Người phụ nữ được cứu sống nhờ “hồi sinh tim phổi qua điện thoại”

Trung tâm cấp cứu 115 – TP HCM cho biết, vừa qua điều phối viên tổng đài 115 đã điều phối và kịp thời hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại một phụ nữ 60 tuổi bị mắc nghẹn dẫn đến ngưng tim.
Hai ca ghép tạng kỳ tích tại bệnh viện Việt Đức Suy hô hấp nguy kịch, bé 30 tháng được hồi sinh nhờ "tim, phổi nhân tạo" Cứu sống bé gái bằng kỹ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo

Theo đó, khoảng 14h50 ngày 19/8, tổng đài tiếp nhận trường hợp người bệnh nữ khoảng 60 tuổi, cần cấp cứu tại địa chỉ quận 3, TP HCM.

Khi gọi 115, con gái của nạn nhân mất bình tĩnh, hoảng hốt vì mẹ đột nhiên tím tái khi đang ăn. Sau khi trấn an, hỏi bệnh sử, điều phối viên xác định nạn nhân bị dị vật đường thở nghi là do bánh tét, có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở.

Ngay lập tức, qua điện thoại, điều phối viên hướng dẫn gia đình ép tim, đồng thời cử ekip cấp cứu đến hiện trường.

Trong lúc chờ xe cấp cứu đến, người nhà vẫn được kết nối, hướng dẫn ép tim liên tục. May mắn, nhờ được sơ cứu kịp thời đúng cách, sau 6 phút nạn nhân đã nôn dị vật ra.

Thời điểm ekip cấp cứu ngoại viện từ Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM đến hiện trường, nạn nhân đã tỉnh, hồng hào, vã mồ hôi, phát hiện nhiều mảnh vụn bánh tét dưới sàn bị nôn ra. Sau khi tiến hành sơ cấp cứu, các bác sĩ chuyển người phụ nữ vào điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Người phụ nữ được cứu sống nhờ “hồi sinh tim phổi qua điện thoại”
Nhờ giải pháp "hồi sinh tim phổi qua điện thoại" nhiều người bệnh ngưng tim, ngưng thở đã được cứu sống (Ảnh: Trung tâm 115 TPHCM)

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 (TP HCM), hồi sinh tim phổi qua điện thoại (T-CPR) là giải pháp được nơi này triển khai từ năm 2023, giúp cứu sống kịp thời nhiều người.

Mỗi tháng, trung tâm tiếp nhận khoảng 70 ca ngưng tim, ngưng thở ngoài hiện trường, trong đó có một số ca T-CPR. Đa số nạn nhân cần được ép tim ngay lập tức nhằm duy trì tuần hoàn, thực hiện bởi người chứng kiến đầu tiên trước khi kíp cấp cứu chuyên nghiệp đến.

Hồi sức tim phổi là thủ thuật vô cùng quan trọng, giúp cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp nguy kịch. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cứ 10 người ngưng tim ngoài bệnh viện thì 9 người tử vong.

Tuy nhiên, thực hiện CPR đúng lúc và đúng cách giúp tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần cơ hội sống sót của nạn nhân. CPR cũng cải thiện hiệu quả của quá trình khử rung tim (thường được thực tại bệnh viện).

CPR giữ cho máu giàu oxy lưu thông đến não và các cơ quan khác, đến khi bác sĩ cấp cứu thực hiện các phương pháp chuyên sâu hơn để khôi phục nhịp tim bình thường.

Hà Linh
Phiên bản di động