Nhãn hàng Relicos: Dùng "râu ông nọ cắm cằm bà kia” để lưu hành chui sản phẩm trị mụn
Các công ty quảng cáo bừa bãi...
Như ở bài trước báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phản ánh về việc nhãn hàng Relicos Relicos (do Công ty TNHH ESSOVI Việt Nam chịu trách nhiệm phân phối) đang sử dụng số phiếu tiếp nhận trang thiết bị y tế của sản phẩm khác in lên bao bì của hai sản phẩm Relicos Anti Acne 10 minute và Relicos Anti Acne+ để lưu hành ra thị trường với công dụng như thuốc “trị các loại mụn”
Để rộng đường dư luận phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Quốc Đạt - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Thiết bị y tế, đồng thời cũng là đơn vị đã làm phân loại cho sản phẩm: Dung dịch Relicos.
Mẫu nhãn đăng ký lưu hành của sản phẩm dung dịch Relicos trong hồ sơ công bố |
Theo ông Đạt, những sản phẩm có công thức như “Dung dịch Relicos” khi phân loại là trang thiết bị y tế thì chỉ có công dụng hỗ trợ trong điều trị và mỗi bản phân loại chỉ được sử dụng cho 1 tên sản phẩm đã đăng ký công bố:
“Tôi vừa bảo mấy công ty quảng cáo tá lả kiểu này là tôi sẽ không làm cho nữa, mình phân loại cho họ xong thì họ đem về làm như là thần thánh, lấn cả thuốc… nếu mà các công ty quảng cáo bừa bãi thì khác gì là họ lừa mình. Còn việc đăng các biến thể (dung tích, kích thước - pv) của sản phẩm, khi thay đổi nhãn mác thì chỉ thay đổi mấy chữ (thể hiện dung tích, kích thước khác - pv) và để nguyên mác cũ” – Ông Đạt cho biết.
Các sản phẩm Serum trị mụn Anti Acne của nhãn hàng Relicos có dấu hiệu lưu hành "chui" |
Được biết, sản phẩm Dung dịch Relicos được Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Thiết bị y tế phân loại là trang thiết bị y tế loại A với số phân loại 3181- 22PL- TTDV/170000027/PCBPL-BYT và được sở Y tế Hà Nội cấp phiếu tiếp nhận công bố số 200000815/PCBA-HN vào ngày 3/5/2020, có mẫu nhãn đăng ký lưu hành sản phẩm ghi rõ là: Dung dịch Relicos Outs Mart Acne Body, Công ty TNHH Ngân Kiều Pharma sản xuất.
Ghi nhận thực tế các sản phẩm Relicos Anti Acne 10 minute và Relicos Anti Acne+ không giống với bản mẫu đã đăng ký vì vậy có thể thấy những sản phẩm này đang có dấu hiện lưu hành trôi nổi.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Dung dịch Relicos là trang thiết bị y tế: Liệu có công bố nhầm?
Đầu năm 2020, báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã có loạt bài phản ánh về thực trạng công bố nhầm các sản phẩm sang trang thiết bị y tế như: Viên đặt phụ khoa, nước rửa tay, dung dịch vệ sinh… ngay sau đó (ngày 24/6), Vụ trang Thiết bị Y tế đã ban hành công văn số 3453/BYT-TB-CT về việc rà soát, kiểm tra các hồ sơ công bố, tiếp nhận công bố và phân loại trang thiết bị y tế và bước đầu rà soát các đơn vị sở y tế trên cả nước cũng đã có rất nhiều sản phẩm bị thu hồi do trước đó đã bị công bố "nhầm".
Theo đó, tại phần 2 của công văn đã nêu rõ: Các hồ sơ công bố sản phẩm không phù hợp là trang thiết bị y tế: Gel rửa tay khô, cồn ethanol sát khuẩn vết thương, Povidine Iodine (Cồn Iốt), Oxy già, tinh dầu, dầu gió, bột ngâm chân, viên ngậm, viên đặt điều trị, kem bôi da, dung dịch vệ sinh, dung dịch sua đuổi côn trùng, miếng dán say xe, máy sắc thuốc, các sản phẩm nguồn gốc thuốc y học cổ truyền, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm,…
- Các hồ sơ công bố sản phẩm là trang thiết bị y tế nhưng sử dụng tên viết tắt, tên bằng ký hiệu hoặc đặt tên sản phẩm chung chung, không phải là trang thiết bị y tế cụ thể bằng tiếng Việt, ví dụ như: Khẩu trang, khẩu trang kháng khuẩn phải đặt tên là khẩu trang y tế; Bộ quần áo bảo hộ phải là Bộ quần áo phòng, chống dịch hoặc bộ quần áo mổ…; ốc khóa trong, Doctorbio, DECAY Essential oil, Adapter chuyển đổi 2D/3D nối với màn hình Einstein Vision 2.0 chuẩn CF, Dr.DND, bvcb, SD Bioline HIV 1/2 3.0, Serodia TP.PA..."
Mặc dù sản phẩm chưa được bộ y tế chứng nhận nhưng trên trang web https://relicos.com sản phẩm serum trị mụn 10 phút được đề giá 620 nghìn đồng |
Đối với sản phẩm Dung dịch Relicos, trong bản tài liệu mô tả tóm tắt kỹ thuật trang thiết bị y tế (một trong những thành phần hồ sơ công bố - pv) có mô tả thành phần bao gồm: Deionized Water, Polyacrylate Corosspolymer-6, Erythritol, PPG-26-Buteth – 26 (and) PEG-40 Hydrogenated Castor Oil (and) Water Curcuma Longa (Turmeric) Root Extract, Nulumbo Nucifera Leaf Extract, Camellia Sinensis Leaf Extract, Gigas Root Extract, Chrysanthemun Indicum Flower Extract, DMDM Hydantoin
Cũng theo các chuyên gia dược cho biết: “Những thành phần được nêu, có một số thành phần là biệt dược có thể dùng trong mỹ phẩm, thuốc… tuy nhiên trong bản mô tả, thương hiệu Relicos không nêu rõ hàm lượng của từng thành phần, nếu sản phẩm được công bố là thuốc hoặc mỹ phẩm thì đơn vị sản xuất phải nêu rõ hàm lượng từ đó có thể kiểm soát được giới hạn các thành phần theo quy định, còn nếu công bố là trang thiết bị y tế mà bản mô tả chỉ liệt kê chung chung trong sản phẩm có chứa thành phần gì như thế này thì cũng khó kiểm soát được mức toàn khi sử dụng."
Như vậy, khi đối chiếu các thành phần nêu trên với công văn số 3453/BYT-TB-CT thì sản phẩm dung dịch Relicos cần được sở Y tế Hà Nội rà soát lại để sản phẩm được công bố đúng với tính chất nhằm kiểm soát các thành phần theo quy định để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.