Dự án ngăn triều Tổng Bí thư nêu về lãng phí, Thủ tướng “lệnh” giải quyết ngay vướng mắc

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng được khởi công từ giữa năm 2016, nhằm kiểm soát ngập do triều cường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực trung tâm và ven sông Sài Gòn. Dự án đã hoàn thành 90% khối lượng công việc nhưng đã phải tạm dừng thi công 3 lần, lần gần nhất kéo dài từ ngày 15/11/2020 đến nay.
“Cầu cứu” Thủ tướng gỡ vướng dự án chống ngập lớn nhất TP HCM

Gần hoàn thành nhưng phải đứng im 4 năm

Mặc dù TP HCM rất nhiều lần có văn bản xin ý kiến Trung ương và Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể tiếp tục triển khai. Một trong những vướng mắc là chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Mới đây, ngày 9/12, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP HCM tập trung chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, trao đổi, đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về giá trị dự án, loại bỏ toàn bộ các chi phí bất hợp lý, không đúng quy định; thống nhất giá trị, tiến độ, điều kiện thanh toán hợp đồng và nội dung cần thiết khác làm cơ sở để ký kết phụ lục hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật, không được để thất thoát ngân sách Nhà nước; giải quyết ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố trước ngày 20/12/2024, không để chậm trễ, láng phí trong đầu tư.

Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm việc với Chủ tịch UBND TP HCM và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của UBND TP HCM liên quan đến tái cấp vốn cho dự án theo chức năng, nhiệm vụi, thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định củap háp luật.

Cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Công an, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, UBND TP HCM và các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất phương án để xử lý dứt điểm kiến nghị của UBND TP HCM về các vướng mắc của dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/12/2024.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND TP HCM có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến dự án theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan trong việc rà soát, đề xuất phương án giải quyết các vướng mắc của dự án.

Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng được khởi công từ giữa năm 2016, nhằm kiểm soát ngập do triều cường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên diện tích 570km2, phục vụ khoảng 6,5 triệu dân ở khu vực trung tâm và ven sông Sài Gòn. Mặc dù đã hoàn thành 90% khối lượng công việc, dự án đã phải tạm dừng thi công ba lần, lần gần nhất kéo dài từ ngày 15/11/2020 đến nay.

Trong báo cáo, UBND TP HCM đã chỉ ra nhiều vướng mắc khiến dự án đến nay vẫn bị mắc cạn.

Theo đó, hiện chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Dự án ngăn triều Tổng Bí thư nêu về lãng phí, Thủ tướng “lệnh” giải quyết ngay vướng mắc
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 (mức đầu tư 10.000 tỷ đồng) là công trình đang được người dân mong đợi.

Trong trường hợp này, dự án trong quá trình thực hiện có khả năng phát sinh dẫn đến tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn sử dụng được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi dự án hoàn thành, không phải để thực hiện dự án trong giai đoạn đầu tư xây dựng bao gồm vốn ngân sách Nhà nước bằng tiền là dưới 10.000 tỷ đồng và phần vốn còn lại là thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất, phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia được quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư công2 và Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Theo UBND TP HCM, hiện nay, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không có quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Tại Khoản 3 Điều 104 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP4 ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư có nêu quy định đối với việc xử lý chuyển tiếp đối với dự án đang trong quá trình thực hiện, phát sinh vấn đề thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, tuy nhiên, vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện.

Do thẩm quyền và trình tự thủ tục chưa được nghị định hướng dẫn cụ thể, TP HCM cho biết sẽ đề xuất phương án thực hiện và báo cáo Chính phủ trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án.

Một khó khăn nữa là hiện không có nguồn vốn để hoàn thành công trình. Nguyên nhân do vướng mắc trong việc huy động nguồn vốn thi công hoàn thành công trình xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 để trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.

Như vậy, do Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thu nợ tái cấp vốn đổi với Ngân hàng BIDV khoảng 3.560 tỷ đồng nên trong trường hợp dù được gia hạn thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn, Ngân hàng BIDV vẫn không thể tiếp tục giải ngân cho Nhà đầu tư do dự án chưa được thanh toán.

Nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc

Tại Tờ trình số 321/TTr-UBND ngày 3/6/2024, UBND TP HCM đã kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ thống nhất phương án và xem xét trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để chấp thuận cho thành phố thực hiện phương án ủy thác từ ngân sách thành phố cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố để (Công ty HFIC) cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án vay thực hiện hoàn thành công trình.

Tuy nhiên, tại buổi họp Tổ Công tác ngày 8/8/2024, đại diện Bộ Tài chính có ý kiến phương án kiến nghị của TP HCM là chưa phù hợp do Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 không có quy định về việc sử dụng vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho quỹ đầu tư phát triển địa phương (trong trường hợp này là Công ty HFIC) để quỹ này cho nhà đầu tư vay thực hiện dự án; đồng thời, tại Mục 2 Thông báo số 370/TB-VPCP ngày 9/8/2024 của Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác Chính phủ thống nhất không có căn cứ pháp lý để tiếp tục ban hành một Nghị quyết mới của Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay của dự án như đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố.

Dự án ngăn triều Tổng Bí thư nêu về lãng phí, Thủ tướng “lệnh” giải quyết ngay vướng mắc
Các công trình thủy lợi có ý nghĩa quyết định đối với sản xuất nông nghiệp và chống ngập của TP HCM.

