Nông thôn mới góp phần thu hẹp khoảng cách nội đô và ngoại thành

Công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống người dân ngoại thành được cải thiện và nâng cao.
Cho vay chuỗi giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững Hải Dương: Sẽ thu hồi bằng của những làng nghề không đủ tiêu chí

Giúp nhau cùng phát triển

Đến nay, thành phố Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong đó, 47 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 5 xã thuộc huyện Đan Phượng được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.

Nhờ có chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 3 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm không còn hộ nghèo; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,29%.

Trong số 6 huyện chưa đạt chuẩn Nông thôn mới có Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định; Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2021; Các huyện Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2022.

Nông thôn mới góp phần thu hẹp khoảng cách nội đô và ngoại thành
Nhờ có sự hỗ trợ tích cực kịp thời từ các quận nội thành nên diện mạo các huyện ngoại thành đã có sự đổi mới rõ rệt

Kết quả huy động nguồn lực, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới quý I/2022 là 30.820,142 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 1.204,727 tỷ đồng. Đối với kết quả thực hiện chương trình OCOP, trong năm 2021 có 595 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đánh giá, phân hạng đủ điều kiện trình UBND thành phố quyết định công nhận. Lũy kế từ năm 2019 đến nay, thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

Hiện nay, thành phố Hà Nội tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả khả quan, qua đó, giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước trong xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên để có được kết quả này ngoài sự chỉ đạo sát sao từ các cấp chính quyền, còn phải kể đến sự vào cuộc hỗ trợ tích cực kịp thời từ các quận nội thành cho các huyện ngoại thành.

Tính đến hết quý I/2022, có 9 quận thuộc thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng Nông thôn mới với tổng kinh phí là 386,3 tỷ đồng. Trong đó, quận Tây Hồ đã bố trí hỗ trợ 5 huyện (Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên) với tổng kinh phí là 175,8 tỷ đồng; Quận Thanh Xuân (75 tỷ đồng); Quận Ba Đình (57 tỷ đồng); Quận Hoàn Kiếm (31,9 tỷ đồng)...

Đánh giá về việc hỗ trợ các huyện xây dựng Nông thôn mới, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: Thời gian qua, Tây Hồ là quận đã bố trí nguồn kinh phí tương đối lớn để hỗ trợ các huyện. Giai đoạn 2016-2020, quận đã hỗ trợ các huyện 105,8 tỷ đồng; Giai đoạn 2021-2025, quận Tây Hồ dự kiến tiếp tục hỗ trợ các huyện khoảng 160 tỷ đồng.

Không chỉ hỗ trợ các huyện về nguồn vốn, nhiều quận đang mở rộng hợp tác, liên kết với các huyện để khai thác lợi thế của mỗi địa phương. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay: Trên địa bàn quận có rất nhiều phố nghề. Các hoạt động du lịch, thương mại phát triển… Do đó, Hoàn Kiếm mong muốn phối hợp với các huyện để lựa chọn sản phẩm làng nghề đặc sắc, quảng bá, giới thiệu đến du khách, tạo thêm sản phẩm phát triển du lịch; Đồng thời đưa khách du lịch lưu trú trên địa bàn tham quan, trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn Hà Nội.

Ngoài ra, một số quận cũng mong muốn liên kết với các huyện tạo mối liên kết chuỗi trong việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các mặt hàng nông sản đặc sản, nông sản sạch…

Nông thôn mới góp phần thu hẹp khoảng cách nội đô và ngoại thành
Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy, các quận có trách nhiệm, góp sức cùng các huyện xây dựng Nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách đời sống giữa quận và huyện

Về phía các huyện, việc hỗ trợ này cũng mang lại hiệu quả cao, tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), toàn bộ số vốn đầu tư xây dựng trường Tiểu học Tảo Dương Văn (xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa) lên tới 35,8 tỷ đồng do quận Tây Hồ hỗ trợ với tinh thần nội thành hỗ trợ ngoại thành xây dựng Nông thôn mới.

Dự kiến năm 2023, ngôi trường sẽ được đưa vào hoạt động, không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp xã Tảo Dương Văn củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Hay như huyện Mỹ Đức, trong giai đoạn 2016-2020, huyện Mỹ Đức đã được các quận: Long Biên, Ba Đình, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông hỗ trợ tổng kinh phí 87,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa...

Năm 2021, huyện tiếp tục nhận được 50 tỷ đồng do hai quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ hỗ trợ để xây dựng 2 trường mầm non ở xã Bột Xuyên và xã Hợp Tiến… Nguồn vốn đầu tư của các quận giúp Mỹ Đức hoàn thành xây dựng Nông thôn mới tại 21/21 xã.

Thu hẹp khoảng cách đời sống giữa quận và huyện

Hà Nội là một thực thể không thể tách rời giữa các quận - huyện, trong đó, người dân sống ở đô thị và người dân sống ở nông thôn đều có quyền được hưởng sự phát triển của Thủ đô. Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã mang lại bộ mặt mới cho đời sống sinh hoạt của người dân ở nông thôn, từ điện, đường, trường, trạm. Trong đó, thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy, các quận có trách nhiệm, góp sức cùng các huyện xây dựng Nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách đời sống giữa quận và huyện.

Nông thôn mới góp phần thu hẹp khoảng cách nội đô và ngoại thành
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nội đô và ngoại thành

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: Nguồn vốn hỗ trợ của các quận đã tiếp thêm sức mạnh để các xã nghèo đủ lực hoàn thành xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới; Có 47 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu…

Năm 2022, thành phố giao chỉ tiêu cho các địa phương có thêm 25 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, các huyện, thị xã đã đăng ký thêm 58 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh nguồn vốn của thành phố, vốn của các huyện, rất cần sự tiếp tục chung sức của các quận.

Có thể thấy rằng, trong tiến trình đô thị hóa và triển khai xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, sự chung tay, chung sức của các quận với các huyện là hết sức cần thiết và mang nhiều ý nghĩa, tạo nên nét riêng của Hà Nội.

Nguồn vốn của thành phố và các quận hỗ trợ các huyện không chỉ làm thay đổi diện mạo các miền quê, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, mà còn thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nội đô và ngoại thành.

Báo: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động