệt nên mọi thứ ở đây đều đặc biệt. Vào đêm nhạc duy nhất trong tuần, nhóm nhạc biểu diễn cũng toàn những người khiếm thị. Không nhìn rõ từng phím đàn nhưng tất cả các thành viên đều thể hiện rất tuyệt vời. Nghề biểu diễn và tình yêu âm nhạc dường như đã khiến những con người ấy chơi đàn và hát bằng trái tim chứ không chỉ dừng lại ở những kỹ năng bài bản mà bất cứ ai đánh đổi thời gian công sức đều có thể rèn luyện được ít nhiều.

Quán cà phê vận hành bằng “trái tim”
Những nghệ sĩ "đặc biệt" biểu diễn tại Mơ phố

Nghệ sĩ Trần Thương sinh năm 1990, quê ở Bắc Ninh, Trưởng ban nhạc “Mơ phố”, người đã đồng hành cùng Mơ phố từ những ngày đầu chia sẻ, mỗi tối được đến quán biểu diễn là niềm vui lớn. Tuy không thể nhìn thấy nụ cười của mọi người nhưng những tràng pháo tay của khán giả đủ để anh biết mình đã làm tốt.

“Dù bản thân tôi khiếm khuyết nhưng tôi cảm thấy mình vẫn vô cùng may mắn vì có thể theo đuổi ước mơ âm nhạc. Đến Mơ phố biểu diễn, tôi góp được phần nhỏ công sức vào các hoạt động tình nguyện. Tôi vô cùng hạnh phúc vì được giúp đỡ mọi người. Tôi mong rằng Mơ phố thật lớn mạnh để có thể giúp ích cho những hoạt động của hội bác sĩ tình nguyện, để có nhiều hơn nữa các em nhỏ ở vùng núi khỏe mạnh đến trường, được ăn no mặc ấm và có cơ hội sống đầy đủ như trẻ em thành thị” - anh Thương nói.

Ngưởi đến thưởng thức cà phê tự bỏ số tiền yêu thương của mình vào chiếc hòm thanh toán tự nguyện
Ngưởi đến thưởng thức cà phê tự bỏ số tiền yêu thương của mình vào chiếc hòm thanh toán tự nguyện

Mọi hoạt động của Mơ phố đều vì mục đích tình nguyện và việc biểu diễn âm nhạc cũng vậy. Những nghệ sĩ đến đây thường hát ca khúc “Để gió cuốn đi” như muốn nói rằng, đời này những người mở quán Mơ phố và nghệ sỹ hát cho khách của Mơ phố nghe cũng chỉ muốn tấm lòng ấy để gió cuốn đi, cho đi mà không cần nhận về.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động