Người trẻ đau đầu vì đi nhậu như "chạy show" dịp cuối năm

Khối lượng công việc lớn cộng thêm chi phí phát sinh cho các buổi tụ tập, nhậu nhẹt, nhiều người trẻ vừa cảm thấy kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn tài chính với những buổi tiệc tất niên, tiệc mừng và liên hoan công việc dịp cuối năm.
Người trẻ chọn đón Tết đơn giản để thư giãn Nỗi sợ ngày Tết của giới trẻ Người trẻ mong gì từ Tết truyền thống?

Liên tục liên hoan

Nguyễn Thu Hà (26 tuổi), một chuyên viên kinh doanh tại Hà Nội, chia sẻ rằng từ đầu tháng 1 đến nay, lịch trình của cô nàng luôn kín mít với các buổi tiệc liên hoan, từ công việc đến bạn bè. "Cứ mỗi tuần, mình phải tham gia 4 - 5 buổi nhậu. Có tuần căng thẳng, mình còn đi đủ 7 ngày. Đa số là những bữa nhậu với khách hàng hoặc đồng nghiệp, mà mình không thể từ chối được," Thu Hà nói.

Trung bình mỗi bữa nhậu, chi phí của Hà rơi vào khoảng 3 - 4 triệu đồng nếu chia đều với bạn bè. Khi đi cùng khách hàng, số tiền còn có thể cao hơn, dù một phần được công ty hỗ trợ. Tuy nhiên, gánh nặng tài chính vẫn khiến cô gái 26 tuổi áp lực. "Một tháng mình tiêu gần hết lương vào các buổi ăn nhậu. Không đi thì không giữ được mối quan hệ, mà đi thì tài chính cạn kiệt," Thu Hà thở dài.

Ngoài vấn đề chi phí, những cuộc vui bất tận này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của Thu Hà. Anh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đầu đau như búa bổ vào sáng hôm sau, thậm chí phải uống thuốc bổ gan và hỗ trợ tiêu hóa để "sống sót".

"Trước đây, mình tập thể dục thường xuyên, nhưng giờ thì không còn thời gian. Cân nặng mình tăng vọt, bụng bia thấy rõ. Chỉ sợ từ giờ đến Tết còn nhiều tiệc hơn nữa, cứ như "chạy show" vậy, không biết mình có trụ nổi không," cô gái trẻ lo lắng.

Tương tự, từ đầu tháng 12 tới giờ, Mạnh Đức (26 tuổi, nhân viên kinh doanh) thường có từ 2 - 3 cuộc nhậu mỗi tuần. Chuỗi liên hoan, ăn uống triền miên khiến anh tốn kém và mệt mỏi, nhưng lại khó lòng có thể từ chối.

Người trẻ đau đầu vì đi nhậu như "chạy show" dịp cuối năm
Khối lượng công việc lớn cộng thêm chi phí phát sinh cho các buổi tụ tập, nhậu nhẹt, nhiều người trẻ vừa cảm thấy kiệt quệ cả về sức khỏe lẫn tài chính với những buổi tiệc tất niên, tiệc mừng và liên hoan công việc dịp cuối năm

Thức dậy để bắt đầu công việc vào buổi sáng, Mạnh Đức vẫn cảm thấy cơ thể lờ đờ, đầu đau như búa bổ sau cuộc nhậu tối qua. Là một nhân viên kinh doanh, đây là điều thường xuyên xảy ra với anh. Tuy nhiên, càng về cuối năm, Mạnh Đức càng phải đi liên hoan, ăn uống với tần suất dày đặc hơn.

“Với các bữa nhỏ, chi phí khoảng 2 triệu đồng cho 5 - 6 người, chúng mình tự bỏ tiền túi hoặc trích quỹ chung. Khoản này tiêu tốn của mình 3 - 4 triệu đồng/tháng. Còn đi ăn với đối tác và khách hàng, chi phí lớn hơn rất nhiều và hầu như là mình phải toàn tự bỏ tiền túi”, Mạnh Đức nói.

Chàng trai trẻ thừa nhận bản thân thấy kiệt quệ vì nhậu nhẹt liên miên. Tuy nhiên, có nhiều bữa anh không thể từ chối, thậm chí phải là người chủ động mời. Ngoài mệt mỏi, uể oải, gây ảnh hưởng tới ngày làm việc hôm sau, nam nhân viên 26 tuổi này còn bị dị ứng, ngứa ngáy khó chịu. Anh phải dùng thuốc bổ gan, hỗ trợ tiêu hóa nhưng không mấy hiệu quả.

“Từ khi đi làm, mình tăng cân không kiểm soát. Trước đây mình có tập luyện, vóc dáng cũng khá ổn nhưng giờ thì có bụng bia và cảm thấy sức khỏe có dấu hiệu giảm sút vì sử dụng bia, rượu quá nhiều”, Mạnh Đức chia sẻ.

Nghĩ từ giờ đến Tết còn vài sự kiện để tụ tập bạn bè như như tất niên, đám cưới đã được nhận giấy mời... chàng trai trẻ lại thấy áp lực. Đức cho biết sẽ cố gắng hạn chế để vừa có thời gian làm việc, vừa giữ gìn sức khỏe của bản thân.

