Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục giải mã kiệt tác của Henrik Ibsen với vở kịch “Hedda Gabler”
“Người yêu… hoa hậu” và những cạm bẫy Vở nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn”: Chạm đến trái tim người trẻ Đẫm nước mắt qua vở kịch “Cuộc gọi đêm giao thừa” của sinh viên |
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong tâm hồn của mỗi nhân vật
Theo dòng chảy của nghệ thuật sân khấu thế giới hàng trăm năm qua, không khó để điểm tên những kịch tác gia vĩ đại như William Shakespeare, Henrik Ibsen, Friedrich Schiller, Victor Hugo, Molière, Johann Wolfgang Goethe, Anton Chekhov, Arthur Miller, William Tennessee… Trong số những tên tuổi đó, nhà viết kịch có sức ảnh hưởng lớn với những tác phẩm được trình diễn nhiều và lâu dài nhất trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua chỉ sau William Shakespeare chính là Henrik Ibsen - nhà soạn kịch người Na Uy, được coi là "cha đẻ của kịch hiện thực", một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa hiện đại của sân khấu kịch.
Thanh Sơn và Lương Thu Trang cùng góp mặt trong vở kịch nổi tiếng "Hedda Gabler" |
Hedda Gabler một vở kịch được viết vào năm 1890 khi tác giả Henrik Ibsen 62 tuổi, đây được xem là tác phẩm đỉnh cao của ông. Vở diễn là kết quả hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam.
Đạo diễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi cho biết: “Cho đến nay, sân khấu thế giới đã chứng kiến hàng trăm phiên bản khác nhau của "Hedda Gabler" và các nhà hát vẫn tiếp tục hành trình giải mã kiệt tác của Henrik Ibsen. Bản diễn của Nhà hát Tuổi trẻ được kỳ vọng sẽ cống hiến cho khán giả một tác phẩm có giá trị nghệ thuật lớn, minh chứng cho sức sống và tầm vóc di sản sân khấu này của nhân loại vẫn tiếp tục tỏa sáng trong hơn 100 năm qua”.
Hedda Gabler nhân vật chính của câu chuyện kết hôn với một học giả tên là Jørgen Tesman nhưng cô vẫn tiếp tục sử dụng tên thời con gái của mình. Họ vừa trở về sau tuần trăng mật dài ngày. Vở kịch làm sáng tỏ những vấn đề chung của phụ nữ trong một xã hội do nam giới xây dựng. Hedda phải từ bỏ sự sắp đặt của cuộc sống đời thường… trong khi bản thân cô luôn mong muốn vượt qua nó với những vấn đề không dễ dàng giải quyết.
Vì vậy “Hedda Gabler” trở thành một vở kịch xuất sắc lay động trái tim khán giả nhiều thập niên, các nhà hát danh tiếng trên thế giới đều muốn dàn dựng vở diễn này. Không chỉ được ghi nhận như một tác phẩm sân khấu kinh điển mà sức hút xuyên thời gian của Hedda Gabler còn thể hiện ở những giá trị chân chính, mẫu mực có thể tìm thấy trong bất kỳ thời đại nào, dù chuyện kịch chỉ xoay quanh đề tài về hôn nhân gia đình.
Vở kịch cũng quy tụ dàn diễn viên "khủng" của Nhà hát Tuổi trẻ |
Sự yêu thương, sự trăn trở, sự cay đắng và cả sự trống rỗng trong tâm hồn con người vào những thời điểm cam go trong đời sống hôn nhân. Nhân vật chính của của vở kịch, mặc dù mong muốn vượt ra khỏi những rào cản mặc định nhưng cô không thể và rơi vào bế tắc.
Đến một quãng nào đó trong cuộc đời, hầu hết con người ta đều trải qua dư âm của dĩ vãng ngày nào và trong đó có thể những điều ấp ủ nào đó đã không trở thành hiện thực, như một đứa con mà không bao giờ được sinh ra vậy… làm thế nào để cuộc sống tươi đẹp trở lại? Cùng với những khát khao cháy bỏng của tương lai mà bên cạnh luôn tiềm ẩn những điều ngược lại.
Hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong văn chương hay trong tâm hồn của mỗi nhân vật và lắng nghe những gì họ đã trải qua để thấy cuộc sống cần thật nhiều những lối thoát để rồi bạn sẽ cùng cảm thông với nàng Hedda Gabler hay sẽ là một sự trách móc? Nàng sẽ đi đâu và nàng là ai trong đời sống đương đại của ngày hôm nay?
Cơ hội để khán giả Việt Nam gặp gỡ được với những điều mới mẻ
Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama - một người Nhật Bản nhiều kinh nghiệm và trăn trở đã dành tâm huyết của mình cho nàng Hedda, bởi anh hiểu rằng sau thành công của “Cậu Vanya” anh cần phải làm tốt hơn nữa để chinh phục khán giả Việt Nam và những người nước ngoài đang sống tại Hà Nội cho một tác phẩm có quy chuẩn, vóc dáng quốc tế.
Nói về vở diễn, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cho biết: “Chúng ta ai cũng một lần trong đời từng ở trong tình trạng hay tâm trạng như rơi xuống vực sâu. Đó không phải là một nơi có thể dễ dàng thoát ra mà chỉ khiến cho ta thấy ngột ngạt, chán nản, cô đơn, tuyệt vọng, bức bối... giống như bị hút vào bởi lực hút của hố đen vũ trụ.
Các nhân vật xuất hiện trong câu chuyện này đều là những con người bị rơi xuống vực thẳm bởi muôn vàn lý do. Có những người thoả hiệp một cách vô thức, và khi nhận ra thì đã thấy mình nằm dưới đáy vực; Cũng có những người bị đầy xuống bởi những định kiến của người đời và xã hội.
Tại chính nơi này, họ chiến đấu. Là nỗ lực để thoát khỏi vực thẳm. Là vừa thách thức, đối đầu với số phận bằng lòng dũng cảm, vừa như để thét lên “Tôi muốn trở lại là tôi, chứ không phải là thứ mà người đời hay xã hội mong muốn”! Là bùng nổ mãnh liệt tìm lại phẩm giá mà mình đã đánh mất… Thông qua “cuộc chiến” này, họ sẽ nhận ra “Điều gì là quan trọng đối với cuộc đời tôi?”, “Tôi sống vì điều gì?”, “Tôi là ai?”, “Tôi muốn trở thành ai?”.
Để chiến thắng trong trận chiến này, thứ cần nhất là ý chí mạnh mẽ khẳng định “Tôi sẽ sống như vậy!”. Tôi rất thích câu thành ngữ “Biết cỏ sắc qua gió lốc” (Gần nghĩa với “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” trong tiếng Việt). Nghĩa của câu là ta chỉ có thể biết được ngọn cỏ có vững hay không khi có trận gió mạnh thổi qua, và tương tự, chỉ khi đối diện với khó khăn ta mới hiểu được ý chí mạnh mẽ và chân giá trị của con người. Tôi cảm nhận được ý chí và khát khao mãnh liệt kiên định với phẩm giá và tự tôn của mình từ các nhân vật trong câu chuyện.
Chúng tôi mong rằng tác phẩm này sẽ là cơ hội để khán giả Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ trong khoảng từ 20 - 30 tuổi gặp gỡ được với những điều mới mẻ ngỡ như đã từng ngủ vùi từ sâu thẳm bên trong mình.”
Vở diễn được đầu tư một cách bài bản từ thiết kế mỹ thuật sân khấu, phục trang, âm nhạc, ánh sáng… trong đêm diễn các nghệ sĩ biểu diễn sẽ không sử dụng micro như thông thường, khán giả có thể thấy hết chất giọng và nội lực của các diễn viên, khán giả nước ngoài có thể hiểu được nội dung vở kịch qua phần phụ đề tiếng Anh đã được biên tập kĩ lưỡng.