Những chiến sĩ blouse trắng "đầu trọc" của Thủ đô miệt mài nơi tâm dịch Bắc Giang

Đoàn công tác y tế thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với TTYT huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19.
NSND Quốc Hưng ra MV về người chiến sĩ áo trắng Tri ân, chúc mừng những "chiến sĩ áo trắng" thầm lặng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ

Làm việc 200% công suất nơi "tâm dịch"

Trong những ngày này, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được triển khai quyết liệt, Đoàn công tác y tế Hà Nội phối hợp cùng Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện Lạng Giang kiểm tra giám sát tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện. Đoàn đã thực hiện hàng trăm test nhanh cho các đối tượng là người tại các khu cách ly tập trung; Lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng gồm người liên quan tới các trường hợp mắc và các đối tượng nghi mắc hoặc có kết quả test nhanh dương tính.

Đồng thời, đoàn công tác y tế Hà Nội phối hợp với TTYT huyện Lạng Giang tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng điều tra, truy vết, khoanh vùng xử lý ổ dịch cho trạm trưởng, cán bộ dịch tễ tại 21 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Đoàn hỗ trợ y tế Hà Nội hỗ trợ Lạng Giang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Đoàn hỗ trợ y tế Hà Nội hỗ trợ Lạng Giang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Tại buổi tập huấn, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cũng đã chia sẻ các nội dung của công tác truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính (truy vết F1).

Đoàn công tác y tế Hà Nội lưu ý các cán bộ tham gia lấy mẫu cần đảm bảo an toàn sinh học, tránh lây nhiễm chéo.
Đoàn công tác y tế Hà Nội lưu ý các cán bộ tham gia lấy mẫu cần đảm bảo an toàn sinh học, tránh lây nhiễm chéo

Là người con sinh ra và lớn lên tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, bác sĩ Đặng Đình Huân đang công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nghe tin quê nhà có dịch bệnh bùng phát, đã xung phong lên đường về quê hương đóng góp sức mình chống “giặc” Covid-19.

Bác sĩ Huân đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng điều tra, truy vết, khoanh vùng xử lý cho trạm trưởng, cán bộ dịch tễ tại 21 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Bác sĩ Đặng Đình Huân nhấn mạnh: “Mục đích của truy vết là tìm người tiếp xúc gần với ca bệnh để cách ly kịp thời; đảm bảo yêu cầu thần tốc, triệt để, không để sót lọt người tiếp xúc với ca bệnh.

Truy vết phải được thực hiện càng sớm càng tốt ngay khi có thông tin về ca bệnh; Xác định các mốc dịch tễ, huy động nhiều lực lượng và áp dụng nhiều biện pháp để truy vết F1 trong thời gian sớm nhất, người tham gia truy vết khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây bệnh.

Các bước thực hiện truy vết gồm xác định mốc dịch tễ (gồm địa điểm, sự kiện mà ca bệnh đã đến hoặc tham gia trong thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh đến khi được cách ly) sau đó thông báo các mốc dịch tễ đến bộ phận điều phối để triển khai các lực lượng truy vết F1; Rà soát và hoàn thiện danh sách F1 nhanh chóng tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm thần tốc không để dịch bệnh Covid-19 lây lan”.

Cạo trọc rồi, chống được dịch Covid-19, tóc sẽ mọc trở lại

Ngoài thần tốc truy vết, lấy mẫu nhanh chóng thì việc khử trùng, xử lý vệ sinh môi trường khu vực có bệnh nhân vô cùng quan trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 ra cộng đồng. Đặc biệt, việc khử trùng và xử lý môi trường phải được thực hiện sớm sau khi phát hiện có ca bệnh nhân Covid-19 đầu tiên.

Tham gia cùng đoàn Hà Nội hỗ trợ huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, CDC Hà Nội ngoài trực tiếp cùng cán bộ y tế chống dịch, còn tham gia tập huấn cho cán bộ y tế các kỹ thuật khử trùng, xử lý vệ sinh môi trường.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy chia sẻ với cán bộ y tế huyện Lạng Giang: “Phải làm sạch bề mặt, đồ dùng, vật dụng trước khi tiến hành khử trùng, đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh lây nhiễm chéo cho những người tham gia khử trùng và xử lý môi trường.

