Phụ nữ trẻ Hà thành - những bông hoa ngát hương hiện đại và năng động
Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản dâng hương tại đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh Nhiều hoạt động văn hóa kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) Vinh danh 10 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2022 |
Sành điệu như… phụ nữ Hà Nội
Có điều kiện, đó là một trong những yếu tố giúp phụ nữ Hà Nội trở nên sành điệu. Ở trung tâm của đất nước, có cơ hội kiếm ra nhiều của cải vật chất, lại được “bủa vậy” bởi vô số các hãng thời trang, cập nhật các xu hướng trên thế giới, những cô gái trẻ của Hà Nội dễ dàng trang bị cho mình những bộ váy, chiếc túi cùng phụ kiện, đồ trang sức… vừa có gu vừa mang nhiều phong cách khác nhau.
Sự sành điệu thể hiện ở chỗ không phải cứ cái gì đắt, mới cũng khoác lên người cho bằng được mà ở chỗ bằng con mắt tinh tế, bằng gu thời trang phong phú. Chị Kiều Xuân (ở quận Hà Đông, Hà Nội) có thể “biến hình” theo các phong cách khác nhau.
Vẻ đẹp người con gái Hà Nội trong tà áo dài (Ảnh minh họa) |
Khi đi chơi, dạo phố với bạn bè, chị mặc đồ của các hãng nổi tiếng trên thế giới. Khi đi làm, chị ngay lập tức trở về văn hóa công sở với váy dài quá đầu gối, quần áo lịch sự trang nhã. Vào ngày lễ Tết, chiếc áo dài truyền thống luôn được chị diện lên người để khoe trọn vẻ đẹp đài các của mình.
Chị Thu Lê cũng ở quận Hà Đông, Hà Nội, lại luôn khiến chồng hài lòng, bạn bè ngưỡng mộ. Là tuýp phụ nữ hiện đại, chị không quá câu nệ việc phải “tề gia nội trợ”. Có ông bà ngoại giúp đỡ, chị chỉ đứng ra sắp xếp, điều hành mọi thứ trong nhà từ việc ăn gì, con học trường nào, dùng tiền của gia đình vào việc đầu tư, kinh doanh ở đâu.
Sáng ra, khi chị đi làm cũng là lúc con cái đi học. Tối về, con cái có ông bà đưa đón, gia sư kèm cặp học hành và chị kiểm tra kết quả bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình. Dù không phải động tay vào bất cứ việc gì trong nhà nhưng ai cũng nhận thấy vai trò của chị là quá lớn, không có chị không thể nào xong được.
Còn chị Lam Hồng (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại thể hiện sự chăm sóc gia đình của mình bằng đôi tay khéo léo thiên bẩm. Từ những món ăn truyền thống của Hà Nội như bún chả, bún thang, canh bóng hay món hiện đại của phương Tây với nhiều phong cách khác nhau như: Món Pháp gồm gan ngỗng áp chảo, vịt sốt cam, tráng miệng kem Brulee; Món Ý như: Mỳ Ý sốt kem nấm Carbonara, mì Lasagna, pizza, tráng miệng Panda Cotta; Các món bò như: Bò Carpaccio, steak hoặc bò Wellington… Cả các món ăn miền núi, đặc trưng của các vùng miền, chị đều nghiên cứu cách làm và đặt lên bàn mời chồng, con.
Những món ăn do chị Lam Hồng chế biến theo mỗi mùa |
Mùa nào thức nấy, những món ăn trong căn bếp chị Lam Hồng chế biến khiến người ta có cảm giác tận hưởng trọn vẹn mỗi mùa trôi qua trong cuộc đời. Trong khi đó, không chỉ hoa theo mùa của Hà Nội, những loài hoa độc, lạ mới nhập khẩu về chị Lam Hồng cũng mua bằng được để trang trí cho tổ ấm của mình.
