Nguồn lực nội sinh của Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình

Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô. Thời gian qua, với những giải pháp quyết liệt, hướng đi bài bản, Hà Nội đang chứng tỏ khả năng khai thác các nguồn lực để phát triển lĩnh vực này.
Hà Nội sẵn sàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới Hà Nội có đủ thế và lực để vững bước vào kỷ nguyên vươn mình Không gì có thể ngăn cản được khát vọng vươn mình của dân tộc ta

Dấu ấn từ “thổi hồn” cho di sản

Ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đến nay, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, xây dựng chiến lược, kế hoạch rõ ràng, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giải trí.

Với bề dày lịch sử hơn 1.000 năm, thành phố đang sở hữu rất nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo. Đây cũng chính nguồn tài nguyên mà thành phố đang nỗ lực khai thác để thu hút khách du lịch, để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

Nguồn lực nội sinh của Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham quan trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024

Bên cạnh đó, với thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội đã hình thành được một không khí sáng tạo phù hợp cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2019, các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đóng góp 1,49 tỷ USD, chiếm 3,7% GRDP của thành phố.

Liên tiếp trong 2 năm liền 2023 - 2024, ở lĩnh vực thiết kế sáng tạo, thành phố đã tạo dấu ấn đậm nét với thành công lớn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Sự kiện được tổ chức với quy mô lớn ở nhiều địa điểm, huy động nhiều loại hình sáng tạo, “đánh thức” những di sản công nghiệp có tuổi thọ 100 năm tưởng như “ngủ quên”, biến những công trình này thành địa điểm văn hóa hấp dẫn.

Thay vì tư duy đập đi xây mới, công chúng dần hiểu được giá trị của những di sản công nghiệp trong đời sống hiện đại. Ngay cả những phân xưởng, những đầu máy, toa xe cũ kỹ của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cũng thu hút công chúng bởi sự mới lạ, độc đáo khi trở thành trưng bày, sáng tạo nghệ thuật.

Năm 2024, công chúng cũng thấy rõ, những vườn hoa không chỉ là vườn hoa, bảo tàng không chỉ là bảo tàng, giảng đường không chỉ là giảng đường… mà nó thực sự trở thành “thỏi nam châm” hút khách du lịch nếu được tạo sức sống mới.

Nguồn lực nội sinh của Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình
Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker thực hiện nghi thức Khai mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024

Trong 10 ngày Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 diễn ra, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Louis Finot thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ, một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam) được thổi hồn với Pavilion “Rồng rắn lên mây”. Tòa nhà Đại học Tổng hợp - một "Thánh đường tri thức" cũng được “đánh thức” từ những dự án nghệ thuật sáng tạo, trở thành điểm tham quan yêu thích của những người yêu tri thức, yêu di sản, yêu nghệ thuật và sự sáng tạo. Địa điểm này trở thành nơi để các nghệ sỹ, nhà sáng tạo tổ chức triển lãm nghệ thuật tương tác Cảm thức Đông Dương. Những cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo được trưng bày, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sỹ và nghệ sỹ hiện tại.

Anh Dương Nguyễn, thành viên Ban Tổ chức chia sẻ: “Từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng vào tham quan, tham gia các hoạt động nghệ thuật như trưng bày, trình diễn… cho thấy, sức hút của những di sản kiến trúc này nếu chúng ta tạo ra sức sống mới cho nó”.

Nguồn lực nội sinh của Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình

Huy động nguồn nhân lực sáng tạo

Có thể thấy, việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang thực sự làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng về việc “văn hóa chỉ để tiêu tiền”.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: "Giá trị ý nghĩa nhất mà lễ hội vừa qua mang lại là hình thành nhận thức mới cho người dân về sáng tạo cũng như về văn hóa, lịch sử, kiến trúc thông qua các hoạt động trải nghiêm, tương tác với di sản, tham gia các hoạt động cộng đồng".

Chỉ nhìn từ Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024, để tạo ra "mặt khác" đầy sáng tạo của Hà Nội, các kiến trúc sư đã dành 6 tháng trời lăn lộn thực địa và triển khai. Không chỉ khảo sát từng góc nhỏ của các công trình di sản, họ còn tỉ mỉ tính toán để những công trình vừa độc đáo, tạo ra được đối thoại giữa sáng tạo và không gian di sản văn hóa.

