Nguồn cơn cả thôn ở Hà Nam không cho con em đi khai giảng
Những chậu hoa nhuộm màu bùn và tình người trong lũ Vì sao hơn 1.000 học sinh Trường TH - THCS Pascal phải khai giảng nhờ? |
Chủ tịch xã Thanh Hải, ông Nguyễn Văn Thắm xác nhận, 125 trẻ không được tham dự lễ khai giảng sáng 5/9 thuộc thôn Trung Hiếu Thượng.
Toàn thôn có 82/88 học sinh (học tại Trường Tiểu học Thanh Hải B), 43/53 trẻ mầm non (học tại Trường Mầm non Thanh Hải B) không đến trường trong ngày khai giảng.
Các em bị bố mẹ bắt ở nhà để phản đối một dự án trên địa bàn thôn từ nhiều năm qua.
Lễ khai giảng tại trường tiểu học Thanh Hải khu B vắng mặt 82 học sinh |
Hôm qua, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Liêm cùng một số lãnh đạo huyện đã về xã này tham dự lễ khai giảng năm học mới cùng các thầy trò.
Trường Tiểu học Thanh Hải B có tổng số 175 học sinh, Trường Mầm non Thanh Hải B có 152 cháu đều bị vắng gần nửa học sinh.
Ông Thắm cho hay, lãnh đạo huyện “rất bất ngờ” trước sự việc.
Từng cho con em nghỉ học 1 tháng
Ông Trần Văn Hiếu, đại diện bà con trong thôn lý giải nguồn cơn: “Có 2 doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn thôn đã gây ra nhiều hệ lụy cho người dân.
Quá trình khai thác, họ sử dụng mìn, vật liệu nổ, xe trọng tải lớn chở đá. Ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn… đã làm đời sống nhân dân xáo trộn.
Sự việc căng thẳng hơn khi 2 đơn vị này xây dựng bến thủy nội địa ngay cuối thôn để chở đá xuống các tàu thuyền, sau đó lưu thông theo đường sông, khiến người dân bức xúc."
Bà con thôn Trung Hiếu Thượng giải thích việc không cho con em đi khai giảng năm học mới |
Bến thủy nội địa - nguồn cơn khiến người dân bức xúc |
“2 cảng đổ đá xuống tàu nằm ngay sát 2 trường tiểu học và trường mầm non. Hàng ngày, xe tải đi lại rầm rập, chúng tôi rất lo vấn đề an toàn giao thông khi các cháu đến trường” - ông Hiếu chia sẻ.
Cụ Trần Thị Kỳ (80 tuổi) có 3 cháu nội đang trong tuổi đi học kể: Năm ngoái, cháu tôi đi học suýt bị cuốn vào gầm xe tải. Đường tới trường của các cháu giờ rất nguy hiểm...
Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trung Hiếu Thượng Đào Xuân Linh khẳng định: “Việc doanh nghiệp xây dựng cảng thủy nội địa không được người dân đồng tình. Quá trình xây dựng, họ đã phá hoại con đường giao thông giữa 2 thôn Trung Hiếu Thượng - Trung Hiếu Hạ được đổ bê tông từ năm 2006, phá hoại hệ thống mương thủy lợi được huyện đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng”.
Nhiều năm qua, người dân trong thôn đã có đơn thư kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng không được xử lý.
Chủ tịch xã Thanh Hải Nguyễn Văn Thắm |
Việc cho các cháu nghỉ học không phải lần đầu. Vào tháng 7/2018, đồng loạt học sinh bị bố mẹ cho ở nhà trong 1 tháng.
“Năm 2018, chúng tôi đến vận động từng hộ dân cho con cháu đi học. Việc đấu tranh là của người lớn, không nên đưa các cháu vào. Sau đó, UBND huyện ra văn bản đình chỉ xây dựng bến thủy nội địa nói trên, các cháu mới được bố mẹ cho đi học” - Chủ tịch xã Thanh Hải cho biết.
“Đến trường là quyền lợi của các cháu, người lớn không được phép tước bỏ. Cấp xã đã báo cáo lên huyện để huyện có ý kiến chỉ đạo, chứ chúng tôi cũng không có thẩm quyền” - Chủ tịch xã nói.
Ông Phạm Văn Thuấn - Phó chủ tịch HĐND xã Thanh Hải cho biết: "Huyện hứa trong tháng 8 sẽ về đối thoại với người dân nhưng sau đó cán bộ của huyện không về cũng không nói lý do. Chính điều đó càng khiến bà con bức xúc”.
Ông cho biết thêm, khu vực hiện đang xây dựng bến thủy nội địa trước kia là đê sông Đáy và ruộng canh tác lúa, có con đường dân sinh cho các cháu đến trường.
“Việc đặt bến tàu để xe tải chở vật liệu, đá sỏi xuống đổ cho các tàu tại đây là không hợp lý vì nó sát với nhà máy nước sạch, trường tiểu học, mầm non, trạm y tế xã.
Nó cũng làm hư hại đường giao thông liên thôn, hệ thống kênh mương tưới tiêu của nhân dân” - ông Thuấn thông tin.