“Mỗi ngày trong nhà tôi đều có những điều mới mẻ”, chồng chị cho biết. Bởi không chỉ biết trang trí nhà cửa rất có gu, chị Lam Hồng còn mang đến cho ngôi nhà mình những sự đổi thay liên tục bằng cách bày biện những lọ hoa, bình hoa nhiều kiểu dáng khác nhau để dù là người trong nhà đã quá quen thuộc với không gian này nhưng khi bước về cũng thấy mới mẻ, lạ lẫm. “Mỗi ngày là một ngày vui”, cuộc sống chưa bao giờ nhàm chán với chị Hồng Lam dù chị vẫn đi làm hàng ngày, chăm con và không hề từ chối cuộc vui với bạn bè sau giờ làm việc.
Những “cô giáo” về văn hóa
Cuộc sống hiện đại, do đòi hỏi của công việc, do yêu cầu của thời gian, nhiều người phụ nữ Hà Nội được “giải phóng” khỏi việc nhà. Trong khi không ít người bày tỏ lo ngại về việc các bà mẹ trẻ hiện nay “sướng quá hóa lười” thì bằng những giá trị cụ thể do mình tạo ra, mẹ trẻ Hà Nội đã đem đến những câu trả lời bằng chứng nhất. Xã hội có sự phân công lao động, có giúp việc, có ông bà giúp đỡ, phụ nữ trẻ Hà Nội rảnh tay tập trung vào sự nghiệp, giúp gia đình được cải thiện đời sống, nâng cao mức sống, hưởng thụ cuộc sống hơn.
“Bây giờ không còn là thời lo đủ ăn, đủ mặc nữa mà phụ nữ trẻ phải biết làm sao để chồng con được ăn ngon, mặc đẹp. Bản thân mình cũng phải đẹp, phải điệu thì mới tô đẹp cho Hà Nội được”, chị Mai Vy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết. Vì thế, trong nhà, chị luôn dạy con: “Ăn bao nhiêu không ai nói như thời của ông bà, của bố mẹ ngày xưa. Các con phải biết ăn sao cho đẹp, cho lịch sự, cho ra dáng người có văn hóa”.
Trong mỗi gia đình, xác định nền tảng văn hóa ứng xử là gốc để làm người, những phụ nữ trẻ Hà thành luôn ý thức dạy con cái những điều hay, lẽ phải. Ý thức cao việc “y phục xứng kỳ đức”, không thể để con cháu mình là người xinh đẹp, sành điệu mà bị chê “thừa tiền, thiếu văn hóa”, trong từng nết ăn, nếp ở đều được phụ nữ Hà Nội thuộc thế hệ 7X, 8X uốn nắn cho con cái một cách kĩ càng.
Những góc trang trí làm ngôi nhà thay đổi mỗi ngày |
Cùng với việc nhà trường, xã hội đẩy mạnh tuyên truyền về lối ứng xử văn hóa, mẹ trẻ Hà Nội đi siêu thị mua sắm không quên đưa con vào nhà sách. Vào mỗi kì hội sách hay mỗi cuối tuần, trong các cửa hàng bán sách chưa bao giờ vắng bóng những gia đình trẻ đưa con cái vào lựa chọn.
Thú vui đọc sách cùng nhau, trải qua một vài giờ cuối tuần trong nhà sách vừa giúp mỗi người nâng cao văn hóa đọc, bồi đắp kiến thức, trở thành con người có văn hóa hơn. Nếp sống ấy là do những người mẹ trẻ duy trì trong mỗi gia đình.
Trong khi đó, bây giờ ra đường chúng ta ít thấy trẻ con vứt rác, nói bậy, đi vệ sinh bừa bãi… Nếp sống ấy hình thành là do nếp nghĩ văn hóa. Muốn được như vậy, các bà mẹ là người gần gũi nhất với con chính là những “cô giáo” về văn hóa cho con cái mình.
Đương nhiên, cô giáo muốn trò ngoan, trò giỏi thì bản thân mình cũng phải rất gương mẫu, thực hành thường xuyên để con cái noi theo. Mỗi thời, mỗi người đều tạo nên những giá trị cho thế hệ mình. Đại bộ phận phụ nữ trẻ hiện nay đều đang như những bông hoa đẹp, tô thắm sắc hương cho phố phường Thủ đô. Chắc chắn rằng, những bông hoa ấy sẽ mang đến những hạt giống tốt cho mùa sau, cho thế hệ sau của Hà Nội.