Áp lực "lính mới" của những nhân viên gen Z
Gen Z tự chủ tài chính như thế nào? Công việc part-time đang "được lòng" Gen Z Cuộc “cách mạng” tiết kiệm và đầu tư sớm của thế hệ Z |
Khi vừa là gen Z, vừa là người mới...
Mỗi lần công ty tổ chức team building, Minh Anh (23 tuổi, nhân viên văn phòng) đều bị đẩy lên là người đầu tiên phải tham gia. Mặc dù không hề thích hay hứng thú nhưng cô gái trẻ ngại từ chối vì là “lính mới” và cũng trẻ nhất văn phòng. Minh Anh cho biết, trong các sự kiện tập thể, cô luôn được xướng tên là người đại diện cho bộ phận để tham gia một số trò chơi vận động.
Những ngày đầu mới vào làm, Minh Anh nhận lời bởi muốn giao lưu, làm quen mọi người. Tuy nhiên, cô gái 23 tuổi nhanh chóng nhận thấy mình không thoải mái trước đám đông, thể lực cũng khá yếu nếu phải thi chạy, đánh bóng chuyền dưới trời nắng. Dẫu vậy, Minh Anh lại không dám từ chối lời đề nghị của các anh chị lớn tuổi, đành cười trừ và chơi trong tâm trạng ngại ngùng, không thoải mái.
"Mình là nhân sự trẻ tuổi nhất tại công ty cho đến thời điểm hiện tại nên mình sợ nếu không tỏ ra hòa đồng, mọi người sẽ không có thiện cảm với mình", Minh Anh thở dài.
Môi trường công sở đang tồn tại nhiều thế hệ và nhóm tuổi chưa từng có. Chính khoảng cách thế hệ và sự chênh lệch về tuổi tác khiến mỗi cá nhân có cách suy nghĩ, tâm lý và cách nhìn nhận vấn đề khác nhau.
Ở giai đoạn hiện tại, Gen Z (sinh năm 1997 - 2012) được cho là nhóm nhân sự trẻ tuổi nhất. Ít kinh nghiệm làm việc và cả trải nghiệm sống, nhiều người trong số họ loay hoay tìm cách thích nghi với môi trường cùng những người đồng nghiệp lớn tuổi hơn mình.
Gen Z là nhóm nhân sự trẻ tuổi nhất trong thị trường việc làm |
Đầu tháng 8 vừa qua, Hải Long (24 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) bắt đầu làm việc cho một công ty thuộc lĩnh vực công nghệ. Những ngày đầu tiên, chàng trai trẻ mong muốn làm quen và tạo thiện cảm với anh chị đồng nghiệp nên chủ động xin hỗ trợ những đầu việc nhỏ như in ấn tài liệu, dọn dẹp văn phòng…
Nhưng sự hào hứng ban đầu nhanh chóng qua đi khi Hải Long thường xuyên phải ở lại văn phòng làm việc vặt cho đồng nghiệp đến tối muộn trong khi nhiệm vụ chính của mình lại chưa xong. Cảm thấy áp lực, chàng trai trẻ bắt đầu ngại tiếp xúc với tập thể vì sợ bị nhờ thêm việc.
"Một lần, đồng nghiệp nhờ giúp làm việc nhưng mình từ chối. Sau đó, anh ấy tỏ thái độ không hài lòng. Một số người xung quanh bàn tán, cho rằng mình nhỏ tuổi nhưng không biết điều, lễ phép. Là một người trẻ mới vào nghề, mình rất áp lực. Mình cho rằng mình ứng xử chưa khéo léo mà thôi, chứ không bao giờ có ý tiêu cực", Hải Long tâm sự.
Với Thanh Thảo (22 tuổi, thiết kế đồ họa), cô gái trẻ lại áp lực bởi bản thân khá rụt rè, ngại tiếp xúc với đồng nghiệp. Thanh Thảo từng thực tập, làm việc ở một số nơi và hầu hết đều là người trẻ tuổi nhất trong văn phòng. Mới đi làm,Thảo không dám nêu ý kiến, nói quá nhiều hay bắt chuyện với đồng nghiệp.