Nguồn lực nội sinh của Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình

Du khách thích thú với các hoạt động sáng tạo tại phường Bách Nghệ

Nhìn tổng thể, chúng ta còn thấy, gần đây, nguồn nhân lực sáng tạo được khai phá và truyền cảm hứng qua sự nở rộ của các không gian sáng tạo. Có thể kể đến như tổ hợp Complex 01 (phố Tây Sơn, quận Đống Đa), phường Bách Nghệ (phường Mộ Lao, quận Hà Đông), Cộng Xưởng (số 1A phố Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng), không gian sáng tạo vừa đi vào hoạt động vài tháng qua.

Hình thức phổ biến nhất là các quán cà phê kết hợp với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nằm rải rác khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Nếu như trước đây, các không gian sáng tạo chủ yếu gắn với những loại hình nghệ thuật, sáng tạo mới thì bây giờ, ngày càng nhiều không gian sáng tạo khai thác giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa.

Phường Bách Nghệ thường tổ chức trưng bày, giới thiệu nhiều nghề truyền thống theo từng chuyên đề, trong đó tập trung vào việc trải nghiệm thực hiện sản phẩm để du khách có thể tìm thấy sự kết nối với văn hóa Việt qua từng sản phẩm thủ công. Các bên tham gia gồm cả nhà thiết kế, nghệ nhân, nhà đầu tư… để từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác, sáng tạo ra những sản phẩm không chỉ bảo tồn mà nâng tầm cho tinh hoa làng nghề.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: “Văn hóa đang thực sự trở thành trung tâm trong mọi chính sách phát triển của thành phố. Thành phố Hà Nội luôn chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Gần 40 năm đổi mới vừa qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên theo từng giai đoạn. Mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách thành phố. TP Hà Nội đã đầu tư ngân sách là 42.000 tỷ đồng cho 3 trụ cột phát triển bền vững: Văn hóa - giáo dục - y tế, trong đó, riêng lĩnh vực văn hóa đã được đầu tư 14.200 tỷ đồng”.

Còn Cộng Xưởng cung cấp cho các nghệ sĩ, nhà sáng tạo không gian sáng tạo tự do; cung cấp nguyên vật liệu có sẵn, cùng với đó là cố vấn của những người có kinh nghiệm của những người đi trước. Việc đề cao tính liên ngành bởi khi những người thuộc các ngành khác nhau, ngồi lại với nhau, đưa các góc nhìn khác nhau trong cùng một vấn đề, sản phẩm đáp ứng cho xã hội thì sẽ tìm ra thị trường cho sản phẩm ấy.

Tại phố cổ Hà Nội, những di tích lớn, nhỏ, ít được công chúng biết đến như: Đình Phả Trúc Lâm, đình Tú Thị… cũng “gia nhập” các hoạt động sáng tạo thông qua dự án “Chuyện đình trong phố”. Các nghệ sĩ, nhà sáng tạo đã nối tiếp những câu chuyện cũ ở chính các con phố, di tích để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hay sản phẩm công nghiệp văn hóa mang hơi thở đương đại.

“Trải thảm” cho các nhà đầu tư

Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, nỗ lực thực hiện các cam kết. Theo kế hoạch, thành phố sẽ thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn triển khai thực hiện các hoạt động xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Hà Nội và các thành phố thành viên trong mạng lưới; khuyến khích, hỗ trợ các thành phố khác của Việt Nam tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; hình thành Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội; hình thành Mạng lưới các không gian sáng tạo Hà Nội; triển khai các hoạt động mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ...

Tháng 6/2024, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Điều 43 quy định rõ: Dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và các ngành công nghiệp văn hóa theo danh mục chi tiết do UBND thành phố quyết định sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô cũng cho phép hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa; cho phép ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý các công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao; công trình kiến trúc có giá trị.

Nguồn lực nội sinh của Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình

Công chúng hòa mình vào Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024

Nghị quyết 09 đặt ra mục tiêu, năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác... Những dấu ấn tiền đề thời gian qua cùng những quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) này được kỳ vọng sẽ mở lối, “trải thảm” cho khối tư nhân phát huy tiềm năng. Nguồn lực cộng hưởng và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị chắc chắn chắn sẽ đưa ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô sớm đạt mục tiêu đề ra.

Thái Sơn

Bình luận

Phiên bản di động