Nguy cơ Covid-19 lan rộng khi “trên nóng dưới lạnh”, “lọt lưới” mầm bệnh

Sự chủ quan của một bộ phận cá nhân hoặc lực lượng đã khiến nước ta lại có 1 số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng sau gần 3 tháng yên bình. Điều đáng nói là dịch quay lại vì nguyên nhân quản lý lỏng lẻo trong khâu cách ly đã cho thấy “lỗ hổng” trong công đoạn này.
"Lơ" Covid-19, nhiều người “quên” đeo khẩu trang nơi công cộng

Gần 3 tháng chính thức mở lại 1 số đường bay thương mại quốc tế, đã có hàng triệu người là chuyên gia nhập cảnh hoặc người Việt Nam trở về từ nước ngoài. 6 người trong gia đình chị Nguyễn Thị Hà Giang ở Gia Lâm, Hà Nội nằm trong số đó. Sau khi về nước và hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung, gia đình chị Giang về quê Sóc Sơn để tiếp tục cách ly thêm 14 ngày tại nhà theo quy định. Tuy nhiên, gia đình chị không nhận được bất kỳ lời hỏi han, kiểm tra, giám sát nào của ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hà Giang cho hay: “Từ khu cách ly của quân đội về, gia đình tôi tự cách ly tại nhà. Chúng tôi có ý thức tuân thủ các quy định, không đi đâu, không tiếp xúc gần với người lạ, luôn đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Dù chính quyền địa phương biết chúng tôi thuộc diện cách ly tại nhà nhưng họ không hỏi han gì. Nếu chúng tôi không có ý thức tự phòng dịch thì rất nguy hiểm…”.

Nguy cơ Covid-19 lan rộng khi “trên nóng dưới lạnh”, “lọt lưới” mầm bệnh
Ảnh minh họa.

Những tuần gần đây, chuyến bay nào từ nước nước ngoài về cũng có người dương tính với Covid-19. Trước đó, tại nước ta cũng đã ghi nhận những trường hợp có thời gian ủ bệnh sau 14 ngày nên thời hạn cách ly được quy định là 28 ngày. Tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và 63 tỉnh thành phố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng đã thường xuyên chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt việc theo dõi sức khỏe người nhập cảnh, đặc biệt là cách ly tại nhà, khách sạn, nơi lưu trú.

“Từng địa phương phải nắm được ngày hôm nay trên địa bàn có bao nhiêu người từ nước ngoài về và trong vòng 28 ngày phải có cách để hỏi đáp ít nhất một lần. Bộ Y tế phải lệnh cho cán bộ cấp dưới. Trưởng ban chỉ đạo các tỉnh phải lệnh xuống cấp dưới. Ngành công an cũng phải thế. Nếu phát hiện trường hợp thuộc diện cách ly tại nhà mà đi ra ngoài thì phải xử phạt thật nghiêm. Chúng ta phải đề cao kỷ cương mới giữ được yên bình cho cả nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay.

Tuy nhiên, cứ sau một nửa thời gian thực hiện cách ly, tức là khi kết thúc cách ly tập trung là người dân và chính quyền cơ sở lại chủ quan, dẫn đến tình trạng “thả gà ra đuổi” vì vẫn có tới 70% số người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng của bệnh. Qua kiểm tra thực tế của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, thời gian qua có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

“Việc quản lý tại các cơ sở cách ly tập trung được quân đội thực hiện tương đối nghiêm ngặt, nhưng với cách ly tại khách sạn và cách ly tại nhà, nơi lưu trú dân sự thì vẫn có địa phương lơ là, chểnh mảng, dù Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia đã có đầy đủ văn bản hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở…”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.

Hậu quả từ sự chủ quan, buông lỏng vừa nêu là cả hệ thống phòng chống dịch vừa phải trải qua một phen “hoảng hồn” sau trường hợp tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines vi phạm quy định về cách ly. Hàng nghìn người tiếp xúc gần đang được cách ly, xét nghiệm và theo dõi. Tuy nhiên, một câu hỏi không thể không đặt ra là liệu trước đó có trường hợp vi phạm nào tương tự mà chưa được phát hiện không? Nếu có thì mầm bệnh đang lây lan âm thầm trong cộng đồng như thế nào? Cách phòng chống ra sao? Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) sự cảnh giác với dịch bệnh Covid-19 không bao giờ là thừa.

“Một trong những nhóm giải pháp rất quan trọng là việc chúng ta phải chấp hành nghiêm các hướng dẫn của Bộ y tế đó là tự giác bằng các biện pháp dự phòng như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và luôn cảnh giác khi tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ. Tại những nơi có dấu hiệu về dịch tễ học và thậm chí không có dấu hiệu về dịch tễ học, nếu có biểu hiện về bệnh cúm, ho, sốt hay là khó thở đau đầu mệt mỏi, sổ mũi, chảy nước mắt thì người bệnh đó phải đến khám tại bệnh viện và gặp thầy thuốc, cơ sở y tế gần nhất”, ông Lương Ngọc Khuê cho hay.

Thông điệp phòng chống dịch 5 K, rất dễ nhớ, gồm: “Khẩu trang – Khử khuẩn –Khoảng cách tiếp xúc – Không tập trung đông người – Khai báo y tế", trong đó, biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là đeo khẩu trang vẫn đang bị nhiều người bỏ qua, dù mức phạt đã có. Việc kiểm tra, giám sát, xử phạt tại những địa điểm quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng chỉ được chính quyền nhiều nơi thực hiện một cách chiếu lệ… Công tác phòng chống dịch sẽ ra sao nếu cứ “trên nóng, dưới lạnh”? Mỗi lần dịch bùng phát đều xác định được nguyên nhân nhưng vì sao chưa làm rõ trách nhiệm của người vi phạm và nhất là sự chưa cương quyết của chính quyền, các lực lượng chức năng? Phần trả lời của những câu hỏi này có lẽ chính là mấu chốt của nhiệm vụ chống dịch trong tình hình mới hiện nay.

Nguồn: VOV
vov.vn
Phiên bản di động