Do đó, hiện nay chưa có cơ sở để huy động nguồn vốn ủy thác để nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án tiếp tục thi công, hoàn thành công trình.

UBND TP HCM cho biết sẽ rà soát, điều chỉnh các điều khoản thanh toán của hợp đồng thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư bằng các quỹ đất đã được xác định trong hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn cho việc tiếp tục thi công hoàn thành công trình.

Tuy nhiên, theo các quy định thể hiện tại khoản 7 Điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và khoản 1 Điều 17 Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ chỉ cho phép thanh toán chuyển tiếp cho các hợp đồng BT được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Thực tế, đối với hợp đồng dự án, tại Điều 1 Nghị quyết số 40/NQCP ngày 1/4/2021 của Chính phủ đã xác định còn thiếu sót về thẩm quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án và thiếu sót liên quan phương án thanh toán cho nhà đầu tư.

TP HCM đã thực hiện đàm phán ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng để triển khai xây dựng công trình. Theo đó, thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất tương đương 16% giá trị quyết toán dự án (khoảng 1.588 tỷ đồng); phần thanh toán bằng tiền tương đương 84% giá trị quyết toán dự án (khoảng 8.380 tỷ đồng).

Tại cuộc họp Tổ Công tác Chính phủ ngày 8/8/2024, đại diện Kiểm toán Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến đề nghị TP HCM nghiên cứu theo hướng ưu tiên thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất, phần chênh lệch sẽ được thanh toán bằng tiền để đảm bảo bám sát nguyên tắc của quy định hiện hành.

Như vậy, UBND TP HCM nhận thấy để khắc phục thiếu sót liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư cần phải điều chỉnh phương án thanh toán của hợp đồng BT đã ký kết theo hướng thanh toán bằng quỹ đất trước cho nhà đầu tư tương ứng với phần giá trị dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Một vướng mắc nữa được UBND TP HCM nêu ra là chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT. Nguyên nhân dự án thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại Điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; khoản 7 Điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và Điều 91 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Các văn bản trên quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với dự án là “việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết Hợp đồng”9. Việc sửa đổi hợp đồng “thực hiện theo quy định của hợp đồng đã ký kết; trường hợp hợp đồng không quy định rõ các nội dung liên quan đến việc sửa đổi thì áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng”.

Ngoài ra, như đã nêu ở phần trên, các quy định hướng dẫn về thanh toán chỉ quy định thanh toán chuyển tiếp cho các hợp đồng BT được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Ngoài các quy định nêu trên, pháp luật hiện hành không có thêm quy định nào khác về việc thực hiện, điều chỉnh hợp đồng BT đã ký kết trước đây. Việc này dẫn đến việc điều chỉnh dự án gặp các vướng mắc về pháp lý.

Cụ thể, hợp đồng ký kết không đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, nay khắc phục bằng cách ký kết đúng quy định thì Hợp đồng BT có được thanh toán hay không. Chưa xác định được cơ quan có thẩm quyền nào sẽ xác định hợp đồng đã ký đúng quy định và việc xác định hợp đồng ký kết đúng quy định dựa trên các tiêu chí nào?

Việc điều chỉnh dự án, hợp đồng áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật nào; dự án áp dụng nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; nếu theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng như Luật PPP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ thì sẽ phải áp dụng nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực pháp luật; nếu theo nguyên tắc hành vi thời điểm nào áp dụng pháp luật tại thời điểm đó tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phù hợp với Điều 101 Luật PPP; trường hợp kết hợp cả Luật PPP và pháp luật hiện hành thì sẽ áp dụng cả văn bản đã hết hiệu lực và văn bản hiện hành.

Nêu giải pháp tháo gỡ, UBND TP HCM cho biết, các vướng mắc liên quan đến quy định của luật, một số nội dung không được thể hiện trong các quy định của luật như việc xác định hợp đồng có được phép thanh toán (sau khi khắc phục các thiếu sót)..., nên vượt thẩm quyền của Chính phủ, UBND TP HCM sẽ phân tích và báo cáo cụ thể trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án.

Liên quan đến các vướng mắc cụ thể này, UBND TP HCM sẽ báo cáo xin ý kiến của các bộ/ngành để có được phương án thực hiện khả thi và có tính pháp lý cao nhất.

Xét tính chất đặc thù của dự án, trên cơ sở đồng thuận của nhà đầu tư, ngân hàng, UBND TP HCM đề xuất do tổng mức đầu tư dự án đã có sự thay đổi, thời gian thực hiện dự án đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót, để đảm bảo cơ sở pháp lý, cần triển khai thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.

Tuy nhiên, thực tế, thủ tục điều chỉnh tổng thể dự án rất phức tạp, do quy định của pháp luật, mất nhiều thời gian và cần thương thảo thống nhất với ngân hàng và nhà đầu tư về cách tính lãi vay.

Do đó, UBND TP HCM đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án như sau: Thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán.

Sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT thì dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót nêu tại Điều 1 Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021. Đây chính là cơ sở để UBND TP HCM có thể bắt đầu thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành, giải quyết được nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công trình và giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.

Hậu Lộc
Phiên bản di động