Nhanh chóng đưa các dự án điện tái tạo chuyển tiếp vào vận hành sớm nhất
Bộ Công thương duyệt giá tạm cho 19 dự án điện tái tạo chuyển tiếp Quy hoạch điện VIII là bước ngoặt cho ngành điện Các nguồn điện gặp khó khăn, nguy cơ thiếu điện trên cả nước |
Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN cho biết, tính đến ngày 24/5/2023 đã có 37/85 dự án với tổng công suất 2.370MW gửi hồ sơ đàm phán với Công ty Mua bán điện (EVNEPTC); trong đó, có 24 dự án đề nghị giá tạm.
Đối với 24 dự án đề nghị giá tạm, EVN và các chủ đầu tư đã thống nhất được giá tạm của 20 dự án (trong đó có 19 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt giá tạm; 1 dự án đã hoàn thành đàm phán, hiện đang hoàn thiện thủ tục để sớm trình Bộ Công thương phê duyệt giá tạm). Đối với 4 dự án còn lại, EVNEPTC và chủ đầu tư vừa tiến hành đàm phán vừa tiếp tục rà soát hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Tổng Giám đốc EVN đề nghị các chủ đầu tư hợp tác để sớm đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, phát lên lưới điện nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa của doanh nghiệp và ngành điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ Công thương và EVN tổ chức Hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ngày 24/5/2023 |
Đối với những vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý của EVN sẽ được tập đoàn và các đơn vị thành viên khẩn trương tháo gỡ, hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư trên tinh thần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, đại diện Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) cho biết, sau khi Bộ Công thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 về quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, đơn vị đã nhiều lần có công văn gửi các nhà đầu tư đề nghị gửi hồ sơ tài liệu để có thông số tính toán, đàm phán giá điện.
Cùng với đó, EVN cũng đã nhiều lần tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư để trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến trình tự thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện và phương pháp tính toán giá điện... Các quy trình, thủ tục theo quy định cũng đã được EVN ban hành công khai, minh bạch và gửi đến các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, tính đến ngày 24/5/2023, vẫn còn 48 dự án chưa gửi hồ sơ đàm phán. Đối với các dự án này, EVNEPTC đã có 2 văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư đề nghị cung cấp các hồ sơ tài liệu của dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.
Ngoài ra, để sớm đưa các dự án đi vào vận hành thương mại, EVNEPTC đã có văn bản số 3879/EPTC-KTCNTT ngày 18/5/2023 gửi chủ đầu tư của 85 dự án đề nghị gửi chương trình thử nghiệm để hai bên xem xét thống nhất, làm cơ sở để các nhà máy điện đăng kí chạy thử nghiệm với cấp điều độ có quyền điều khiển. Đến hết ngày 23/5/2023, EVNEPTC đã nhận và có văn bản thống nhất chương trình chạy thử nghiệm của 17 nhà máy điện gió, mặt trời.
Đại diện EVNEPTC khẳng định, công ty đã thành lập nhiều tổ đàm phán để sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn giải quyết các vấn đề vướng mắc cho các nhà đầu tư. Do đó, các chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp cần phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ đàm phán, đặc biệt là hồ sơ pháp lý, cũng như bố trí cán bộ làm việc với EVNEPTC…
Hiện một số dự án/phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đang gặp một số vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định như chủ trương đầu tư, công tác thử nghiệm và đầu nối, bổ sung quy hoạch... Về vấn đề này, EVN cho biết, những hạng mục thuộc thẩm quyền của tập đoàn và các đơn vị thành viên như đấu nối, thí nghiệm và thử nghiệm công nhận COD, EVN sẽ tạo điều kiện, sớm hoàn thành khi các chủ đầu tư yêu cầu.
Để đưa nhà máy điện vào vận hành kịp thời, EVN đề nghị chủ đầu tư phối hợp hoàn thiện hợp đồng mua bán điện sửa đổi bổ sung áp dụng giá điện tạm. Tập đoàn cũng cam kết sẽ triển khai ngay lập tức việc đàm phán giá điện chính thức và thực hiện quyết toán tiền điện sau khi có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.