Nhiều ngân hàng chưa “mặn mà” giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các ngân hàng công bố mức giảm lãi suất, tiếp tục các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì chỉ số ít nhà băng thực hiện chỉ đạo này.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19

Trước đó, ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Văn bản số 3947/NHNN-TD yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc/Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới,... theo thẩm quyền và theo quy định.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng ngân hàng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực, chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

Nhiều ngân hàng chưa “mặn mà” giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Văn bản ngày 3/6 của Ngân hàng Nhà nước.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu tích cực hưởng ứng, ủng hộ các Quỹ phòng, chống dịch, chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 của địa phương và vận động cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị tham gia quyên góp, ủng hộ đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sỹ tuyến đầu chống dịch, người dân tại các khu phong toả, khu cách ly tập trung.

Theo ghi nhận của phóng viên, đến nay đã có nhiều ngân hàng đồng hành cùng Chính phủ và người dân ủng hộ vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19.

Theo đó, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, MB, VPBank, Techcombank mỗi nhà băng đã ủng hộ 60 tỷ đồng vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19.

Tương tự, các ngân hàng VIB ủng hộ 20 tỷ đồng, SHB 15 tỷ đồng, PVComBank 15 tỷ đồng, LienVietPostBank 11 tỷ đồng, Sacombank 10 tỷ đồng, SeABank 10 tỷ đồng, Nam Á Bank 5 tỷ đồng, NCB cũng ủng hộ vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 số tiền 5 tỷ đồng...

Mặc dù vậy, trong đợt bùng phát dịch thứ 4 này, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều ngân hàng chưa “mặn mà” hỗ trợ giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo văn bản yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước ngày 3/6.

Nhiều ngân hàng chưa “mặn mà” giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố mức giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 thứ 4.

Ghi nhận cho thấy, Vietcombank là ngân hàng đi đầu trong đợt dịch mới này, trước khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra công văn trên vài ngày, nhà băng này đã quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay và phí đối với khách hàng tại địa bàn Bắc Giang và Bắc Ninh trong thời gian 3 tháng từ 1/6/2021 đến hết 31/8/2021.

Cụ thể, Vietcombank giảm lãi suất cho vay tới 1,0%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại địa bàn các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Đồng thời, ngân hàng cũng giảm phí lên đến 50% đối với khách hàng doanh nghiệp và miễn các loại phí cơ bản (gói tài khoản, phí rút tiền…) đối với khách hàng cá nhân.

Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaiGonBank) khi quyết định giảm lãi suất cho vay 2% so với mức lãi suất cho vay tương ứng đối với gói tín dụng 900 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển hoạt động kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Lãi suất cho vay của chương trình này là 5,5%/năm. Thời gian cho vay kéo dài đến 31/8/2021.

Đến thời điểm hiện tại, sau một tuần Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng có giải pháp hỗ trợ thì hiện mới có Vietcombank, SaiGonBank công khai mức hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên, đại diện VIB cho biết, ngân hàng cũng đang rà soát, tổng hợp các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để tiếp tục các phương án hỗ trợ giảm lãi suất.

Theo đại diện VIB, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, ngân hàng cũng đã đưa ra gói hỗ trợ cho cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, với mức lãi suất hỗ trợ lên đến 2,0%.

Tính đến hết tháng 5/2021, ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ cho hơn 3.000 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.950 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98% tính trên tổng số đơn đề nghị cơ cấu nợ của khách hàng.

Tương tự, đại diện NCB, VPBank cũng cho biết, ngân hàng liên tục rà soát, kiểm tra và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến toàn bộ khách hàng trên toàn hệ thống, từ đó thực hiện kế hoạch ngân sách hỗ trợ khách hàng theo đúng chính sách của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, một số đơn vị cũng “than thở” khó tiếp cận các nguồn vốn vay cũng như hỗ trợ của các ngân hàng vì sự cứng nhắc của nhà băng trong việc xử lý các hồ sơ tín dụng. Điểm chung là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến chậm trả nợ, kinh doanh thua lỗ, có trường hợp phải “làm đẹp” báo cáo tài chính để được cho vay.

"Các đợt dịch Covid-19 làm chúng tôi kiệt quệ, công nhân phải nghỉ hàng loạt. Công việc bị đình trệ không có sản phẩm để giao dẫn đến bị hủy hợp đồng, không có doanh thu nhưng để tiếp cận các nguồn hỗ trợ của các ngân hàng cũng khó như lên trời do chậm trả nợ", đại diện một doanh nghiệp thép ở Hà Nội chia sẻ.

Ngày 7/6, Ngân hàng Nhà nước đã công bố tổ chức tín dụng đã hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (đã công bố đợt 1 vào tháng 4/2021). Theo đó, trong nhóm ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì đã có 74 đơn vị.

Văn Huy
Phiên bản di động