Phòng, chống dịch Covid-19: Đừng vì ích kỉ cá nhân mà đổ gánh nặng cho cộng đồng

Trở về từ vùng dịch Đà Nẵng nhưng không tự giác cách ly, khai báo y tế, thậm chí còn “vô tư” di chuyển dày đặc đến những nơi công cộng, sự ích kỉ của một bộ phận người Hà Nội những ngày qua đã và đang khiến cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của chúng ta trở nên căng thẳng hơn rất nhiều.
Tỉnh Đoàn Bắc Giang xã hội hóa gần 500 triệu đồng phòng, chống dịch Covid-19 Người dân Hà Nội không nên quá lo lắng mà cần chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19 MTTQ TP Hà Nội lấy ý kiến phản biện về mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19

Khi cái sảy nảy cái ung

Ai cũng biết tốc độ lây lan và nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 là rất khủng khiếp. Bởi vậy, cực chẳng đã mới phải chống, còn phòng vẫn là biện pháp để ngăn chặn từ đầu để “cái sảy” không “nảy cái ung”.

Chỉ nhìn vào báo cáo dịch tễ của một vài trường hợp nhiễm bệnh, chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của việc tự giác cách ly và khai báo y tế là quan trọng như thế nào cho chính mình và cộng đồng.

Thông tin với báo chí, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh trường hợp bệnh nhân số 714 ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) là ca bệnh rất phức tạp, lịch trình di chuyển dày đặc, gặp gỡ rất nhiều người trong khoảng thời gian về từ Đà Nẵng cho đến khi được cách ly (từ ngày 17/7 đến ngày 5/8).

phong chong dich covid 19 dung vi ich ki ca nhan ma do ganh nang cho cong dong
Hà Nội test nhanh cho những người trở về từ vùng dịch Đà Nẵng

Đáng chú ý, bệnh nhân ho, sốt, viêm họng từ ngày 19/7, tức là có biểu hiện bệnh lý từ rất sớm nhưng trong suốt hai tuần đó, người bệnh di chuyển và tiếp xúc với rất nhiều người, ở nhiều khu vực trong Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác.

Theo điều tra dịch tễ trước đó, bệnh nhân này đã đến nhiều nơi tại các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm; đến nơi đông người như tiệc liên hoan với bạn tại 168 Trần Vỹ, Mai Dịch và hát karaoke tại A99 Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm.

Từ ngày 3 - 4/8, bệnh nhân đến 4 bệnh viện: Y học Cổ truyền Bộ Công an (tại Trung Văn, Nam Từ Liêm), Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Phổi Hà Nội rồi sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 xét nghiệm, cách ly.

"Người này đi rất nhiều nơi, lực lượng y tế, cán bộ của các xã, phường toàn thành phố đi suốt đêm qua để rà soát mà vẫn chưa hết được số trường hợp tiếp xúc", ông Tuấn cho biết. Chung cư mini mà bệnh nhân này đang tạm trú ở quận Bắc Từ Liêm đã được phong tỏa, phun thuốc khử khuẩn.

Trước đó, Hà Nội cũng từng ghi nhận trường hợp bệnh nhân 459 trở về từ Đà Nẵng cũng có lịch trình di chuyển dày đặc khi về đến Thủ đô. Vẫn biết, đi lại, giao tiếp xã hội là nhu cầu của tất cả mọi người. Ai cũng có những việc phải làm nhưng rất cần ý thức cảnh giác cao, nhất là khi mình mang trên người nguy cơ có thể lây bệnh cho cộng đồng.

Bởi lẽ, từ một người mang trên mình mầm bệnh, biết bao người khác có thể bị lây nhiễm. Kéo theo đó, công tác phòng chống dịch bệnh sẽ trở nên rất căng thẳng. Cả thành phố gồng mình với biết bao nhiêu con người, nhân lực, vật lực, tiền của để giải quyết hậu quả.

phong chong dich covid 19 dung vi ich ki ca nhan ma do ganh nang cho cong dong
Không ai muốn chịu cảnh tòa nhà, khu phố của mình như thế này nên càng phải nâng cao ý thức tự giác

Chiều 6/8, báo cáo tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương đã thông tin về tình hình cách ly trường hợp tiếp xúc trên địa bàn, đặc biệt là đối với bệnh nhân 714.

Theo đó, quận đã rà soát được gần 100 người F1 và F2 ở khu chung cư mini mà bệnh nhân 714 đang sinh sống (cùng vợ và 2 con). Số trường hợp tiếp xúc gần là 6 người, còn lại là các trường hợp F2. Quận đã lấy mẫu toàn bộ để chuyển cho CDC Hà Nội làm xét nghiệm, đang chờ kết quả.

Đến 1h ngày 6/8, quận đã hoàn thành công tác phong tỏa, lập rào chắn, cách ly tại nhà đối với tất cả các trường hợp F2 và đưa đi cách ly y tế người F1 tại Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao. Quận bố trí 2 nhóm trực 24/24 và phối hợp với nhân dân, tổ dân phố để đảm bảo cách ly y tế triệt để tại đây.

Kéo theo đó còn là sự mất ổn định về tâm lý, các hoạt động kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng mà hậu quả khó có thể đo đếm được bằng những con số cụ thể.