Khó để từ chối

Huyền Anh (25 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết những ngày cuối năm, cô nàng gần như phải dành toàn bộ thời gian để tham gia các buổi tụ tập với đồng nghiệp và bạn bè.

Cô gái trẻ cho biết mỗi tuần thường tham gia 4 - 5 buổi mỗi tuần, chi phí dao động từ 300.000 - 500.000 đồng cho một lần. "Mình hay bị bạn bè rủ rê, mà từ chối thì không khéo sẽ mất lòng. Có hôm mình đi mà không muốn chút nào, chỉ để giữ hòa khí", Huyền Anh nói.

Với bản tính cả nể, Huyền Anh thường xuyên đồng ý tham gia những buổi tiệc mà bản thân không mấy hứng thú.

"Có khi họ chỉ cần người đi cùng, chứ không nhất thiết phải chia chi phí, nhưng mình vẫn cảm thấy phiền lòng. Càng về cuối năm, lịch tiệc càng dày đặc, mình thực sự thấy mệt mỏi cả về tài chính lẫn sức khỏe", Huyền Anh bày tỏ.

Không chỉ mất thời gian và tiền bạc, những buổi nhậu còn khiến Huyền Anh đối mặt với những vấn đề sức khỏe. Cô thường xuyên bị đau đầu, buồn nôn sau mỗi lần uống rượu bia, chưa kể đến các dấu hiệu khó tiêu và mệt mỏi kéo dài.

Người trẻ đau đầu vì đi nhậu như "chạy show" dịp cuối năm
Việc tiêu thụ rượu bia, tiệc tùng thường xuyên gây ra nhiều tác hại, từ tăng cân, béo phì đến các bệnh lý nghiêm trọng như gan nhiễm mỡ, viêm loét dạ dày hay rối loạn tiêu hóa...

Dù vậy, Huyền Anh vẫn "cắn răng" thừa nhận rằng những buổi liên hoan như thế là cơ hội để cô nàng duy trì và mở rộng các mối quan hệ xã hội. "Mình đang nghĩ đến việc chọn lọc các buổi tiệc thật sự quan trọng để tham gia, thay vì ôm đồm hết mọi lời mời như hiện tại", cô gái trẻ quyết tâm.

Với Nguyễn Đức Anh (28 tuổi), nhân viên ngân hàng, việc tham gia các buổi nhậu cuối năm gần như là "bắt buộc" đối với anh.

"Ngành của mình đòi hỏi xây dựng mối quan hệ rất nhiều, nên mình không thể không đi. Tháng vừa rồi, mình đi nhậu ít nhất 15 buổi, mà đây còn chưa phải là tháng cuối năm," anh nói.

Dù tửu lượng khá tốt, Đức Anh vẫn cảm thấy mệt mỏi và lo lắng về sức khỏe khi phải liên tục sử dụng rượu bia.

"Vui đấy, nhưng ngày hôm sau mình thấy người rã rời, mất tập trung trong công việc. Có hôm bận rộn, mình chẳng có thời gian để nghỉ ngơi, cứ thế cuốn vào vòng xoáy công việc và liên hoan", anh chia sẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên, áp lực từ các buổi liên hoan cuối năm xuất phát từ tâm lý xã hội. Trong văn hóa Việt Nam, các bữa tiệc cuối năm thường được xem là cơ hội để thắt chặt mối quan hệ, từ bạn bè, đồng nghiệp đến đối tác. Tuy nhiên, điều này vô hình chung tạo ra môt "luật" ngầm khiến người trẻ cảm thấy việc tham gia là bắt buộc. Nếu từ chối, các bạn lo sợ bị cô lập hoặc mất cơ hội phát triển sự nghiệp.

Chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra rằng, áp lực tài chính từ các buổi tụ họp này là một yếu tố đáng lo ngại. Các bạn trẻ phải đối mặt với mâu thuẫn nội tâm: tham gia để duy trì mối quan hệ hay từ chối để bảo vệ sức khỏe và "túi tiền". Điều này lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, gây ra căng thẳng và thậm chí là hội chứng kiệt sức.

Ngoài áp lực tài chính và tâm lý, sức khỏe thể chất cũng là vấn đề lớn đối với những người trẻ tham gia tiệc tùng, liên hoan liên tục. Việc tiêu thụ rượu bia, tiệc tùng thường xuyên gây ra nhiều tác hại, từ tăng cân, béo phì đến các bệnh lý nghiêm trọng như gan nhiễm mỡ, viêm loét dạ dày hay rối loạn tiêu hóa...

“Người trẻ thường cho rằng mình còn khỏe nên bỏ qua tác động lâu dài. Tuy nhiên, việc sử dụng rượu bia thường xuyên sẽ làm giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất công việc. Đây là cái giá đắt đỏ mà họ phải trả nếu không biết cách tự bảo vệ mình”, chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên cảnh báo thêm.

Trung Đức
Phiên bản di động