Phó Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kịch bản thị trường xăng dầu biến động

Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công thương có giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu và sẵn sàng kịch bản ứng phó nếu giá biến động.
Bộ Tài chính lên tiếng việc ngân hàng thu nợ từ Quỹ Bình ổn xăng dầu Liên tiếp phát hiện, xử lý vi phạm các doanh nghiệp xăng dầu

Tại cuộc họp về giá ngày 11/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, hiện có một số yếu tố như Nga và Saudi Arbia cắt giảm nguồn cung, dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng giá vào những tháng cuối năm.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi sát tình hình để điều hành, có giải pháp phù hợp, giữ chỉ số lạm phát theo mục tiêu.

Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung cho hệ thống phân phối của cả nước; sẵn sàng các biện pháp xử lý kịp thời về giá khi thị trường có biến động.

Trước đó, cuối tháng 8/2023, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Theo đó, Bộ Công thương giao Vụ Thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; trong trường hợp cần thiết, chủ trì, phối hợp Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị có liên quan, kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ Công thương điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để thương nhân đầu mối thực hiện, xem xét giao bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối có năng lực để chủ động thực hiện, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.

Phó Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kịch bản thị trường xăng dầu biến động
Ảnh minh họa.

Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Tài chính thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu theo quy định; phối hợp với các cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn, tạo nguồn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Dầu khí và Than của Bộ Công thương và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất trong nước để tham mưu điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định.

Trong khi đó, Tổng cục Quản lý thị trường được giao tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công thương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Công thương địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tại chỉ thị, Bộ Công thương đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (cả về số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng.

Các thương nhân cũng cần chủ động nguồn hàng (cả nguồn trong nước và nhập khẩu), thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.

Theo đề nghị của Bộ Công thương, các thương nhân tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.

Hậu Lộc
Phiên bản di động