Đừng đổ trách nhiệm cho cộng đồng

Phải nói ngay rằng không ai mong muốn mình bị bệnh dịch tấn công. Nhu cầu đi du lịch là tất yếu của mỗi người, cũng là cách thiết thực để hưởng ứng lời kêu gọi kích cầu du lịch nội địa của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ không may, thành phố du lịch Đà Nẵng lại là nơi làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát. Người mắc bệnh khi trở về Đà Nẵng tất nhiên cũng là không may. Song, đừng từ cái không may đó của mình lại biến thành cái không may cho rất nhiều người khác, cho cả thành phố Hà Nội hay những tỉnh thành khác.

Rõ ràng, nếu mỗi người tự ý thức, ngay sau khi có biểu hiện ho sốt thì nên nghĩ ngay đến việc có thể bị bệnh. Nhất là từ ngày 26/7, khi thông tin Đà Nẵng chính thức có ca bệnh Covid-19 sau 99 ngày cả nước không có ca mới thì lại càng thấy rằng mình có nguy cơ mắc bệnh.

Thông tin về biểu hiện bệnh, đường dây nóng, các biện pháp để chống lây nhiễm ra cộng đồng đã được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền rất sâu rộng suốt những ngày cả nước ta chống làn sóng lây lan đầu tiên nên không thể nói thiếu hiểu biết hay thiếu thông tin.

Biết mà vẫn cố tình phớt lờ các khuyến cáo, quy định về phòng, chống dịch thì là do ý thức. Một số người còn nghĩ rằng “chắc không sao đâu, mình có đến những chỗ có nguy cơ lây lan cao đâu.

Có người lại không muốn khai báo y tế vì sợ bị cách ly, không được đi làm, đi chơi, phải ở nhà hay vào khu tập trung thì rất… buồn. Từ việc nghĩ “không sao” ấy, người ta không chủ động khai báo, trốn tránh cách ly, thậm chí vẫn đi làm, đi chơi với các hoạt động xã hội bình thường.

Hậu quả là rất nhiều “sao” đã đến ngay, khi mà con số người Hà Nội trở về từ Đà Nẵng trong tháng 7 cứ tăng lên theo mỗi đợt công bố những ca bệnh mới. Bởi khi ấy người ta mới biết sợ và thành khẩn khai báo. Từ việc vô ý thức của mình, cộng đồng đã phải gánh chịu hậu quả khi chi phí, công sức bỏ ra chống dịch rất lớn.

Đây chính là lối ứng xử vô trách nhiệm với chính bản thân vào cộng đồng, rất đáng lên án bởi hậu quả để lại không trong phạm vi cá nhân có thể chịu trách nhiệm mà khiến cả thành phố cũng như cả nước phải gánh. Đó là cái giá quá đắt cho cái sự “không sao đâu” bởi bệnh dịch không phải chuyện đùa.

phong chong dich covid 19 dung vi ich ki ca nhan ma do ganh nang cho cong dong
Những người vô ý thức hãy nhìn vào hình ảnh các nhân viên y tế vô cùng vất vả để nhận thức rõ hành động của mình tác hại như thế nào

Ngay trong khi các ngành chức năng đang căng mình chống dịch, một biểu hiện nữa của sự vô ý thức lại khiến dư luận phẫn nộ. Đó là trường hợp như Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết có một người đàn ông 60 tuổi, sinh sống cùng tòa nhà với bệnh nhân 714, bỏ trốn khi phát hiện khu vực bị phong tỏa.

Người đàn ông này sống cùng chung cư với bệnh nhân 714 (quận Bắc Từ Liêm). Khi thấy lực lượng đang cách ly y tế, phong tỏa khu vực thì không phối hợp khai báo mà lên xe máy bỏ đi khiến cho lực lượng chức năng lại vất vả tìm kiếm. Nếu chẳng may mang trong người mầm bệnh, người này sẽ còn gieo rắc nguy cơ cho bao nhiêu người khác nữa?

Chị Hương (ở Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội) đi du lịch Đà Nẵng về đã tự cách ly tại nhà, chị chủ động thông báo cho chính quyền và tổ dân phố, thực hiện nghiêm túc những khuyến cáo của ngành y tế. Báo chí cũng ghi nhận được rất nhiều người khi đi test nhanh đã cho biết rằng họ đã thu xếp xong công việc, chuẩn bị sẵn va li, nếu có kết quả dương tính thì vào khu cách ly tập trung ngay lập tức

Trong khi phần lớn những người trở về từ Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm túc khai báo y tế thì một vài “con sâu làm rầu nồi canh” thiếu ý thức đã khiến tình hình phức tạp lại càng trở nên phức tạp. Dù chưa có chế tài nào để xử lý những trường hợp này song rất mong thông qua bài học này, mỗi người Hà Nội hãy tự nâng cao ý thức hơn nữa với lối ứng xử văn minh vì mình và vì người khác để giảm nhẹ rủi ro cho cộng đồng, đưa cuộc sống bình yên sớm trở lại với Hà Nội và cả nước.

Nâng mức cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại Hà Nội
Tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 qua ứng dụng Hà Nội Smart City
Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động