Nhà đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ lại “cầu cứu” Trung ương
Thủ tướng ra "tối hậu thư" gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng Dự án ngăn triều Tổng Bí thư nêu về lãng phí, Thủ tướng “lệnh” giải quyết ngay vướng mắc |
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) vừa có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Theo Trungnam Group, dự án khởi công từ ngày 26/6/2016 đến nay đã hơn 8,5 năm trôi qua, đạt hơn 90% khối lượng hoàn thành vào năm 2020, sau đó dự án tạm dừng để UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc pháp lý.
Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 40/NQ-CP ngày 1/4/2021, trong đó nội dung phương thức thanh toán chưa phù hợp trong Hợp đồng BT của dự án đã được nêu rõ tại điều 1 của Nghị quyết 40/NQ-CP và chỉ đạo của Nghị quyết cũng nêu rõ “Vấn đề này thuộc trách nhiệm của UBND và các tổ chức, cá nhân có liên quan".
Đáng nói, từ khi ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP đến nay, mặc dù nhà đầu tư đã nhiều lần báo cáo, tuy nhiên UBND TP HCM vẫn chưa thực hiện điều chỉnh Hợp đồng BT để hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ và trong các báo cáo gần đây vẫn đang kiến nghị Chính phủ nội dung đề xuất không phù hợp với nội dung của Nghị quyết 40/NQ-CP.
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) mặc dù hoàn thành đến hơn 90% khối lượng công việc nhưng phải đứng bánh nhiều năm. |
Về phương thức thanh toán của dự án cũng đã được chỉ đạo cụ thể tại Thông báo số 285/TB- CP ngày 20/8/2015 của Thường trực Chính phủ là: "Áp dụng hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT, UBND TP HCM được thanh toán bằng ngân sách thành phố đối với phần chênh lệch".
"Đây là vướng mắc tiên quyết và lớn nhất cần được giải quyết để tháo gỡ ách tắc của dự án, để có thể tiếp tục thực hiện các pháp lý liên quan khác. Nhà đầu tư rất mong nhận được sự hỗ trợ của Trung ương để dự án được triển khai lại và sớm hoàn thành đưa vào khai thác", văn bản nêu.
Theo tìm hiểu, dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Dự án quan trọng này khởi công từ giữa năm 2016, nhằm kiểm soát ngập do triều cường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên diện tích 570km2, phục vụ khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực trung tâm và ven sông Sài Gòn.
Mặc dù đã hoàn thành 90% khối lượng công việc, dự án đã phải tạm dừng thi công ba lần, lần gần nhất kéo dài từ ngày 15/11/2020 đến nay.
Nhà đầu tư rất mong nhận được sự hỗ trợ của Trung ương để dự án được triển khai lại và sớm hoàn thành đưa vào khai thác. |
Đây là dự án được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu về lãng phí khi nhiều năm không giải quyết dứt điểm các vướng mắc. Mặc dù TP HCM rất nhiều lần có văn bản xin ý kiến Trung ương và Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể tiếp tục triển khai.
Mới đây nhất, ngày 17/12, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án.
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch UBND TP HCM khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo cảu Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9050/VPVP-NN ngày 9/12/2024, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/12/2024.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP HCM chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án xử lý các vướng mắc của dự án, trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất phương án xử lý các vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/12/2024.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM chỉ đạo, đôn đốc UBND TP HCM và các cơ quan chức năng của thành phố tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc của dự án thuộc thẩm quyền. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền cần chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng phương án khả thi, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trường hợp vướng mắc về pháp luật cần báo cáo cụ thể, đề xuất Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý để tháo gỡ, không để chậm trễ kéo dài, xảy ra thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách Nhà nước và thiệt hại cho nhà đầu tư.