Người lao động chủ động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp

Là công nhân tiêu biểu, trực tiếp tham gia quá trình sản xuất, chị Phùng Thị Hạnh - Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng Công ty May 10 chia sẻ “bí kíp” để người lao động luôn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Công nhân Thủ đô gửi gắm tâm tư trước cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động Lao động ngành bất động sản tăng thu nhập bình quân

Tổng Công ty May 10 tiền thân là các xưởng may quân trang đặt tại chiến khu Việt Bắc được thành lập năm 1946, đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Hiện công ty có 18 đơn vị thành viên, hàng năm xuất khoảng 30 triệu sản phẩm quy chuẩn tới nhiều thị trường khó tính trên thế giới và trong nước, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho trên 12.000 lao động. Đến nay, May 10 luân là điển hình tiêu biểu trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam.

Một trong những yếu tố tạo nên kết quả trên là do công ty luôn xác định chủ động học tập nâng cao trình độ là một nhiệm vụ tiên quyết, xuyên suốt và liên tục, từ lãnh đạo, cán bộ quản lý đến nhân viên nghiệp vụ, công nhân. Tổng Công ty May 10 đi được đến ngày hôm nay, trong bối cảnh ngành dệt may cạnh tranh gay gắt, là do bắt kịp mọi xu hướng, dẫn đầu mọi công nghệ, không ngừng học tập, không ngừng đổi mới.

Tự học, hoàn thiện bản thân là tiên quyết

Người lao động chủ động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp
Chị Phùng Thị Hạnh tham luận tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024 (ảnh: Phạm Mạnh)

Theo chị Hạnh, việc chủ động, thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp sẽ giúp người lao động từng bước đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là

Chia sẻ kỷ niệm những ngày đầu đi làm, chị Hạnh cho biết, năm 2010, khi tròn 18 tuổi bản thân chị rất vui nhưng cũng rất lo lắng và bỡ ngỡ. Là công nhân mới, chưa từng qua trường lớp đào tạo, bản thân chị Hạnh ngưỡng mộ các cô chú anh chị đi trước.

Từ ngưỡng mộ, chị Hạnh tự nhủ, nhất định sẽ phải làm được như thế và hơn thế. Vì thế, chị Hạnh luôn ý thức mình cần phải quan sát và học hỏi mỗi ngày, lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ: Làm thế nào để tăng năng suất, làm thế nào để tay nghề ngày càng nhanh hơn.

Bước đầu, chị Hạnh học hỏi từ đồng nghiệp. Tranh thủ giờ nghỉ ca, người công nhân bé nhỏ học từ các cô chú có thâm niên, chuyền nào có người giỏi, công đoạn nào có người làm tốt hơn là có mặt của cô công nhân Hạnh.

Chị Hạnh học anh chị quản lý chuyền cách bố trí hàng, cách sắp xếp hàng hóa sao cho hợp lý và thuận tiện nhất, đúc rút ra kinh nghiệm cho mình và loại bỏ những thao tác thừa, giúp đẩy nhanh năng suất. Từ những ngày đầu được 200-300 sản phẩm, thì sau 5 tháng chị Hạnh đã may được 700-800 sản phẩm/ngày.

Chưa hài lòng với kết quả đạt được, chị Hạnh cảm thấy mình có thể làm được nhiều hơn thế. Vậy nên, chị Hạnh đã học cách kiểm soát thời gian với mục tiêu năng suất giờ sau phải tăng hơn giờ trước ít nhất 5%. Hơn một năm sau, cô công nhân may đã là người dẫn đầu về năng suất tại đơn vị với 1.400 sản phẩm/ngày, đạt 150% so với đồng nghiệp cùng công đoạn.

Không chỉ làm chủ công đoạn của mình, chị Phùng Thị Hạnh còn đam mê học thêm những công đoạn khác để tay nghề của mình được nâng cao hơn và trở thành thợ điều động có thể ngồi được bất kỳ vị trí nào trong chuyền.

Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, những năm qua, Tổng Công ty May 10 đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, qua đó rút ngắn được thời gian sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhiều thiết bị tự động được sử dụng hiệu quả như hệ thống chuyền treo giúp tăng 30% năng suất, hệ thống máy trải vải tự động, máy cắt tự động, máy lập trình, máy thùa đính tự động… giúp tăng năng suất từ 150% đến 200%. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, người lao động phải chủ động tìm hiểu, đáp ứng và làm chủ được công nghệ mới.

Từ những kết quả đạt được trong lao động, chị Hạnh được tham gia Hội thi thợ giỏi cấp Tổng Công ty và Hội thi thợ giỏi và Ngày hội lao động sáng tạo cấp ngành do Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức. Mỗi lần như vậy, chị Hạnh lại coi là một cơ hội để có thể học hỏi được nhiều cách làm hay, thao tác mới từ những người thợ giỏi nhất trên cả nước.

Người lao động chủ động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp
Nữ công nhân lao động May 10 (ảnh Khắc Kiên)

Với quá trình học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ, đến nay chị Phùng Thị Hạnh luôn là công nhân đạt năng suất và thu nhập cao hàng đầu của Xí nghiệp với 15.000.000đ/tháng, nhiều năm liền đạt lao động giỏi, đoàn viên Công đoàn xuất sắc, danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Công nhân tiêu biểu.

Không chỉ giữ lại cho mình, chị Hạnh cũng chủ động chia sẻ, hướng dẫn và lan tỏa những cách làm hay mà bản thân đúc rút ra được cho bạn bè đồng nghiệp. Mọi người đều rất phấn khởi làm theo và cải thiện được năng suất. Đó chính là cách nữ công nhân thể hiện tình yêu, sự tri ân của mình đối với nơi làm việc và gắn bó suốt những năm qua, và với cả những người đi trước đã truyền nghề.

Từ thực tế công việc của một người lao động trực tiếp, chị Hạnh chia sẻ: “Năng suất lao động nước ta còn có thể nâng cao nhiều hơn nữa, nếu từng doanh nghiệp, từng người lao động luôn nỗ lực hàng ngày. Mỗi công nhân, dù làm những công việc rất bình thường, nhưng phải có mục tiêu, khát vọng và cả lòng tự trọng. Phải thường xuyên học hỏi, trau dồi kỹ năng, tiếp cận làm chủ khoa học công nghệ, hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay. Chỉ khi có nâng cao năng suất, chúng ta mới có cơ hội nâng cao thu nhập, giảm thời giờ làm việc để chăm sóc gia đình, con cái và tái sản xuất sức lao động”.

Hỗ trợ đào tạo, an cư cho lao động mới

Người lao động chủ động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp
Các đại biểu tham gia Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024 (ảnh: Phạm Mạnh)

Tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024, đại diện cho công nhân Dệt May, chị Phùng Thị Hạnh đã có một số ý kiến đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành.

Chị Hạnh kiến nghị cần nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ công tác đào tạo cho các doanh nghiệp sử dụng đông lao động, đặc biệt là lao động mới.

Từ thực tế hoạt động tại Tổng Công ty May 10, chị Hạnh thấy rằng doanh nghiệp có trường mầm non, có trung tâm y tế, có trường cao đẳng nghề may sẽ giúp cho người lao động có đủ điều kiện để phát triển bản thân, yên tâm công tác góp phần tăng năng suất lao động. Vì thế, công nhân mong muốn Chính phủ có các chính sách để nhân rộng mô hình này cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.

Hoa Thành
Phiên bản di động