Nhà trường gấp rút chuẩn bị đón học sinh
Chiều 29/4, cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội), đến trường chỉ đạo tổng vệ sinh, sẵn sàng đón học sinh vào ngày 4/5. Trường sẽ vệ sinh lần nữa vào chiều thứ bảy. Thời gian nghỉ học, nhà trường đã lắp thêm 14 bồn rửa tay, mua dung dịch sát trùng tay, xà phòng, 2.000 khẩu trang y tế cùng máy đo thân nhiệt, tài liệu tuyên truyền phòng Covid-19.
Cô Lý cho biết nhà trường đã lên kế hoạch chi tiết những việc cán bộ, giáo viên phải làm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh; phân công trực hai ca sáng và chiều mỗi ngày, mỗi ca 4 giáo viên đo thân nhiệt, đi kiểm tra, nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang, không tụ tập đông...
Trường Nguyễn Du có hơn 500 học sinh, 16 phòng học và 8 phòng chức năng. Để giãn cách học sinh, nhà trường dự kiến sắp xếp các khối học lệch ca. Khối 6, 9 học buổi sáng; khối 7, 8 buổi chiều. Các em sẽ học 4 tiết mỗi tuần với môn Toán và Văn, 3 tiết tiếng Anh, các môn còn lại một tiết, đảm bảo kết thúc chương trình trước 15/7 do trường đã tổ chức học trực tuyến từ đầu tháng 3.
"Với kế hoạch này, xét theo bộ 15 tiêu chí an toàn phòng chống Covid-19 trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chúng tôi tự tin đạt được cả 15 tiêu chí", cô Lý nói.
Trường THCS Nguyễn Du thực hiện tổng vệ sinh chiều 29/4. Ảnh: Nguyễn Lý. |
Trường Phổ thông liên cấp Wellspring tại Hà Nội cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, như: bố trí thùng rác có nắp dành riêng cho khẩu trang đã qua sử dụng tại mỗi tầng. Hoạt động bán trú được chia thành hai ca. Học sinh ngồi ăn tại bàn có vách ngăn, mỗi bàn tối đa 6 em. Những em ngủ trưa tại trường có giường, chăn, gối riêng biệt, được khử khuẩn hàng tuần.
Tỉnh Hưng Yên quy định học sinh từ khối 5 trở lên đi học vào ngày 27/4, khối 1-4 ngày 4/5, nhưng trường Phổ thông liên cấp Edison (khu đô thị Ecopark) xin cho lùi mốc đón học sinh để chuẩn bị chu đáo. Theo đó học sinh trung học đi học trở lại vào ngày 4/5, tiểu học 6/5.
Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng Điều hành trường, khẳng định trường sẽ đáp ứng đầy đủ 15 tiêu chí. Nhà trường sẽ phân luồng giao thông, chia làn để học sinh xếp hàng chờ kiểm tra thân nhiệt trước khi vào. Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, trường sẽ lắp đặt vách mica ngăn trước mặt và hai bên trên 100% bàn ăn bán trú của học sinh và giáo viên, đánh dấu vị trí xếp hàng giãn cách dưới sàn.
Với hai nhà ăn, trường cũng lên kế hoạch chia lại khung giờ ăn để đảm bảo giãn cách tối đa. Về việc đưa đón học sinh, phụ huynh được yêu cầu đứng chờ tại cổng, bộ phận bảo vệ sẽ thông báo tới giáo viên chủ nhiệm đưa con ra.
Trường Edison đánh dấu vị trí xếp hàng nhận đồ ăn tại khu vực nhà ăn của trường. Ảnh: Sao Khuê. |
Tại Lâm Đồng, trường học các cấp cũng đã sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại vào ngày 4/5. Thầy Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, chia sẻ đã nhận được đơn xin bảo lưu của hai phụ huynh có con học lớp 11. Sau khi thầy thuyết phục, một người đồng ý cho con đi học, người còn lại cho con nghỉ hoàn toàn, kể cả học online. Từ câu chuyện trên, thầy Chương cho rằng phải thực hiện tốt biện pháp phòng dịch thì phụ huynh mới yên tâm cho con em đi học.
Nhờ dạy online quy củ trong thời gian qua, các môn học còn rất ít tiết, ví dụ Vật lý còn 6-8 tiết, nên thầy Chương dự tính để mỗi khối lớp chỉ đi học ba buổi mỗi tuần nhằm đảm bảo giãn cách, giúp các thầy cô không bị quá tải với áp lực bài vở khi trở lại trường.
Trường Lộc Phát không tổ chức ăn bán trú tập thể cho học sinh nhưng có bữa ăn từ thiện cho 15 em có hoàn cảnh khó khăn. Tuần tới, trường tạm thời chưa triển khai hoạt động này. Với việc đưa đón học sinh, trường sắp xếp giờ tan học của mỗi khối cách nhau 10-15 phút, tránh ùn tắc và tập trung đông người.
Dù chuẩn bị kỹ lưỡng để chuẩn bị đón học sinh trở lại, lãnh đạo nhiều trường vẫn băn khoăn, đặc biệt trong việc giãn cách học sinh. Là chủ trường mầm non Đôrêmi (TP Dĩ An, Bình Dương), cô Lê Thị Bé Tuyết mong ngóng trẻ đến trường, nhưng dự tính đầu tháng 5 chỉ có 50% đi học (160 cháu) do phụ huynh chưa yên tâm hoặc bị mất việc, giảm thu nhập.
Cô Tuyết lên kế hoạch chia các lớp vào ba khu học, sử dụng hai cổng riêng biệt để tránh phụ huynh tập trung đưa, đón con. Cô cũng tính chia lại sĩ số, mỗi lớp khoảng 20 trẻ. Thời gian hoạt động tại sân chơi được bố trí so le. Với hoạt động bán trú, trường sẽ mang đồ ăn lên tận lớp chứ không để các cháu di chuyển xuống nhà ăn tập thể. Sau khi ăn, trẻ được bố trí ngủ nghỉ tại lớp.
Dù vậy, cô Tuyết cho rằng việc yêu cầu học sinh mầm non đeo khẩu trang, ngồi cách nhau 1-2 m là bất khả thi. "Trẻ con hiếu động, lại chưa có ý thức phòng dịch, người lớn không thể yêu cầu các bé giữ khoảng cách. Các giáo viên cũng không thể quản lý được việc cháu này dùng đồ chơi xong và mang đi khử khuẩn rồi mới cho cháu khác chơi", cô Tuyết nói.
Với khối phổ thông, thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội), cho biết đã xây dựng kế hoạch chi tiết để đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19 trong trường học, nhưng gặp khó khăn trong việc sắp xếp nguồn nhân lực, phòng học để thực hiện giãn cách.
Là trường công lập tự chủ tài chính, sĩ số mỗi lớp trung bình chưa tới 35 học sinh nhưng với 30 phòng học, trường khó có thể chia lớp. Hơn nữa, nếu chia lớp làm hai, việc dạy và học sẽ giảm đi. Hiện, trường lên kế hoạch giảng dạy trực tuyến đan xen trực tiếp.
"Trường hợp khối 12 đi học trước, chúng tôi vẫn phải chia một lớp thành hai ca học, đồng thời sẽ chỉ bố trí dạy một số môn trên lớp, còn lại vẫn dạy trực tuyến. Nếu cả 3 khối lớp cùng trở lại trường, chúng tôi sẽ khó khăn hơn nhiều và phải xây dựng kế hoạch chi tiết hơn", thầy Nhâm nói.
Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm. Hiện, hầu hết tỉnh thành cho học sinh các cấp đi học trở lại vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.