Quy hoạch điện VIII là bước ngoặt cho ngành điện
Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, sau những cam kết mạnh mẽ tại COP26, mới đây là COP27, mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến 2050, Việt Nam đã điều chỉnh kế hoạch phát triển nguồn trong Quy hoạch điện VII sang một phương án chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn trong Quy hoạch điện VIII.
Theo đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, Quy hoạch điện VIII đã đánh giá toàn diện hơn, đưa vào cân đối nhiều loại nguồn điện linh hoạt hơn.
Về cơ bản, Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VIII đều được xây dựng nhằm đáp ứng kịch bản phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7% và tăng trưởng tiêu thụ điện trung bình khoảng 9% trong giai đoạn 2021 - 2030.
Tuy nhiên, tỷ trọng cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi đáng kể, trong đó, Quy hoạch điện VIII đẩy mạnh phát triển các giải pháp xanh hơn với nỗ lực hoàn thành các thỏa thuận trong “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) đã ký kết trong 2022.
Cụ thể, đối với điện than, Quy hoạch điện VIII đã chính thức loại bỏ khoảng 13.220MW điện than, cơ bản đánh dấu hồi kết sớm cho nguồn điện này. Dự kiến điện than sẽ đạt tăng trưởng kép thấp 2% giai đoạn 2021 - 2030 sau đó giảm 1% giai đoạn 2030 - 2050, chiếm lần lượt 19% và 4% tổng công suất nguồn điện.
Ảnh minh họa. |
Đối với điện khí, nguồn điện này sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 với tăng trưởng kép đạt 26%, chiếm 27% tổng công suất nguồn điện. Trong 2030 - 2050, phát triển điện khí sẽ chậm lại đạt 4%, chiếm 15% tổng công suất trong 2050.
Trong khi đó, đối với điện gió, dự kiến nguồn điện này sẽ là mục tiêu phát triển hàng đầu trong cả ngắn và dài hạn. Trong đó, điện gió trên bờ sẽ tăng trưởng kép 25% trong 2021 - 2030, và 6% trong 2030 - 2050, chiếm lần lượt 14% và 13% tổng công suất giai đoạn này.
Bên cạnh đó, dự kiến Việt Nam sẽ phát triển 6.000MW điện gió ngoài khơi đầu tiên từ nay đến 2030, sau đó sẽ tăng trưởng mạnh mẽ 15% trong 2030 - 2050, chiếm 16% tổng công suất nguồn điện.
Đối với điện mặt trời, dự kiến sẽ hạn chế phát triển sau giai đoạn tăng trưởng ồ ạt 2020 - 2021. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn khuyến khích phát triển điện mặt trời cho mục đích tự tiêu thụ. Theo đó, công suất điện mặt trời tăng khiếm tốn trong 2021 - 2030 sau đó tăng mạnh 13% từ 2030 - 2050, chiếm 33% tổng công suất.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, với kịch bản chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, áp lực tài chính sẽ lớn hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển công suất nguồn điện của Việt Nam.
So với Quy hoạch điện VII, phương án chính thức trong Quy hoạch điện VIII sẽ cắt giảm đáng kể việc phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, và giảm thiểu gánh nặng nhập khẩu điện.
Tuy nhiên, kế hoạch phát triển công suất trong Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ làm tăng chi phí đầu tư của hệ thống trong giai đoạn 2021 - 2050 tùy kịch bản.
Theo quan điểm của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, Quy hoạch điện VIII đã thống nhất được một phương án “đủ và xanh”, nhưng có thể sẽ khó thực hiện hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh do sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện giá cao như điện khí và điện năng lượng tái tạo, trong khi các công nghệ thay thế nhiên liệu đầu vào như hydro, ammoniac cho các nhà máy nhiệt điện vẫn chỉ đang ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm.
Cụ thể, tổng mức đầu tư cho nguồn điện dự kiến đạt 114 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030, phân bổ chủ yếu cho điện khí (30%) và điện gió (35%). Nhiệt điện than trong giai đoạn này cũng chiếm một phần không nhỏ khoảng 15% tổng nhu cầu vốn.
Trong giai đoạn 2030 - 2050, tổng nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh và đạt khoảng 495 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cho điện gió chiếm phần lớn (63%) và sau đó là điện mặt trời (18%).
Mặt khác, nhu cầu phát triển lưới điện dự kiến chiếm khoảng 11% tổng nhu cầu vốn ngành điện trong 2021 - 2030 và 7% trong 2031 - 2050.