Hà Nội sẵn sàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới
Khẳng định điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Thành phố Hà Nội đã duy trì mạch tăng trưởng liên tục hàng thập kỷ. Cụ thể, trong gần 40 năm Đổi mới, năng suất lao động của Hà Nội tăng bình quân trên 7%/năm, tăng trưởng kinh tế cao hơn tăng trưởng chung cả nước. Thu ngân sách nhà nước qua các năm đều lập nên những cột mốc mới: Năm 2023 đạt trên 410.000 tỷ đồng, vươn lên dẫn đầu cả nước về thu nội địa; năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thủ đô đạt 6,52%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (6,27%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 509.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt hơn 473.000 tỷ đồng (chiếm gần 94%), đứng đầu cả nước. Thu hút vốn FDI đạt 2,2 tỷ USD, tiếp tục khẳng định Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội trao đổi về những định hướng phát triển của Thành phố |
Trong năm qua, nhiều công trình, dự án của thành phố đã được khánh thành, được khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Đồng thời, Thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng (hiện nay đã có 9 cầu); đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc), đồng thời đang tập trung chỉ đạo để quyết định chủ trương đầu tư 3 cầu (cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi).
Bên cạnh đó, Hà Nội đang quyết liệt thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường với tinh thần triệt để, thực chất, toàn diện; phát động Phong trào "Sáng, xanh, sạch, đẹp Thủ đô", với cách làm mới, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm; Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục giữ vững; Công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố được củng cố, hoạt động đối ngoại được mở rộng.
Chuyển đổi số tạo đà để Thủ đô bứt phá
Bên cạnh đó, lĩnh vực chuyển đổi số của Hà Nội đạt nhiều thành tựu ấn tượng. Cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với Đề án 06 được xác định là khâu đột phá. Thành phố có nhiều cách làm theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và đã thực hiện thí điểm thành công, tạo đà cho lĩnh vực y tế, giáo dục, tư pháp triển khai hiệu quả.
Với Nghị quyết số 18-NQ/TW về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng ở 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.
Kết quả chuyển đổi số của Hà Nội tăng 3 năm liên tiếp từ 2021 đến nay - tăng 19 bậc. Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về Chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin; đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam. Đáng chú ý, Hà Nội đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử và dẫn đầu Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).
![]() |
Lãnh đạo thành phố ra mắt Trung tâm Dữ liệu Hà Nội |
Hà Nội đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh. Tiếp tục duy trì và vận hành các ứng dụng, dịch vụ như: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố, Ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng…
Về hạ tầng số, Hà Nội cũng đã ban hành nhiều kế hoạch bải bản, căn cơ trong từng giai đoạn cũng như từng năm. Các app mới của các sở cũng sẽ được tích hợp vào iHanoi để khai thác tiện ích, đăng nhập một lần và có thể sử dụng tất cả các tính năng.
Thành phố khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công, tạo ra bước tiến mới trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, TP đưa Trung tâm Dữ liệu chính vào vận hành. Đây là một trong những công cụ chiến lược quan trọng để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong mọi mặt đời sống xã hội.
Việc quản trị và khai thác dữ liệu hiệu quả không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững với "tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội" mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Thủ đô trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập "Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí", đưa nội dung phòng, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy nguồn lực đầu tư xã hội.
Tạo lập không gian mới cho Thủ đô phát triển
Nhằm phát huy tối đa vị trí, vai trò chiến lược quan trọng của Hà Nội, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, mới đây nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022, "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược, mang tính thời đại của Đảng ta đối với sự phát triển của Thủ đô, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn.
![]() |
Thủ đô Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ để phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. |
Tháng 6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định số1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, tạo không gian và động lực cho Thủ đô phát triển bứt phá với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”.
Hà Nội - mảnh đất hội tụ linh khí của đất trời, nơi lắng hồn sông núi ngàn năm suốt 70 năm qua đã khẳng định vị thế như ngọn hải đăng dẫn dắt không chỉ chính trị, kinh tế, mà còn là bề dày văn hóa, lịch sử, là trung tâm sáng tạo văn hóa của đất nước, là minh chứng sinh động của sức sống mãnh liệt và khát vọng vươn lên.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, dưới sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội, bộ ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô sẽ tập trung quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu phát triển cao nhất, với tinh thần Hà Nội sẵn sàng tâm thế, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để cùng đất nước bước vào "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".