Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Agribank ủng hộ 53 tỷ đồng trong đợt cao điểm phòng chống Covid-19 Ngân hàng giảm lãi suất cho vay với khách hàng tại Bắc Giang, Bắc Ninh

Ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống, đặc biệt là tại các địa bàn của các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, phong tỏa, cách ly do dịch (Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM...).

Các ngân hàng được yêu cầu tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí... theo thẩm quyền; cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

"Từng tổ chức tín dụng căn cứ vào năng lực tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết", Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các khách hàng trên đìa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; không để xẩy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng được yêu cầu tích cực hưởng ứng, ủng hộ các quỹ phòng, chống dịch, chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 của địa phương và vận động cán bộ nhân viên, người lao động của đơn vị tham gia quyên góp, ủng hộ đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sỹ tuyến đầu chống dịch, người dân tại các khu phong toả, khu cách ly tập trung.

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu chỉ đạo, đôn đốc chi nhánh các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố cũng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân vay vốn gặp khó khăn chưa trả được nợ vay do dịch Covid-19.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương để chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covi-19.

Đặc biệt, riêng đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương rà soát, phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19; trên cơ sở đó xây dựng kịch bản của ngành ngân hàng, chủ động có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Giang, Bắc Ninh cần tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo bộ phận đăng ký giao dịch bảo đảm của văn phòng đăng ký đất đai có giải pháp để tiếp nhận xử lý các hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, không làm ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng; các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm hướng dẫn cụ thể về phương thức gửi và tiếp nhận hồ sơ trực tuyến để ngân hàng có thể đăng ký giao dịch đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng...

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, ngành ngân hàng vào cuộc sớm, đánh giá phân tích dự báo đưa ra chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân như đưa ra các chính sách cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán, và thực hiện nhiều giải pháp chính sách theo chủ trương chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Tính đến cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến 28/12/2020 đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400 nghìn khách hàng.

Văn Huy
Phiên bản di động