Rừng Amazon bị tàn phá… vì nhu cầu thịt bò của con người

Theo một cuộc điều tra mới đây, hơn 800 triệu cây rừng Amazon đã bị đốn hạ chỉ trong vòng 6 năm để đáp ứng nhu cầu thịt bò của con người, bất chấp những cảnh báo về tầm quan trọng của rừng trong việc chống lại khủng hoảng khí hậu.
Ăn giun để sống sót trong rừng Amazon Nhiều doanh nghiệp lớn nỗ lực chung tay chống biến đổi khí hậu Các nước vùng Amazon cam kết bảo vệ vùng rừng nhiệt đới Amazon
Chăn nuôi gia súc là nguyên nhân hàng đầu của nạn phá rừng trên khắp Brazil (Ảnh: Getty Images)
Chăn nuôi gia súc là nguyên nhân hàng đầu của nạn phá rừng trên khắp Brazil (Ảnh: Getty Images)

Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới. Theo Bộ Ngoại giao nước này, xuất khẩu thịt bò và lợn ở dạng chưa qua chế biến của nước này đạt tổng giá trị gần 10,4 tỷ USD trong năm 2021. Thịt được xuất khẩu rộng rãi, bao gồm cả EU, Anh và Trung Quốc - những thị trường nhập khẩu thịt bò Brazil lớn nhất thế giới.

Ngành công nghiệp thịt bò ở Brazil luôn cam kết ngăn chặn các trang trại liên quan đến nạn phá rừng. Tuy nhiên, dữ liệu của cuộc điều tra cho thấy 1,7 triệu héc ta rừng Amazon đã bị phá hủy gần các nhà máy thịt xuất khẩu thịt bò ra khắp thế giới.

Cuộc điều tra dựa trên dữ liệu do Cơ quan Báo chí điều tra (TBIJ), Guardian, Repórter Brasil và Forbidden Stories thực hiện cho thấy, tình trạng mất rừng trên diện rộng và có hệ thống liên quan đến chăn nuôi gia súc.

Các nhà nghiên cứu tại công ty tư vấn AidEnvironment đã sử dụng hình ảnh vệ tinh, hồ sơ di chuyển vật nuôi và các dữ liệu khác để tính toán thiệt hại rừng trong 6 năm (2017 - 2022) trên hàng nghìn trang trại.

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), tiêu thụ thịt bò và bê toàn cầu sẽ tăng trong thập kỷ tới. Một báo cáo chung dự đoán, sản lượng toàn cầu sẽ tăng 16% từ năm 2017 đến 2027 để đáp ứng nhu cầu. Phần lớn, thịt bò được cung cấp từ các nước đang phát triển như Brazil.

Sản phẩm từ bò là một trong những nguyên nhân hàng đầu tạo ra khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu. Mọi lĩnh vực trong ngành Nông nghiệp khi vận hành đều thải ra khí nhà kính làm tăng nhiệt độ trái đất, góp phần nhiều nhất là sản xuất thịt, đặc biệt là thịt bò. Một số phương pháp sản xuất sản phẩm từ gia súc đòi hỏi phải có diện tích đất lớn, đồng nghĩa với nạn phá rừng tăng lên.

Một trong những nguyên nhân đất rừng Amazon bị thu hẹp là do con người chặt phá rừng lấy đất làm nơi chăn thả gia súc. Nạn phá rừng trên khắp Brazil đã tăng vọt từ năm 2019 đến 2022, trong đó hoạt động chăn nuôi gia súc là nguyên nhân số 1. Chính quyền mới của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva đã cam kết sẽ xử lý tình trạng này.

Theo Channel News Asia, rừng mưa nhiệt đới Amazon - rừng rậm lớn nhất thế giới, chứa 10% các loài sinh vật được biết đến trên thế giới.

Từ năm 2015 - 2018, 29.000km2 diện tích rừng Amazon nằm trong lãnh thổ Brazil bị tàn phá. Con số này tương đương 40 lần diện tích đất nước Singapore. Có tới 80% diện tích đất trống được tạo ra sau các vụ phá rừng trên.

Alex Wijeratna, Giám đốc cấp cao của tổ chức vận động chính sách Mighty Earth, cho biết: “Amazon đang ở rất gần điểm giới hạn. Những số liệu này rất đáng báo động vì Amazon không thể để mất số lượng cây lớn tới mức đó… Điều này sẽ tác động lớn đối với hành tinh”.

Trước tình trạng này, nhiều nhà môi trường đã lên tiếng kêu gọi người tiêu dùng điều tiết nhu cầu ăn thịt.

Công nhân trong một lò mổ ở Brazil (Ảnh: Ricardo Funari)
Công nhân trong một lò mổ ở Brazil (Ảnh: Ricardo Funari)

Chuyên gia Joseph Poore của trường Đại học Oxford (Anh), một trong những tác giả nghiên cứu về tác động của chăn nuôi đến môi trường, cho biết: “Hạn chế ăn thịt có lẽ là cách tốt nhất để bảo vệ Trái Đất, không chỉ làm giảm lượng khí thải nhà kính, mà còn các vấn đề ô nhiễm đất đai, nguồn nước cùng nhiều tác động khác. Nó hiệu quả hơn nhiều so với hạn chế sử dụng xăng dầu hay chuyển qua dùng xe điện để bảo vệ môi trường”.

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra, chăn nuôi bò ở khu vực chặt rừng làm đồng cỏ khiến khí thải nhà kính tăng 12 lần so với việc chăn thả tự nhiên.

Thành viên Nghị viện Châu Âu, Delara Burkhardt cho rằng những phát hiện này đã củng cố sự cần thiết của biện pháp pháp lý lớn hơn trên toàn cầu để giải quyết nạn phá rừng: “Nạn phá rừng Amazon không chỉ là chuyện của Brazil mà cũng là vấn đề của những nơi khác trên thế giới như EU, Anh hay Trung Quốc - nơi hoạt động nhập khẩu có liên quan tới vấn đề của rừng Amazon. Đó là lý do tại sao các quốc gia tiêu dùng nên ban hành luật về chuỗi cung ứng để đảm bảo thịt nhập khẩu không tiếp tay cho nạn phá rừng. Tôi hy vọng luật mới của EU về chống phá rừng sẽ là một kế hoạch chi tiết cho các nhà nhập khẩu lớn khác như Trung Quốc nối bước”.

Ngọc Ly
Phiên bản di động