Chứng "sợ giao tiếp xã hội" của người trẻ

Khi mạng xã hội đang "thống trị" cuộc sống hàng ngày, ngày càng có nhiều người trẻ tại Việt Nam ngại gặp mặt, giao tiếp với người xung quanh, dành nhiều thời gian trò chuyện online vì chứng "sợ xã hội".
Người trẻ đánh đổi sức khỏe để có tự do tài chính Áp lực kép khiến người trẻ chọn độc thân

Thừa nhận bản thân rất khó để bắt đầu cuộc trò chuyện với người khác, dù là người quen khi đến nhà cũng không biết ứng xử như thế nào, Ngọc Diệp (17 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) chỉ có thể nói chuyện khi người khác mở đầu bằng một câu hỏi trước và trả lời rồi thì thôi.

"Mình có thể nói rất nhiều trên mạng. Nhưng khi gặp mọi người ở ngoài, mình trở nên ngại ngùng, không biết phải nói gì. Có lẽ giao tiếp trên mạng an toàn hơn. Ít nhất bạn không cần đối diện với họ. Đó cũng là lý do mà mình gần như luôn ở nhà vào dịp cuối tuần", Ngọc Diệp nói.

Minh Anh (sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ rằng, cô thường xuyên cảm thấy lo lắng và căng thẳng khi phải tham gia các buổi thuyết trình hoặc gặp gỡ người mới.

“Mỗi lần phải nói trước đám đông, mình đều cảm thấy tim đập nhanh và mồ hôi tay. Điều này khiến mình rất ngại tham gia các hoạt động xã hội và thường chọn cách tránh né,” Minh Anh bày tỏ.

Chứng "sợ giao tiếp xã hội" của người trẻ
Ngày càng có nhiều người trẻ ngại gặp mặt, giao tiếp với người xung quanh

Tương tự, Đức Nam (26 tuổi), một nhân viên văn phòng sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng cho biết anh thường xuyên cảm thấy cô đơn và khó khăn trong việc kết bạn mới.

“Mình thường dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, nhưng khi gặp gỡ trực tiếp, mình lại không biết phải nói gì và cảm thấy rất ngại ngùng”, Đức Nam chia sẻ.

Trường hợp của Ngọc Diệp, Minh Anh hay Đức Nam không hiếm gặp trong giới trẻ hiện đại, sự phụ thuộc vào công nghệ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngại giao tiếp xã hội của giới trẻ là sự phụ thuộc vào công nghệ.

Theo một khảo sát cuối tháng 8/2024 của Google với 10.000 người trẻ ở Việt Nam trong độ tuổi từ 16 - 30, có đến 82% trong số họ sử dụng điện thoại di động hơn 3 tiếng/ngày. Việc này không chỉ làm giảm thời gian giao tiếp trực tiếp mà còn tạo ra một thói quen giao tiếp qua màn hình, khiến họ cảm thấy khó khăn khi phải đối diện và trò chuyện trực tiếp với người khác.

Ngoài ra, áp lực từ học tập và công việc cũng là một yếu tố góp phần. Nhiều bạn trẻ phải đối mặt với lịch học dày đặc và áp lực từ gia đình về thành tích học tập, khiến họ ít có thời gian và cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội. Điều này dẫn đến việc họ trở nên ngại ngùng và thiếu tự tin khi giao tiếp với người khác.

Chứng "sợ giao tiếp xã hội" của người trẻ
Áp lực từ học tập, công việc hay những người xung quanh là những nguyên nhân gây ra tình trạng này

Vấn đề ngại giao tiếp xã hội không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân mà còn có tác động tiêu cực đến sự phát triển nghề nghiệp của giới trẻ.

Kỹ năng giao tiếp là một trong những yếu tố quan trọng giúp họ thành công trong công việc. Việc thiếu kỹ năng này có thể khiến nhiều bạn trẻ bỏ lỡ cơ hội nghề nghiệp và gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ công việc.

Ngoài ra, ngại giao tiếp xã hội còn có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo âu và cảm giác cô đơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe tinh thần của họ.

Chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên (Trung tâm trị liệu các vấn đề tâm lý Mindcare) cho rằng, để người trẻ vượt qua nỗi sợ giao tiếp, cần tạo ra một môi trường an toàn và thân thiện, nơi họ có thể thoải mái thể hiện bản thân mà không sợ bị phán xét.

Ngoài ra, việc tham gia các khóa học kỹ năng mềm cũng là một cách hiệu quả để cải thiện kỹ năng giao tiếp và tự tin hơn trong giao tiếp xã hội.

Bên cạnh đó, giới trẻ cũng cần tự nhận thức về tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp và chủ động rèn luyện. Họ có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như tham gia các câu lạc bộ, nhóm học tập hoặc các hoạt động tình nguyện. Việc này không chỉ giúp họ cải thiện kỹ năng giao tiếp mà còn mở rộng mối quan hệ xã hội và tích lũy kinh nghiệm sống.

Phạm Thành
Phiên bản di động