“Nóng” vấn đề quy hoạch quảng cáo ngoài trời
Hiệu quả từ quản lý hoạt động quảng cáo báo chí TP HCM: Nhiều cơ sở quảng cáo trái phép sản phẩm công nghệ tế bào gốc TP HCM: Nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng cáo trái phép dịch vụ làm đẹp bộ phận nhạy cảm |
Tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp liên quan Quyết định 1997
Sáng 16/8, tại UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra sôi động với nhiều loại hình quảng cáo. Công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP ngày càng phức tạp do Hà Nội có địa giới hành chính mở rộng với 30 quận, huyện, thị xã.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, phát biểu tại buổi đối thoại |
Thời gian gần đây, theo xu thế phát triển như vũ bão của công nghệ quảng cáo trên thế giới, ngày càng nhiều loại hình quảng cáo mới xuất hiện và phát triển mạnh, đòi hỏi, yêu cầu công tác quản lý Nhà nước cần có phối hợp và được sự hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương.
Tại buổi đối thoại sáng nay, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm đến Quyết định số 1997/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 1997) phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050.
Ông Nguyễn Đức Bình, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng và Quảng cáo Hà Việt chia sẻ, tất cả vị trí quy hoạch quảng cáo trước đây của công ty đều thực hiện theo Quyết định 348 ngày 13/1/2012 UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi TP Hà Nội ban hành Quyết định 1997 thì toàn bộ hoạt động đã bị dừng lại. Trong khi đó, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội không thể cấp phép quảng cáo tạm thời.
Các cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa đặt câu hỏi tại buổi đối thoại |
Theo ông Bình, Quyết định 1997 đã ban hành 6 năm. Mọi dự án bị đình trệ trong khi công ty vẫn phải bỏ tiền thuê vị trí của các cá nhân. Vị trí hợp pháp, nội dung đảm bảo theo quy định pháp luật song vẫn chưa thể tiến hành triển khai. Ông Bình đề nghị TP sớm giải quyết vấn đề quy hoạch quảng cáo liên quan đến Quyết định 1997.
Đồng chí Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp |
Cùng mối quan tâm, đại diện của Tập đoàn Đông Quang cũng cho rằng, TP Hà Nội nên có nhiều ưu đãi cho ngành quảng cáo bởi đây là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, các khó khăn liên quan đến quy hoạch quảng cáo của Quyết định 1997 như hướng dẫn thực hiện, triển khai thủ tục, giấy phép xây dựng... rất cần được tháo gỡ sớm.
Trả lời vấn đề trên, đồng chí Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, về ưu đãi đối với doanh nghiệp quảng cáo, trong Điều 43 của Luật Thủ đô (sửa đổi) có nêu rõ, trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực, doanh nghiệp được ưu đãi về quảng cáo, miễn thuế, được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập 4 năm và giảm trừ thuế 9 năm tiếp theo.
Đối với những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến Quyết định 1997, Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội đã hoàn thiện văn bản và kiến nghị thành phố cho phép tạm thời quảng cáo với điều kiện doanh nghiệp không vi phạm và vị trí được duyệt phù hợp.
Ngoài ra, đối với quảng cáo màn hình LED, trong những hoạt động phục vụ sự kiện chính trị, xã hội, hình thức này rất hiệu quả và đang làm tốt. Đại diện Sở Văn hóa – Thể thao đề nghị TP tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện.
Thái độ tốt nhất, chia sẻ nhanh nhất với doanh nghiệp
Trao đổi thẳng thắn tại buổi đối thoại, đại diện Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội cho hay, hiện TP có hơn 400.000 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa – xã hội đóng góp lớn cho GDP của Thủ đô.
“Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hội nhập quốc tế nên sản phẩm văn hóa xã hội, du lịch phải nhiều hơn để tạo ra được chuỗi giá trị cung ứng. Hiện 30% DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng, nếu số lượng doanh nghiệp làng nghề, dịch vụ mà tăng lên 40% trở lên thì đóng góp GDP của Hà Nội sẽ tăng hơn nữa” – đại diện Hội DNNVV TP Hà Nội nói.
Với 20/66 ý kiến, câu hỏi ở nhiều nhóm vấn đề của các cá nhân, đại diện doanh nghiệp nêu ra tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho rằng, có một số nội dung cần làm sâu, thông tin minh bạch hơn. Thời gian tới, lãnh đạo TP sẽ công khai nội dung chỉ đạo ở một số nhóm vấn đề, các Sở sẽ trả lời trực tiếp để đạt được kết quả tốt hơn.
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định, TP hiện vẫn đang hiện đại hóa quy trình, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, ủy quyền để giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong các lĩnh vực. |
Lắng nghe và chủ trì buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là lần thứ tư TP tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo từng khối lĩnh vực. Riêng đối với mảng văn xã, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhận định, đóng góp của lĩnh vực này cho GDP thành phố ngày càng tăng. Đặc biệt, sau COVID -19, nhiều doanh nghiệp còn có sự phục hồi nhanh chóng.
Đồng chí cho rằng, để có kết quả đó, phía sau là mồ hôi, là tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề của người lao động, các doanh nhân trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. Hiện, Thành ủy, UBND rất quan tâm đến lĩnh vực này bằng việc làm, hành động cụ thể. TP đặc biệt coi trọng lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, y tế. Hà Nội cũng là TP đầu tiên có nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.
Bày tỏ sự chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng kỳ vọng có nhiều thay đổi hơn trong lĩnh vực này thời gian tới. Cụ thể, với Luật Thủ đô được ban hành, TP sẽ có cơ chế hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa.
TP hiện vẫn đang hiện đại hóa quy trình, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, ủy quyền cho các cấp để giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong các lĩnh vực.
“Thành phố sẽ phân loại các nhóm vấn đề, kiến nghị của doanh nghiệp để sớm giải quyết với thái độ tốt nhất, chia sẻ nhanh nhất với doanh nghiệp, với tinh thần đoàn kết khối trong, khối ngoài vì một Thủ đô Hà Nội thanh lịch, hiện đại và văn minh” – Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định.