Các khu vực cần tiến hành khử trùng và xử lý môi trường gồm trong nhà, phòng ở, căn hộ của bệnh nhân Covid-19; Khu vực liền kề xung quanh nhà, phòng ở, căn hộ của bệnh nhân, phòng liền kề, hàng lang, lối đi chung, cầu thang, thang máy, sảnh chờ... đối với nhà chung cư, tập thể, kí túc xá, khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, cơ sở cách ly tập trung, tường, sân vườn, vỉa hè, đường đi, lối đi chung…

Phương tiện, dụng cụ, hóa chất gồm phương tiện làm sạch, khử trùng: Thùng, xô, giẻ lau, cây lau sàn, bình, máy phun khử trùng, túi, thùng dựng chất thải lây nhiễm; Khử trùng khu vực triển khai lấy mẫu cho người dân, các khu vực có nguy cơ cần xử lý môi trường; Khử trùng cho cán bộ trực tiếp tham gia tại nơi có nguy cơ cao để đảm bảo an toàn sinh học… góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan ra cộng đồng”.

Đồng thời, bác sĩ Huy cũng hỗ trợ, chia sẻ, hướng dẫn các cán bộ y tế kỹ thuật khử trùng cho cán bộ lấy mẫu đảm bảo an toàn sinh học và xử lý rác thải theo đúng quy định, đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Ngoài xung kích trên mặt trận chống chống "giặc" Coivd-19, cán bộ y tế còn điêu luyện, trở thành “thợ” cắt tóc lúc nào không hay.

Trong những ngày hỗ trợ huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang phòng chống dịch bệnh Covid-19, ở trong khu vực cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0 giờ ngày 19/52021, các quán xá dịch vụ đóng cửa dừng hoạt động.

Là thành viên tham gia cùng đoàn Hà Nội hỗ trợ Bắc Giang chống dịch, bác sĩ Đinh Việt Anh, CDC Hà Nội bức bối với mái tóc dày, bất tiện, nhất là thời tiết nắng nóng như hiện nay, đã nhờ bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy CDC Hà Nội cắt cho và quyết định “cắt trọc luôn cho mát”, tham gia chống dịch cho “tiện”.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy CDC Hà Nội cắt tóc cho bác sĩ Đinh Việt Anh “cắt trọc luôn cho mát”, tham gia chống dịch cho “tiện”.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy CDC Hà Nội cắt "đầu trọc" cho bác sĩ Đinh Việt Anh để yên tâm tham gia chống dịch cho “tiện”

Việc "xuống tóc" này được giải thích là giúp các y bác sĩ an toàn hơn, tránh bị lây nhiễm Covid-19 khi làm việc lâu dài cùng bệnh nhân.

Không chỉ làm "thợ cắt tóc" cho anh em bác sĩ, cánh lái xe và TTYT huyện Lạng Giang đều trở thành "khách hàng" của bác sĩ Huy. Chẳng hề lo ngại mái tóc "tóc gió thôi bay", các chiến sĩ blouse trắng bảo rằng “cạo trọc rồi, chống được dịch Covid-19 là tóc sẽ mọc trở lại”.

Hình ảnh những bác sĩ "đầu trọc" đã thể hiện một tinh thần thiện nguyện đầy sức trẻ với nhiệm vụ cao cả là chung tay chống dịch Covid-19, hỗ trợ cho tỉnh bạn nơi "mặt trận không tiếng súng".

Trong hai tuần qua, những chiến sĩ áo trắng nơi tâm dịch Bắc Giang đã gác lại chuyện riêng, làm việc cật lực với công suất 200% để lấy mẫu xét nghiệp cho người dân, nhanh chóng khoanh vùng dập dịch trong cái nắng oi ả của ngày hè.

Kể sao hết những nỗi gian truân mà các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đang phải ngày đêm khống chế dịch Covid-19. Những y, bác sĩ trẻ đã và đang làm rạng ngời truyền thống ngành y, nối tiếp truyền thống hào hùng ra trận năm xưa của thế hệ cha anh như: Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm... đã làm nên lịch sử.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động