Cuộc giải phóng và hành trình trung hưng Thăng Long - Hà Nội
70 năm giải phóng Thủ đô - dấu ấn từ mùa thu lịch sử TRỰC TIẾP: Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô |
Hẹn ước ngày về lịch sử
Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, luôn hiện lên trong tâm trí người Việt Nam như một biểu tượng của lòng tự hào dân tộc, của văn hóa và lịch sử.
Hành trình phát triển của Thủ đô không chỉ là câu chuyện về sự đổi thay của kinh tế, xã hội mà còn là bức tranh sinh động của sức sống mãnh liệt và khát vọng vươn lên. Từ những giai đoạn khó khăn trong chiến tranh, qua thời kỳ bao cấp gian khổ, đến những bước phát triển mạnh mẽ thời hội nhập, Hà Nội luôn khẳng định vị thế của một thành phố không chỉ là ngọn hải đăng dẫn dắt về chính trị và kinh tế, mà còn là trung tâm sáng tạo văn hóa của cả nước.
Trong suốt tiến trình lịch sử ngàn năm, Thăng Long - Hà Nội luôn là đô thị đầu não, trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước.
Theo dòng lịch sử, có thể nói, cuộc trung hưng Thăng Long - Hà Nội trong thời hiện đại có thể tính điểm mốc bắt đầu từ khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, khi Nhân dân ta đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp hơn 80 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, giành quyền độc lập dân tộc, thành lập Nhà nước Cộng hòa Dân chủ, đưa Nhân dân lên vị trí làm chủ đất nước.
Đoàn quân giải phóng làm lễ chào cờ tại sân Cột Cờ (sân Đoan Môn) - Hoàng thành Thăng Long năm 1954. Ảnh tư liệu. |
Đó chính là lúc đất nước, dân tộc, Nhân dân ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, phải đến một buổi chiều mùa thu sau Ngày Độc lập 9 năm, 10/10/1954, hàng vạn Nhân dân Thủ đô xúc động, trang nghiêm về dự lễ mừng chiến thắng dưới chân cột cờ Hà Nội, công cuộc đó mới thực sự được bắt đầu trên thực tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào Hà Nội với niềm tin tưởng vững chắc rằng: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ cố gắng quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Khẳng định rằng: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí “đầu tàu”, vai trò “gương mẫu” với cả nước. Hà Nội đã nỗ lực thực hiện lời dặn của Bác Hồ.
Trở lại với những tháng năm khói lửa, những ngày đầu tháng 2/1947, cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử gắn với cuộc rút lui thần kỳ của quân đội ta. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng chỉ huy, Thành uỷ, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội quyết định tổ chức cho Trung đoàn Thủ đô rời liên khu I ra hậu phương để bảo toàn và xây dựng lực lượng nhằm kháng chiến lâu dài. Trước khi rời chiến luỹ, các chiến sĩ còn kẻ lên tường của các dãy phố những dòng chữ: “Quân xâm lăng chúng ta sẽ trở lại đây một ngày mai”, “Thủ đô Hà Nội mãi mãi là của dân tộc Việt Nam”, “Tạm biệt Hà Nội nhé! Hẹn ngày trở về”...
Chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam đứng gác trên cầu Long Biên, chiều 9/10/1954 sau khi quân Pháp rút hết khỏi Thủ đô qua cây cầu này để xuống Hải Phòng. Ảnh tư liệu TTXVN. |
Cả dân tộc quyết tâm chung sức đồng lòng, lập nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954 công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Ngày 8/10/1954 quân Pháp làm lễ hạ cờ và ngày 9/10 bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp rút đến đâu bộ đội ta vào tiếp quản tới đó. Chiều 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Cây cầu là nơi chào đón đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô.
Như lời hẹn ước, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, trước tinh thần chiến đấu ngoan cường “nếm mật nằm gai, gan không núng, chí không mòn” của quân và dân ta. Các chiến sĩ bộ đội lại trở về trên chính cây cầu Long Biên lịch sử.
Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội Nhân dân chia làm nhiều cánh tiến vào Hà Nội. Cùng với đó, hai mươi vạn Nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.
Sau khi bộ đội ta hoàn thành tiếp quản thành phố, đúng 15h, ngày 10/10/1954 một buổi lễ đặc biệt diễn ra tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long: Lễ chào cờ đầu tiên ngay sau khi Hà Nội được giải phóng. Cảnh tượng ấy đã in sâu trong tâm trí của người dân Thủ đô trong ngày Hà Nội sạch bóng quân thù.
