Phó Trưởng ban quản lý các KCN Bắc Giang khẳng định cấp GPXD đúng pháp luật
Báo Tuổi trẻ Thủ đô - Chuyên trang Tuổi trẻ và Pháp luật đã phản ánh về việc nhiều năm nay, Ban quản lý (BQL) các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang cấp giấy phép xây dựng (GPXD) cho các doanh nghiệp khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) gây thiệt hại cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường cạnh tranh tại tỉnh miền núi đang phát triển rất nóng này.
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã được lãnh đạo BQL các KCN tỉnh Bắc Giang cấp GPXD khi chưa có ĐTM được phê duyệt. |
Sau nhiều lần liên hệ và gửi nội dung làm việc, cuối cùng lãnh đạo BQL các KCN Bắc Giang cũng đã sắp xếp được thời gian làm việc với phóng viên (PV) để trao đổi xoay quanh vấn đề cấp GPXD khi chưa có ĐTM được phê duyệt tại một số dự án trong các KCN.
Trước câu hỏi của PV về việc BQL các KCN Bắc Giang cấp GPXD cho doanh nghiệp khi chưa có ĐTM được phê duyệt, ông Trần Vũ Thông, Phó Trưởng BQL các KCN Bắc Giang cho biết việc cấp GPXD cho các doanh nghiệp nằm trong KCN là theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn.
Buổi làm việc giữa PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô với BQL các KCN Bắc Giang có sự tham gia của đại diện Sở TN&MT Bắc Giang, Sở Xây dựng và Sở Thông tin - Truyền thông |
Ông Thông cho biết, trong Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn cấp GPXD thì không nhắc tới việc phải có ĐTM mới được được cấp GPXD, mà chỉ hướng dẫn xem xét đến yếu tố môi trường.
Do đó, ông Thông khẳng định, việc BQL các KCN Bắc Giang cấp GPXD cho các doanh nghiệp khi chưa có ĐTM được phê duyệt như vậy là không sai(?)
Phản bác lại quan điểm này của BQL các KCN tại buổi làm việc, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang khẳng định, ngay trong quá trình chuẩn bị dự án thì Chủ đầu tư phải có ĐTM được phê duyệt theo Luật Bảo vệ môi trường.
Công ty TNHH Ich Cube Việt Nam được Ban quản lý các KCN Bắc Giang cấp giấy phép xây dựng khi ĐTM chưa được phê duyệt |
Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang cho biết hiện theo Luật Bảo vệ môi trường thì các dự án thuộc trường hợp phải xin cấp GPXD thì thủ tục bắt buộc là phải có ĐTM được phê duyệt xong rồi mới được xem xét cấp GPXD.
Do đó các đơn vị cần phải phối hợp với nhau, trao đổi ý kiến trước khi cấp phép để đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng đẩy cơ quan quản lý rơi vào thế khó xử, muốn xử phạt cũng không được.
Năm 2017, Công ty TNHH JA Solar tại KCN Quang Châu, Bắc Giang dù đã được BQL các KCN Bắc Giang cấp GPXD, đã thi công được hơn 30% công trình nhưng Bộ TNMT vẫn "tuýt còi" đình chỉ thi công vì ĐTM chưa được phê duyệt |
Theo Luật sư Vi Văn Diện, Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 quy định rất rõ về yêu cầu bảo vệ môi trường. Cụ thể trong giai đoạn khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng, tại khoản 5 Điều 82 có quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật khi thẩm định thiết kế xây dựng. Tiếp đó, tại khoản 3, khoản 4 Điều 91 Luật Xây dựng còn quy định phải bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh. Đồng thời phải có thiết kế xây dựng công trình đã được kiểm duyệt theo Điều 82 của luật này. Đối với điều kiện cấp phép giấy phép xây dựng của công trình không theo tuyến ngoài đô thị thì tại khoản 2 Điều 92 Luật Xây dựng về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình không theo tuyến ngoài đô thị cũng yêu cầu phải đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 91 của Luật Xây dựng. Ngoài ra, tại Điểm d, khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định tại Luật này để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật. Đó là về Luật Xây dựng, còn theo Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014 và có hiệu lực từ 01/01/2015 quy định cũng rất chi tiết. Cụ thể tại khoản 2 Điều 19 về thực hiện đánh giá tác động môi trường thì “việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án” và tại mục d, khoản 2 Điều 25 về “Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng”. Từ những dẫn chứng trên đã cho thấy rất nhiều cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng thời gian qua “vô tư” cấp phép cho các dự án dẫn đến hàng loạt công trình được thi công khi chưa thực hiện các thủ tục pháp luật khác, cụ thể là ĐTM chưa được phê duyệt. Đó là hành vi làm trái pháp luật rất rõ ràng – Luật sư Vi Văn Diện nói thêm. |
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.