Nỗ lực xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Nông thôn mới góp phần thu hẹp khoảng cách nội đô và ngoại thành Cho vay chuỗi giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững |
Phú Xuyên hướng đến nông nghiệp, nông thôn hiện đại
Vốn được mệnh danh là vùng đất “chiêm khê, mùa úng”, nên sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Xuyên nhiều năm từng gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, mặc dù có thế mạnh về phát triển làng nghề truyền thống nhưng quá trình tổ chức sản xuất đã phát sinh các vấn đề về xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường… Do đó, kinh tế, xã hội của huyện cũng chưa phát triển đúng tiềm năng.
Để hoàn thành mục tiêu trong xây dựng huyện Nông thôn mới, thời gian qua, huyện Phú Xuyên đã duy trì, nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn, tiến tới xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, xã Nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, huyện xác định ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm sạch chất lượng cao; Nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống. Qua đó, huyện từng bước nâng cao thu nhập của người dân, hướng đến nông nghiệp, nông thôn hiện đại.
Nói về công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết: Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã sửa chữa, nâng cấp, bê tông hóa 210km đường trục xã, liên xã được với kinh phí 736,2 tỷ đồng; 125km đường trục liên thôn, kinh phí 285 tỷ đồng và 115km đường ngõ xóm, kinh phí 241,4 tỷ đồng.
Trong thời gian này, huyện đã mở 73 lớp dạy nghề với trên 2.500 học viên tham gia, tổng kinh phí thực hiện hơn 6 tỷ đồng. Địa phương chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tổ chức được các phiên giao dịch việc làm, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Phú Xuyên có nhiều làng nghề truyền thống, góp phần tạo việc làm, đem lại thu nhập cao cho người dân |
Ngoài việc chú trọng đầu tư nguồn kinh phí thích hợp, huyện đã đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã làm “đầu kéo” phát triển nông nghiệp cũng như các làng nghề. Thời gian qua, các mô hình hợp tác xã phát triển hiệu quả đã giúp huyện Phú Xuyên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Từng bước đưa nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, giúp nâng cao đời sống Nhân dân.
Hiện toàn huyện có 73 hợp tác xã đã chuyển đổi hoặc thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Mô hình liên kết chuỗi trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các hợp tác xã được hình thành và phát huy hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Tại xã Phú Túc, địa phương có làng nghề guột tế (đan cỏ tế) với gần 4.000 lao động tham gia sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu, các tổ hợp tác, hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho người dân. Nhờ vậy, mỗi năm tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn ước đạt 260 tỷ đồng. Phát triển tiểu thủ công nghiệp cũng là một trong những điều kiện giúp Phú Túc trở thành điểm du lịch và nhanh chóng về đích Nông thôn mới.
Hay như mô hình liên kết sản xuất của các Hợp tác xã Phú Thắng, Hợp tác xã Phú Hưng đã liên kết các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn để phục vụ người dân sản xuất mạ khay, cấy máy. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã trong huyện còn liên kết với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, lúa chất lượng cao. Nhiều hộ chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn.
Với nỗ lực và thành quả đạt được, mục tiêu của huyện Phú Xuyên thời gian tới là duy trì, nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới, huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, tiến tới xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, xã Nông thôn mới kiểu mẫu.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Lê Tiến Xuân cho biết: “Để làm tốt nhiệm vụ này, huyện sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng các hợp tác xã phát triển theo chuỗi giá trị; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp; tập trung cho các sản phẩm nông nghiệp sạch chất lượng cao; nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống".
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Bên cạnh kết quả đạt được, huyện Phú Xuyên cũng gặp nhiều khó khăn trong xây dựng Nông thôn mới, nhất là đầu tư đường giao thông và hạ tầng phát triển sản xuất. Một bộ phận cán bộ, người dân ở cơ sở chưa chủ động phát huy nội lực của địa phương trong thực hiện những tiêu chí cần ít kinh phí như: Vệ sinh môi trường, văn hóa, thể thao…
Mặc dù, toàn bộ 25 xã của huyện đã cán đích Nông thôn mới, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt hơn 57 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,3%, nhưng trên địa bàn chưa có xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Đơn cử như xã Nam Triều là địa phương đạt tiêu chí xã Nông thôn mới từ năm 2014, song như chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Phùng Thế Dũng thì có rất nhiều khó khăn khi triển khai xây dựng Nông thôn mới nâng cao.
Đời sống của người dân Phú Xuyên ngày càng được nâng cao |
Thực tế, Nam Triều đã hoàn thiện được 15/19 tiêu chí của Nông thôn mới nâng cao song để "cán đích" Nông thôn mới nâng cao vào năm 2023 xã cần nguồn lực rất lớn để đầu tư giao thông nội đồng, trường học... (dự kiến nguồn kinh phí khoảng 30 tỷ đồng). Hiện, địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Lê Tiến Xuân cho biết: Năm 2021 vừa qua, toàn huyện có 3 xã (Đại Thắng, Phúc Tiến, Tri Trung) đăng ký và sẽ hoàn thành xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Tuy nhiên, đến nay mới có Đại Thắng đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, còn Phúc Tiến và Tri Trung mới đạt và cơ bản đạt 17 - 18 tiêu chí.
Khó khăn của các địa phương này chính là tiêu chí trường học đạt chuẩn quốc gia. Ngoài trường học, việc xây dựng, nâng cấp trạm y tế, trung tâm văn hóa thể thao… đạt chuẩn cũng là những thách thức về huy động vốn...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trọng Vĩnh, để phấn đấu đạt các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở xác định cụ thể những tiêu chí đạt và chưa đạt, các xã xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện. Đồng thời, huyện yêu cầu các cơ quan, phòng, ngành phụ trách từng tiêu chí rà soát, chấm điểm lại bảo đảm sát và đánh giá đúng thực chất để xây dựng các xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Phú Xuyên được công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mớiPhó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 515/QĐ-TTg công nhận huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Phó Thủ tướng giao UBND Thành phố Hà Nội có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; Chỉ đạo UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng Nông thôn mới. 10 năm qua, thực hiện phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", 25/25 xã của huyện Phú Xuyên đạt chuẩn Nông thôn mới. Huyện Phú Xuyên đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi được huyện Phú Xuyên chú trọng đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao… Đến nay, huyện Phú Xuyên đã đạt 9/9 tiêu chí huyện Nông thôn mới, tiêu biểu như các tiêu chí về giao thông, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, cảnh quan môi trường nông thôn… Năm 2020 tổng giá trị sản xuất của Phú Xuyên ước đạt 9,840 tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm 2019; Thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm (năm 2010 đạt 14,9 triệu đồng/người/năm). Hộ nghèo từ 7,15% (năm 2010) xuống còn 0,67% (năm 2020)... Thành công trong xây dựng Nông thôn mới, huyện Phú Xuyên đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2025: Trên 50% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, tăng trưởng kinh tế bình quân từ 6,7 -7,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/người/năm, 75% làng, khu dân cư đạt danh hiệu Văn hóa, 90% hộ gia đình đạt Gia đình Văn hóa. |