Một Thủ đô văn hiến, tựa núi nhìn sông
Kể từ ngày Thủ đô được giải phóng và sang những năm đổi mới, công cuộc phục hưng của Thăng Long - Hà Nội càng ngày càng được đẩy mạnh hơn. Bước ra từ khói lửa chiến tranh, Hà Nội đã trở thành Thành phố vì hòa bình và đang trên đà để Thủ đô là Thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Sự hồi sinh của văn hóa Hà Nội sau chiến tranh là minh chứng cho sức mạnh bất khuất của văn hóa, không chỉ trong việc duy trì giá trị dân tộc mà còn trong việc định hình và củng cố quốc gia. |
Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng to lớn: Tái thiết không chỉ hạ tầng vật chất mà còn tái sinh tinh thần văn hóa, giữa bối cảnh đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc. Thành phố nghìn năm văn hiến bị hư hại nặng nề, phải thích nghi, tự lực tự cường, bắt đầu từ những gì còn sót lại, khôi phục và dựng xây lại nền tảng văn hóa đã bị chiến tranh tàn phá và đạt được nhiều điểm sáng trong mọi lĩnh vực. Chính trong thử thách ấy, Hà Nội đã chứng tỏ một sức mạnh phi thường, vừa kiên cường, vừa sáng tạo, mở ra một giai đoạn mới đầy hy vọng.
Hà Nội đã chứng minh rằng, dù trải qua những thử thách lớn lao, Thành phố vẫn giữ vững được bản sắc văn hóa độc đáo và phát triển mạnh mẽ. Sự hồi sinh của văn hóa Hà Nội sau chiến tranh là minh chứng cho sức mạnh bất khuất của văn hóa, không chỉ trong việc duy trì giá trị dân tộc mà còn trong việc định hình và củng cố quốc gia. Qua đó, Hà Nội không chỉ là một thành phố hồi sinh mà còn là biểu tượng cho sự phát triển văn hóa kiên cường, truyền cảm hứng cho cả nước trên hành trình hướng tới tương lai.
Trong bài viết: “70 năm hành trình tự hào của văn hóa Hà Nội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, thành phố Hà Nội luôn mang trong mình "khát vọng hóa rồng" với dáng vóc của một Thủ đô giàu đẹp, văn minh, ngang tầm khu vực.
Thành phố Hà Nội - Thủ đô của hòa bình, hạn phúc. |
Kể từ khi bước vào thời kỳ Đổi mới năm 1986, Hà Nội đã thắp lên một nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng sáng tạo và đổi mới. Đây không chỉ là cuộc cách mạng về kinh tế mà còn là thời điểm mà văn hóa Hà Nội bùng nổ, phát triển rực rỡ và trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống hiện đại của Thủ đô. Từ đó, Hà Nội không ngừng chuyển mình, biến văn hóa thành yếu tố cốt lõi trong việc định hình bản sắc đô thị và tạo nên dấu ấn khó phai trong lòng người dân và du khách.
Dưới ánh sáng của đổi mới, Hà Nội không chỉ giữ vững những giá trị văn hóa truyền thống mà còn khẳng định sức sống mãnh liệt của mình qua hàng loạt thành tựu văn hóa nổi bật. Các chương trình và dự án văn hóa đã làm sống dậy một Thủ đô năng động, nơi nghệ thuật và sáng tạo không ngừng lan tỏa.
Một Thủ đô văn hiến, tựa núi nhìn sông. |
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, những hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú không chỉ thổi bùng lên một đời sống văn hóa sôi động tại Hà Nội mà còn lan tỏa tinh thần sáng tạo ra toàn quốc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ. Văn hóa đã trở thành động lực phát triển bền vững của thủ đô, là chất xúc tác làm đẹp cuộc sống và tạo nền móng vững chắc cho sự thịnh vượng chung của đất nước.
Thời kỳ đổi mới đã mang đến cho Hà Nội một hơi thở mới của văn hóa, một làn gió tươi mát làm giàu thêm bản sắc ngàn năm của thành phố. Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, đưa văn hóa trở thành sức mạnh nâng tầm Thủ đô và đồng hành cùng sự phát triển rực rỡ của Việt Nam trong tương lai.
Hà Nội, trái tim của đất nước, không chỉ là Thủ đô về chính trị mà còn là nơi chứa đựng hồn thiêng sông núi Việt Nam. Những thách thức mà văn hóa Hà Nội đang đối mặt trong công cuộc xây dựng thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại không hề nhỏ. Đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự thay đổi lối sống và sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai đang từng ngày đẩy di sản văn hóa Hà Nội vào một ngã rẽ đầy thử thách. Nhưng chính trong những thách thức ấy, cũng mở ra cơ hội để chúng ta thể hiện sức mạnh và sự quyết tâm bảo vệ những giá trị thiêng liêng đã tồn tại suốt hàng nghìn năm.
Qua 70 năm từ Ngày Giải phóng Thủ đô, khuôn mặt phố phường đã có bao thay đổi. Trong những ngày mùa thu lịch sử này, hướng về Thủ đô, trong lòng mỗi người dạt dào bao âm hưởng. Chắc chắn rằng, Hà Nội của ngày hôm nay, và cả mai sau, sẽ luôn phát huy được bản lĩnh, khí phách của Thủ đô ngàn năm văn hiến, là biểu tượng sống động của sự hòa quyện giữa quá khứ và tương lai, giữa sự cổ kính và hiện đại, giữa những nét văn hóa truyền thống ngàn năm và sự sáng tạo đổi mới không ngừng. Tất cả những gì chúng ta đang làm hôm nay sẽ là nền móng cho một Hà Nội bền vững, một Thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại và đầy tự hào!