Nhiều thủ đoạn giả mạo hàng hóa xuất xứ 'Made in Vietnam'

Các thủ đoạn, hình thức gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hoá để qua mặt lực lượng chức năng của các đầu nậu là khá tinh vi, phức tạp.
Doanh nghiệp làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hóa hơn 600 tỷ đồng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm gian lận xuất xứ hàng hóa

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình trạng hàng ngoại giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam để trục lợi khi xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới vẫn diễn ra nhức nhối bất chấp những nỗ lực của các cơ quan chức năng.

Việc gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không chỉ gây ra những thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, tình trạng hàng ngoại đội lốt xuất xứ Việt Nam sẽ diễn ra tinh vi, phức tạp hơn, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.

Chỉ ra những thủ đoạn và hình thức giả mạo nguồn gốc xuất xứ, ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web, sau đó thông qua nhiều phương thức gian lận qua mặt các lực lượng chức năng để vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

3407 2224 photo1562717507664 1562717508228 crop 15627175348861974993925
Tình trạng hàng ngoại giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam vẫn còn nan giải. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì nhãn hàng hóa dán trên bao bì/sản phẩm được bóc dễ dàng mà không ảnh hưởng đến bao bì hoặc sản phẩm và được thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam” để lừa dối người tiêu dùng. Thậm chí, không trải qua công đoạn sản xuất, gia công mà chỉ thay đổi nhãn mác, xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.

Ông Thế cũng cho biết, các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu hàng hóa/nguyên vật liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khai xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam (C/O).

Ngoài ra, các đối tượng thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số linh kiện, phụ tùng để lắp ráp hoặc bán linh kiện cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng vẫn ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước lừa dối người tiêu dùng hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba.

Ông Đàm Thanh Thế cũng cho biết, trong nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về công tác cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, do đó các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm mở rộng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là quan tâm xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp và sản phẩm nên được người tiêu dùng trong nước ưu tiên lựa chọn. Do đó việc một số sản phẩm nước ngoài đã tìm mọi cách gian lận để gắn nhãn mác hàng Việt Nam nói chung, một số thương hiệu lớn của Việt Nam để dễ dàng tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Nêu ra những thiệt hại của tình trạng giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hoá của Việt Nam khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, ông Đàm Thanh Thế cho rằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của hàng hóa Việt Nam nói chung và hoạt động xuất khẩu của cả ngành hàng đó đối với nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, hàng hóa gắn xuất xứ, nhãn mác Việt Nam không đúng quy định để tiêu thụ trong nước sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành hàng sản xuất trong nước, mất uy tín đối với người tiêu dùng, các doanh nghiệp sẽ không dám tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm khi sản phẩm, thương hiệu của mình bị các hàng hóa nước ngoài xâm phạm. Theo đó doanh thu sụt giảm, kéo theo thu nhập người lao động giảm, thuế nộp cho ngân sách giảm…

Cũng theo ông Đàm Thanh Thế, công tác xử lý của các cơ quan chức năng với tình trạng gian lận xuất xứ hiện nay còn gặp không ít khó khăn do chế tài xử lý còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Việc phân luồng tờ khai dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, khó phát hiện vi phạm đối với các lô hàng có dấu hiệu vi phạm được phân luồng xanh, luồng vàng. Lợi dụng sự thông thoáng này, các đối tượng lợi dụng trong việc kê khai hàng hóa sai về chủng loại, số lượng, nguồn gốc xuất xứ.

Một khó khăn nữa đó là chủ sở hữu thương hiệu còn thiếu quan tâm, phối hợp trong trao đổi thông tin trong công tác đấu tranh, bắt giữ, xử lý vi phạm; chủ doanh nghiệp thiếu hiểu biết về pháp luật, không đăng ký quyền bảo hộ trí tuệ, bảo hộ nhãn mác xuất xứ gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm.

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ Việt Nam gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng. Nếu không có căn cứ rõ ràng, bằng chứng và không bắt quả tang thì việc phát hiện và xử lý vi phạm rất khó khăn.

Hậu Lộc
Phiên bản di động