Nhà đầu tư điện mặt trời cầu cứu vì bị cắt giảm công suất

Nhiều nhà đầu tư điện mặt trời đang kêu cứu vì bị cắt giảm công suất đến 30 - 50 - 60% hoặc 100% tùy theo khung giờ, khiến họ bị thiệt hại nặng nề, thậm chí có doanh nghiệp còn đối diện với phá sản...
Điện mặt trời mái nhà dư thừa được hòa lưới nhưng... không có tiền Nguyên tắc xây dựng khung giá phát điện của điện mặt trời, điện gió

Doanh nghiệp điện sạch lao đao

Với đặc thù khi hậu nắng nóng gần như quanh năm, Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để đầu tư phát triển năng lượng sạch mà hiếm quốc gia nào trên thế giới có được.

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như một nguồn năng lượng sạch tạo động lực phát triển điện sạch cho đất nước.

Một chủ trương hợp thời, hợp thế, hợp lòng dân đã tạo nên bước tiến ngoạn mục cho ngành năng lượng tái tạo Việt Nam, đưa lĩnh vực mới toanh ngày nào chỉ nằm trên giấy trở thành hiện thực rất đáng tự hào. Điện sạch được ngẩng mặt với đời thì sẽ đẩy lùi điện bẩn, góp phần tiết kiệm ngoại tệ, cải thiện môi trường sống, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá.

Nhà đầu tư điện mặt trời cầu cứu vì bị cắt giảm công suất
Nhà máy điện mặt trời Bàu Ngứ, Ninh Thuận.

Cũng từ đó, người dân Việt Nam được biết đến điện mặt trời và sử dụng loại hình năng lượng tiến bộ như một xu hướng tất yếu không thể cưỡng lại.

Thế nhưng, tương lai hứa hẹn của năng lượng tái tạo lại bị đe dọa khi hàng tỷ kWh điện sạch bị cắt giảm công suất, gây thiệt hai vô cùng lớn cho nền kinh tế, còn nhà đầu tư thì lao đao.

Năng lượng tái tạo cần được ưu tiên hơn nữa

Theo chia sẻ của nhà đầu tư năng lượng tái tạo, thiệt hại về việc không giải tỏa hết công suất điện mặt trời là vô cùng lớn, bởi nguồn vốn để triển khai dự án chủ yếu đều vay từ ngân hàng, trong khi đó việc bán điện "phập phù" như hiện tại gây tổn thất cho nhà máy.

Mặt khác, thời điểm vào năm 2017 - 2018; 2019 - 2020, khi ký hợp đồng mua bán điện không có điều khoản nào liên quan đến việc phải bị cắt giảm công suất.

Nhà đầu tư điện mặt trời cầu cứu vì bị cắt giảm công suất
Cắt giảm công suất gây thiệt hại rất lớn cho Nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận.

Nếu như vào mùa mưa bão, nước về hồ nhiều, các nhà máy thủy điện thừa công suất phát điện, điện sạch phải chịu thiệt để dung hòa thì âu đó cũng là trường hợp bất khả kháng. Trong khi đó, hiện nay, 3 miền đang vào mùa hanh, khô, lạnh, nhu cầu điện tăng cao vào dịp cuối năm, ngành điện kêu gọi người dân thực hành tiết kiệm khi điện đang bị thiếu trầm trọng.

Trong tình thế này, đáng lý ra, ngành điện phải "tháo xích" để điện mặt trời lên lưới, cung cấp điện sạch giá tốt cho nền kinh tế. Nhưng ngược lại, điện mặt trời lại bị cắt giảm công suất khiến các nhà đầu tư cảm thấy khó hiểu.

Doanh nghiệp điện sạch đã nhiều lần kiến nghị, thậm chí cầu cứu đến diễn đàn Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công thương... nhưng đến nay vẫn chưa nhận được giải pháp nào để chia sẻ với những khó khăn của các nhà đầu tư đang gặp phải.

Theo ý kiến của chuyên gia, điện sạch được xem nhân tố mới mang tầm ảnh hưởng tích cực, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26; giải quyết việc làm cho nguồn lao động chất lượng cao; đóng góp rất lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thế nhưng, việc cắt giảm công suất điện mặt trời đã khiến năng lượng tái tạo đang bị đối xử lệch chuẩn, nhà đầu tư bị tổn thương, người dân bị thiệt thòi.

Nhiều người đang tự hỏi, nếu năm 2024 điện lại thiếu thì ngành điện sẽ trả lời sao khi không có cơ chế cho điện mặt trời phát huy do những đề xuất đi ngược với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị?

Hậu Lộc
Phiên bản di động