"Đó chính là lý do mà mọi công việc ở phòng, mình đều âm thầm làm một mình, nhiều lần muốn nhờ mọi người cùng đóng góp, xây dựng nội dung cho tốt hơn nhưng lại sợ phiền", nữ nhân viên gen Z trải lòng.
Dần dần, điều này khiến Thanh Thảo tạo khoảng cách với các thành viên. Cô gái 22 tuổi cảm thấy căng thẳng mỗi lần đối diện với những cuộc trò chuyện của mọi người.
"Có lẽ thời gian tới mình phải học cách mở lòng, nói chuyện với các anh chị ấy nhiều hơn. Mình nghĩ họ sẽ đón nhận mình thôi. Việc đi làm có đồng nghiệp sẻ chia, có người đồng hành chắc chắn sẽ vui và thoải mái hơn", Thanh Thảo chia sẻ.
Cần thời gian để thích nghi
Bắt đầu công việc tại công ty mới từ đầu tháng 6 vừa qua, Linh Chi (23 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) luôn đi làm với tâm trạng lo sợ bị sa thải vì chậm chạp trong công việc.
Là thực tập sinh cho công ty truyền thông, cô loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Được phân công vào nhóm có các anh chị đi trước nhiều kinh nghiệm, Linh Chi nhắm mắt tiếp nhận nhiệm vụ dù chưa quen việc, song cũng không dám hỏi lại vì e ngại. Công việc của Linh Chi là sáng tạo nội dung quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội cho nhãn hàng. Mỗi ngày, cô gái trẻ phải nộp lại một ý tưởng mới để đăng tải, duy trì lượt tiếp cận với người dùng.
Gen Z vẫn cần thêm thời gian để thích nghi với một môi trường mới ngoài trường học |
"Mình gặp khó khăn trong việc viết lách, nhiều lần sáng tạo nhưng không diễn đạt câu từ được sâu sắc. Gần 3 tháng làm việc, mình được các anh chị giúp đỡ, góp ý từng lỗi nhỏ, nhưng mình nhận thấy mình vẫn không tiến bộ nhiều", Linh Chi kể lại.
Chính những điều này khiến Linh Chi tự ti về bản thân. Linh Chi nhớ mãi lần mình mắc lỗi, không lên bài kịp tiến độ khiến nhãn hàng đòi bồi thường. Số tiền tuy không lớn, nhưng là bài học đắt giá đối với cô gái 23 tuổi.
"Mình nghĩ mình sẽ phải kiên trì rèn luyện mỗi ngày nếu không muốn ảnh hưởng đến thành tích của nhóm. Dù được châm chước vì trẻ tuổi nhất phòng, nhưng mình rất sợ nếu mắc lỗi một lần nữa", cô gái trẻ bày tỏ.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên (Trung tâm trị liệu các vấn đề tâm lý Mindcare) cho rằng, khoảng cách thế hệ tại nơi làm việc có thể khiến người lao động trẻ và già cảm thấy thấp kém hơn, cũng như cản trở năng suất và tinh thần đồng đội. Những người lao động trẻ hơn có thể sợ không được đồng nghiệp lớn tuổi coi trọng, trong khi những người lao động lớn tuổi sợ bị thay thế bởi những người lao động có kiến thức về công nghệ hiện đại hơn.
“Các thành viên của mỗi thế hệ có thể thu hẹp khoảng cách với đồng nghiệp nếu họ sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt và cố gắng hòa hợp với nhau. Học cách giao tiếp, tránh tin vào những định kiến và khuyến khích sự linh hoạt sẽ là một số gợi ý giúp môi trường công sở không còn là “áp lực” đối với thế hệ lao động trẻ”, chuyên gia Phạm Thảo Nguyên chia sẻ.