Những khu rừng trong lòng thành phố
Rừng Amazon bị tàn phá… vì nhu cầu thịt bò của con người "Đơn giản và giết chóc" - loại bẫy đang huỷ diệt các khu rừng Việt Nam Đặc sản sâu gỗ trong thân cây chết của người Philippines |
Singapore là một trong những thành phố xanh nhất thế giới (Ảnh: Natural Walking Cities) |
Người Singapore từ lâu đã có ý thức mạnh mẽ về vai trò của không gian xanh trong đô thị. Đảo quốc sư tử chính là mô hình thực tế của đô thị nén, trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng.
Do sở hữu diện tích khiêm tốn, chỉ vẻn vẹn 710km2 nên Singapore luôn có nhu cầu tối ưu hóa việc sử dụng không gian đất đai với quy hoạch phù hợp nhằm tạo ra các không gian xanh, đảm bảo đất nước không biến thành một khu rừng bê tông.
Các kiến trúc sư đã kết hợp cây xanh vào không gian sống dưới mọi hình thức, như mái nhà xanh, vườn thẳng đứng xếp tầng hay những bức tường xanh tươi.
Đến nay, quốc đảo này đã được phủ xanh theo cách thức đa tầng, với tầng thấp nhất là cỏ, bụi cây con, cây thấp tầng, sau đó là tầng trung và tầng cao.
Những tòa cao ốc được thiết kế để có không gian cho cây xanh phát triển. Phần mái và sảnh của các công trình được biến thành nơi trồng cây. Ngoài ra, một số công trình sử dụng cây xanh làm rèm che nắng tự nhiên.
Người Singapore cũng không trồng cây một cách tràn lan. Những giống cây được trồng đều phải trải qua quá trình lựa chọn kỹ lưỡng sao cho phù hợp với thổ nhưỡng cũng như điều kiện trồng. Ven những con đường, người ta chọn những loại cây bóng rộng để tăng cường độ che phủ trong những ngày nắng mưa. Tuy nhiên, chúng cũng cần chịu được điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Singapore.
Điểm nhấn của Gardens by the Bay là hệ thống cây năng nhân tạo cao tới 54m, có thể tạo ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời, thông hơi cho các tòa nhà gần đó và hứng nước mưa (Ảnh: Sergio Sala/Unsplash) |
Dù quỹ đất hạn chế nhưng nhà chức trách vẫn dành đất xây dựng hơn 300 công viên và vườn thực vật cùng 4 khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích trên 2.300ha. Trong đó, Singapore có những công viên rất lớn nằm giữa trung tâm như Vườn bách thảo (74ha) hay Gardens by the bay (101ha).
Khu tổ hợp “Những khu vườn bên vịnh” (Gardens by the Bay) là công trình ra đời nhằm hiện thực hóa tham vọng rừng trong thành phố của Chính phủ Singapore. Nó là công viên nằm giữa trung tâm đảo quốc sư tử, với những cây nhân tạo khổng lồ giúp tạo ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời và môi trường sống cho các loài thực vật.
Với những khu phố không có cây xanh, Chính phủ cho tái cấu trúc, phá bỏ cả khu phố, nén dân cư lại dành đất cho công viên cây xanh. Các dự án chung cư, khu đô thị mới không có tỷ lệ cây xanh đạt yêu cầu sẽ không được cấp phép xây dựng.
Theo thống kê hiện nay, Singapore là một trong những đô thị dẫn đầu thế giới về độ phủ của cây xanh, với khoảng 50% diện tích được che bóng.
Kế hoạch sử dụng đất của Singapore đến năm 2030 gồm: 17% cho nhà ở, 9% cho công viên và dự trữ tự nhiên, 7% cho các cơ sở vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng và 13% cho giao thông mặt đất.
Bois de Boulogne ở thủ đô Paris, Pháp |
Ngoài Singapore, những “khu rừng” trong lòng thành phố nổi tiếng thế giới có thể kể đến là Bois de Boulogne giữa lòng Thủ đô Paris hoa lệ. Bois de Boulogne là công viên rộng thứ hai của nước Pháp.
Công viên ra đời trong giai đoạn 1852 đến 1858 dưới thời Hoàng đế Napoleon. Bois de Boulogne rộng 845ha. Ngoài hệ thống thực vật phong phú, công viên còn sở hữu nhiều hồ và thác nước.
Công viên trung tâm nằm giữa quận tài chính Manhattan, thành phố New York, Mỹ với diện tích hiện tại đạt 341ha. Công viên được xây dựng trong năm 1858 và hoàn thành năm 1873. Đây là công viên nội đô thu hút nhiều người tới nhất tại Mỹ.
Ueno (Tokyo, Nhật Bản) là một trong những công viên công cộng đầu tiên của đất nước mặt trời mọc, nơi có hệ động thực vật phong phú, các đền thờ cổ xưa và một số bảo tàng thú vị. Vào mỗi mùa xuân, công viên lại tổ chức lễ hội hoa anh đào để du khách có thể đi bộ qua những con đường phủ đầy những tán hoa màu hồng diễm lệ.
Hyde Park là công viên rộng lớn nhất thành phố nằm tại trung tâm London (Vương quốc Anh) với nhiều di tích kiến trúc lịch sử lâu đời của các triều đại Hoàng gia Anh bao gồm đài tưởng niệm Hoàng tử Albert (mất năm 1861). Đài tưởng niệm này do vợ ông - Nữ hoàng Victoria chủ trì xây dựng. Thời gian lý tưởng để thăm quan địa điểm này là vào mùa thu với nhiều màu sắc và mùa xuân với hương thơm ngào ngạt từ các loại thực vật. Những sự kiện âm nhạc, lễ hội… cũng thường xuyên được tổ chức ở đây.
Là công viên trong lòng thành phố lớn nhất Châu Âu, English Garden được xây dựng từ những năm 1700 ở Munich (Đức). Công viên này nổi bật với vườn thực vật Berlin (Botanischer Garten Berlin), mục đích chính là phục vụ khoa học. Vườn cũng được sử dụng như công viên nghỉ ngơi. Khu vườn có nhà nhiệt đới cao 25m, rộng 30m, dài 60m. Đây là nhà kính trồng cây lớn nhất thế giới.