Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm gian lận xuất xứ hàng hóa
Hàng hóa Việt Nam mỗi tháng hứng chịu một vụ kiện Liên tiếp phát hiện hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc Yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện quy định hàng hóa xuất xứ Việt Nam |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2019 yêu cầu các bộ, ngành tập trung rà soát, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm là: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chủ động đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, không rõ ràng của các quy định pháp luật và cơ chế, chính sách; xây dựng hành lang pháp lý để quản lý và tạo điều kiện phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thanh toán điện tử, tài sản ảo, tiền ảo...; rà soát, tháo gỡ rào cản về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh để tiếp tục cải thiện, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng.
Ảnh minh họa. |
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tích cực thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, ngăn chặn việc bán phá giá vào thị trường nội địa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa.
Đồng thời, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử phù hợp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền xử lý để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án, công trình công nghiệp, năng lượng trọng điểm.
Trong khi đó, Bộ Tài chính được giao phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý để tháo gỡ vướng mắc cho việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của công ty con của doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa; thực hiện hiệu quả giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, tăng cường quản lý vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp trên thị trường chứng khoán; khuyến khích phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; tăng trưởng tín dụng phù hợp, đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế; củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế; tiếp tục triển khai quyết liệt cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong quá trình triển khai, bảo đảm an toàn hệ thống; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công.