Nhiều địa phương 'phớt lờ' báo cáo giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công chưa đến 35%, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt hơn 68.500 tỷ đồng |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 25/7, thời điểm chậm nhất phải báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công thì chỉ có có 15/54 bộ, cơ quan trung ương và 12/63 địa phương báo cáo định kỳ tình hình giải ngân tháng 7/2020.
Các bộ, cơ quan trung ương đã có báo cáo giải ngân vốn đầu tư công gửi về Bộ Tài chính gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải.
Trong khi đó, các địa phương gửi báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công về Bộ Tài chính gồm: Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bến Tre.
Ảnh minh họa. |
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước về Bộ Tài chính; đồng thời phải gửi kiến nghị, nêu có khó khăn, vướng mắc để từ đó Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành và địa phương chưa gửi báo cáo về Bộ Tài chính đầy đủ, liên tục và thường xuyên muộn hơn so với quy định. Thậm chí, có những báo cáo Bộ Tài chính nhận được sau thời điểm tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm báo cáo định kỳ tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước gửi về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đúng quy định.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng và ước thực hiện 7 tháng năm 2020, lũy kế thanh toán vốn kế hoạch từ đầu năm đến ngày 31/7 là hơn 216.538 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước là hơn 191.898 tỷ đồng (đạt 37,4% kế hoạch), vốn nước ngoài là hơn 13.025 tỷ đồng (đạt 19,5% kế hoạch), vốn chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 11.614 tỷ đồng (đạt 39,8% kế hoạch).
Được biết, do không đủ dữ liệu để tổng hợp, hàng tháng, Bộ Tài chính phải căn cứ vào số liệu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/7/2020, 12 bộ, cơ quan Trung ương và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%, trong đó có 6 bộ, cơ quan Trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 55% gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (99,45%), Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Bộ Nội vụ (62,85%), Ngân hàng Phát triển (61,09%), Hội Nhà báo Việt Nam (59,51%), Tiền Giang (73,98%), Nghệ An (69,23%), Lạng Sơn (63,44%), Hưng Yên (58,19%), Ninh Bình (56,85%), Phú Thọ (56,33%), Hà Nam (55,5%), Thái Bình (55,18%).
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy có 24 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 25%. Trong đó, có 10 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 10%, đáng chú ý có đơn vị chưa giải ngân đồng vốn nào, như: Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Qua tổng hợp báo cáo và thực tế công tác kiểm tra tại một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, Bộ Tài chính đã chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng chậm thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công như: Chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc chưa được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Ngoài ra còn do tác động của đại dịch Covid-19 nên việc huy động nhân lực, vật tư, tổ chức thi công gặp nhiều khó khăn nhiều công trình phải tạm dừng thi công ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Tại phiên họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công ngày 16/7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có thực trạng là khi làm việc với các bộ ngành, nhiều địa phương đều đề nghị được bố trí vốn để đầu tư phát triển, nhưng khi nhận được vốn xong lại không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Theo Thủ tướng, nguyên nhân của tình trạng này là do quan liêu, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung, bởi cùng một cơ chế chính sách có địa phương lại giải ngân rất tốt nhưng có nơi lại rất ì ạch. Do vậy, theo người đứng đầu Chính phủ, cần quyết liệt tìm giải pháp để trị nguyên nhân khiến giải ngân kém cỏi, bởi đầu tư công chính là cứu cánh quan trọng, vì từ công trình mới giải quyết được tiền lương, vật liệu và việc làm cho hàng triệu người. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được để vốn đọng, chấm dứt chuyện "có tiền đó mà không tiêu được". Không để nợ đọng, chấm dứt tình trạng ngâm vốn chứ không quyết toán dù các hạng mục đã được hoàn thành. Và cuối cùng là đọng thủ tục, tình trạng phổ biến hiện nay phải được chấm dứt. |