Nhà vệ sinh công cộng – chuyện tưởng nhỏ nhưng… không nhỏ

Đối với khách du lịch khi đặt chân tới bất kỳ địa điểm, khu du lịch nào để giải trí, tham quan, ngắm cảnh, việc sử dụng nhà vệ sinh không chỉ là nhu cầu mà còn là quyền được hưởng. Vậy nhưng, thực tế cho thấy, nhiều điểm du lịch tại Việt Nam hiện nay chưa coi trọng vấn đề này.
Xây dựng 150 công trình nhà vệ sinh cho học sinh vùng sâu, vùng xa Thái Nguyên: Nhà vệ sinh làm bằng chai nhựa dạy học sinh bảo vệ môi trường Bé gái 3 tuổi ở Thanh Hóa bị bỏ quên trong nhà vệ sinh trường học Nhà vệ sinh công cộng "trong suốt" xoá bỏ định kiến tại Nhật Bản

Nỗi sợ hãi của du khách

Từ năm 2014, nhà vệ sinh công cộng (NVSCC )đã có mặt trong danh sách 7 nỗi sợ lớn nhất của du khách khi tới Việt Nam. Trên đường phố, tại quảng trường, trên các tuyến phố đi bộ… du khách tìm đỏ mắt mới thấy NVSCC, nhưng cũng kiểu "hên xui", cái còn hoạt động, cái thì khóa cửa bỏ hoang.

Đầu xuân, anh Trần Đức Minh, một du học sinh vừa trở về từ Canada cùng bạn bè có dịp du xuân các tỉnh, thành, tham quan các điểm di tích, chùa chiền. Nhưng đến bất kỳ điểm nào, điều anh cảm thấy sợ hãi nhất là khi bước chân vào các nhà vệ sinh công cộng.

“Chưa kể cơ sở mang tính tạm bợ mà còn cực kỳ kém vệ sinh, hôi hám. Bởi du khách thì đông nhưng một phần vì ý thức kém, phần khác vì ban quản lý các di tích, chùa chiền cũng chưa thực sự coi trọng vấn đề này” – anh Minh cho biết.

Vì thế, nhiều người bạn người nước ngoài của anh Minh “bỏ túi kinh nghiệm” là: Đi du lịch, tham quan là phải mang theo giấy vệ sinh.

Đây là vấn đề phổ biến ở các điểm di tích, thắng cảnh hiện nay. Mới đây, một nghiên cứu được công do báo Nhật Nikkei Asia dẫn lại cho biết, điều kiện nhà vệ sinh công cộng ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam xếp vị trí không thể tệ hơn.

Nhà vệ sinh công cộng – chuyện tưởng nhỏ nhưng… không nhỏ
Nhà vệ sinh công cộng với trang thiết bị hiện đại luôn là điều mà khách du lịch mong muốn mỗi khi đi du lịch

Tờ báo này nhấn mạnh, đường phố TP HCM có mọi thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động... Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh. Thành phố này, cùng với Hà Nội, là hai trong những thành phố có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng tệ nhất đối với bất kỳ du khách nào, theo một chỉ số khảo sát vừa được công bố cuối tháng 1/2023.

Nikkei Asia cho rằng, có một sự thật không thể chối cãi là du khách, sau khi uống cà phê kem trứng và tản bộ trên vỉa hè lát đá của Hà Nội trong một giờ, sẽ phát hiện khó kiếm ra nhà vệ sinh công cộng ở xung quanh. Các tờ rơi hướng dẫn du khách nhắc nhở họ mang theo tiền hoặc lưu các số điện thoại khẩn cấp, nhưng lại không chuẩn bị cho mọi người việc cơ bản nhất này. Trong khi đó, một nghiên cứu đã mô tả "Việc sử dụng nhà vệ sinh không chỉ là nhu cầu và quyền. Đây còn là vấn đề về nhân phẩm, hòa nhập và tôn trọng".

Năm 2016, chính quyền TP HCM đã lên kế hoạch "phủ sóng" NVSCC khắp 24 quận, huyện trên địa bàn bằng nguồn vốn xã hội hóa, ghi nhận sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp với các phương án phát triển chuỗi NVSCC rất khả thi. Trong đó, phương án đề xuất của Công ty Vinasing được đánh giá cao về quy mô với số lượng 1.000 NVSCC, tổng kinh phí dự kiến khoảng 110 tỉ đồng (110 triệu đồng/công trình), được lắp đặt thêm ở các nhà ga, bến tàu, công viên, tuyến đường ở 24 quận, huyện. Đổi lại, TP sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư được quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trong thời gian 15 năm để thu hồi vốn.

Với phương án này, người dân được sử dụng NVSCC miễn phí. Cùng thời điểm, doanh nghiệp trên cũng được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho đầu tư xây dựng 1.000 NVSCC, 10 xe bồn, 50 cây lọc nước uống trực tiếp và 200 ghế gang đúc hoặc inox phục vụ cộng đồng. Đổi lại, công ty được phép khai thác quảng cáo trên hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ. Thế nhưng, tới nay kế hoạch này ở TP HCM vẫn chỉ nằm trên giấy.

Đừng để khách du lịch “một đi không trở lại”

Ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu, năm 2023 đón và phục vụ 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng. Đây được xem là mục tiêu lớn của toàn ngành, khi mà năm 2022 việc đón khách quốc tế chưa đạt được như kỳ vọng.

Ngay từ những ngày đầu năm, nhiều điểm tỉnh, thành của Việt Nam được vinh danh. Đơn cử, mới đây nhất, Ninh Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong top 10 nơi thân thiện với du khách thế giới năm 2023; TP HCM là một trong những điểm đến hàng đầu châu Á năm 2023; Trung tâm kinh tế lớn nhất VN trước đó có mặt trong top 25 điểm đến là xu hướng du lịch hàng đầu năm 2023 do độc giả của Tripadvisor - nền tảng du lịch hàng đầu thế giới bình chọn, cùng với Hội An;Thủ đô Hà Nội của cũng được xướng tên trong top 3 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023, sau khi Việt Nam xuất sắc được hàng triệu độc giả trên thế giới của Travel + Leisure "bỏ phiếu" trở thành điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á năm 2023…

Với rất nhiều tiềm năng sẵn có, Việt Nam đặt kỳ vọng năm 2023 sẽ đột phá trong lĩnh vực du lịch. Tuy thế, một trong những nguyên nhân khiến du khách du lịch không quay trở lại, theo nhiều khảo sát của các công ty lữ hành, đó là các khách sạn, nhà nghỉ không dọn dẹp phòng, nhà vệ sinh không đạt yêu cầu hay cơ sở hạ tầng đã xuống cấp mà không được sửa chữa.

Nhà vệ sinh công cộng – chuyện tưởng nhỏ nhưng… không nhỏ
Nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm Quận 1 nhếch nhác

“Với những ấn tượng xấu như vậy, khách du lịch không muốn quay lại Việt Nam nữa” – chị Phan Ngọc Diệp, một hướng dẫn viên du lịch cho hay.

Vì vậy, thiết nghĩ, để “níu chân” khách du lịch, không chỉ có thắng cảnh, danh lam hay ẩm thực hấp dẫn, mà điều không thể thiếu nữa đó dịch vụ, cơ sở vật chất phải đầy đủ, để đáp ứng, đảm bảo và thỏa mãn được “nhu cầu tối thiểu” và quyền được hưởng của du khách.

Bảo Phương
Phiên bản di động