Phó Thống đốc: Năm vừa qua không có quỹ tín dụng nào rơi vào tình trạng kiểm soát

Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng, nhưng hoạt động Quỹ tín dụng Nhân dân đạt kết quả tích cực, không có quỹ nào rơi vào tình trạng kiểm soát như những năm trước...
Thủ tướng "nóng ruột" vì tín dụng tăng trưởng thấp Tín dụng đã thoát tăng trưởng âm

Đây là thông tin được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề về Quỹ tín dụng Nhân dân năm 2024, diễn ra ngày 9/4.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, thời gian qua, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra Quỹ tín dụng Nhân dân đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, tồn tại. Công tác xử lý các Quỹ tín dụng Nhân dân yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các quỹ đã và đang triển khai một cách tích cực đề án tái cơ cấu.

Theo Phó Thống đốc, có được kết quả trên là nhờ nhận diện một cách kịp thời cũng như đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ được đặt ra trong một giai đoạn, từng năm, từng quý một cách tích cực và quyết liệt; cũng như tinh thần tập trung xử lý tháo gỡ nhanh những khó khăn, yếu kém đã được quán triệt và các đơn vị trong toàn ngành - nhất là các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và thành phố đã vào cuộc tích cực.

Phó Thống đốc: Năm vừa qua không có quỹ tín dụng nào rơi vào tình trạng kiểm soát
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng, nhưng hoạt động Quỹ tín dụng Nhân dân đạt kết quả tích cực, không có quỹ nào rơi vào tình trạng kiểm soát như những năm trước; nhiều quỹ được chấn chỉnh, từng bước phát triển về cơ bản thực hiện tốt các quy định Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã, các quy định của ngành ngân hàng.

Ngoài những kết quả đạt được, Phó Thống đốc nhận định, công tác quản lý hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, công tác xử lý pháp nhân của các Quỹ tín dụng Nhân dân là công việc phức tạp, chưa có tiền lệ nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến.

Đồng thời, nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân tại một số địa phương chậm được xử lý, thực hiện nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đối với Quỹ tín dụng Nhân dân vẫn còn một số nội dung cần lưu ý.

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu tiếp tục củng cố hoạt động hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân, khẩn trương hoàn thành việc xử lý Quỹ tín dụng Nhân dân yếu kém.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị chuyên đề về Quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn để phối hợp nắm bắt, cung cấp thông tin trong việc thông báo chủ trương, chính sách, kết quả hoạt động và cảnh báo, chấn chỉnh các Quỹ tín dụng Nhân dân tiềm ẩn rủi ro, vi phạm.

Cùng với đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các Quỹ tín dụng Nhân dân; tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã xác định từ đầu năm, xử lý nghiêm sai phạm, bảo đảm khách quan, có lý, có tình.

Phó Thống đốc yêu cầu Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tăng cường hơn nữa vai trò liên kết hệ thống, điều hòa vốn, trung tâm thanh toán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kiểm tra, giám sát an toàn của hệ thống, tham gia hỗ trợ xử lý Quỹ tín dụng Nhân dân yếu kém.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân đạt 183.826,8 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cuối năm 2022; tiền gửi khách hàng là 163.067,1 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cuối năm 2022; tổng dư nợ cho vay là 133.449,1 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối năm 2022; vốn chủ sở hữu 12.755,6 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2022.
Hậu Lộc
Phiên bản di động