Vinh danh truyền thống tôn sư trọng đạo tại Văn Từ Thượng Phúc
Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương - “đặc sản” giáo dục Tây Hồ |
Lừng lẫy khoa bảng, danh hương
Huyện Thường Tín (Hà Nội) xưa có tên là Thượng Phúc, được mệnh danh là đất học - đất danh hương.
Các tài liệu Viện Hán Nôm và hệ thống văn bia tại Văn Từ Thượng Phúc cho thấy, Thường Tín là huyện có số lượng khoa bảng nhiều nhất trên địa bàn Hà Nội. Theo một thống kê, đất này có 128 người đỗ đại khoa, trong đó, 2 người đỗ trạng nguyên, 3 người đỗ bảng nhãn, 2 người đỗ thám hoa.
Văn từ Thượng Phúc - một trong những thành công lớn trong bảo tôn các giá trị văn hoá của huyện Thường Tín |
Sử sách ghi lại, Thường Tín là nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, nhiều nhà khoa bảng như: Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Lê Nguyên Kỷ… Để vinh danh truyền thống khoa bảng của vùng đất này, từ hàng trăm năm trước, các bậc tiên hiền đã kiến lập Văn Từ Thượng Phúc.
Sử sách ghi lại, Văn Từ Thượng Phúc do Tiến sĩ Dương Công Độ - người Nhị Khê xây dựng tại xã An Duyên, tổng Tín An (nay thuộc thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín) vào năm Chính Hòa thứ 16 (1695).
Song hành việc xây dựng Văn Từ, Tiến sĩ Dương Công Độ soạn văn, khắc lên bia đá 4 mặt chữ tên tuổi của 75 nhà khoa bảng. Nối tiếp truyền thống, thừa mệnh bản huyện cùng quan triều đình và quan viên qua các thời kỳ đó, Văn Từ Thượng Phúc được tu sửa, có thêm tòa nội đường từ vũ, tiền đường, khắc thêm phần bia ký của các bậc hiền tài tiếp theo.
Các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín |
Theo các sách cổ miêu tả, Văn Từ Thượng Phúc có mái che rất đẹp và có người trông coi, nơi này cũng là trường học của huyện. Tuy nhiên, khuôn viên Văn Từ nhỏ hẹp, lại ở nơi heo hút nên lễ hội thường vắng vẻ. Thêm nữa ở nơi đất thấp, cuối mùa thu hay lụt lội nên việc tế lễ thường không đúng kỳ.
Đến năm Tân Mùi (1811), tường Văn Từ bị nước lũ cuốn trôi. Năm Nhâm Thân (1812), Hội Tư Văn của Văn Từ Thượng Phúc bàn tính, dời chuyển đồ thờ tự, văn bia… về thôn Văn Hội, xã Văn Giáp, huyện Thượng Phúc (nay là thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín) rồi dựng lại khu Văn Từ tráng lệ, uy nghi hơn...
Trải qua thăng trầm của lịch sử, biến thiên của thời gian, Văn Từ Thượng Phúc từng bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử của mảnh đất khoa bảng, địa linh nhân kiệt, năm 2018, huyện Thường Tín tổ chức khảo sát, nghiên cứu về nguồn gốc Văn Từ, qua đó khẳng định rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa nơi đây.
Tôn vinh đạo học
Nhiều năm qua, Thường Tín đã coi văn hóa là gốc, là nguồn lực nội sinh thúc đẩy phát triển. Với niềm tự hào về truyền thống khoa bảng của quê hương, lãnh đạo huyện Thường Tín không khỏi trăn trở khi Văn Từ Thượng Phúc bị xuống cấp, kiến trúc, quy mô nhỏ hẹp không xứng tầm là nơi tôn vinh giáo dục, truyền thống hiếu học của huyện. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy khóa XXIII (2015 - 2020) đã ra nghị quyết xã hội hóa việc “Đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc”.
Dự án Văn Từ Thượng Phúc được hình thành, tổng diện tích 3.516m2, trong đó diện tích xây dựng công trình 622m2; cây xanh, thảm cỏ, mặt nước 1.433m2, đất giao thông 1.463m2. Các hạng mục công trình gồm: Nhà Văn Từ, nhà khách, nhà đón tiếp, hồ sen, sân vườn, tường rào và một số hạng mục khác...
Mô phỏng thầy đồ Nguyễn Phi Khanh đang ngồi dạy học. |
Ngày 24/11/2019, dự án được khởi công, sau hơn một năm thi công, công trình được đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư cho dự án là gần 50 tỷ đồng với 100% nguồn vốn xã hội hóa.
Từ khi hoàn thành tới nay, Văn Từ Thượng Phúc trở thành biểu tượng tôn vinh đạo học, truyền thống tôn sư trọng đạo của huyện Thường Tín.
Cụ thể, Văn Từ Thượng Phúc hiện còn lưu giữ văn bia khắc tên các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín xưa, trong đó có Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh, Đệ nhị giáp khoa Tiến sĩ Lý Tử Tấn, các nhà khoa bảng Dương Trực Nguyên, Trần Trọng Liêu, Ngô Hoan, Nguyễn Ý, Dương Công Độ, Ứng Ngạn Lượng, Vũ Đức Chinh, Nguyễn Trác, Doãn Hoành Tuấn, Dương Hạng, Doãn Mậu Khôi, cử nhân nho học – nhà yêu nước Lương Văn Can...
Đây là những bậc hiền tài không chỉ của Thường Tín, của Thủ đô Hà Nội mà còn là của cả nước, đã ghi danh lịch sử và có những đóng góp to lớn về việc phát triển văn hóa - giáo dục trong các triều đại phong kiến tại Việt Nam.
Sỹ tử tại trường thi |
Đáng chú ý, tại khu tả vu, các nhà thiết kế đã khéo léo tái hiện việc dạy học, thi cử thời xưa. Đó là tượng thầy đồ Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) đang ngồi dạy học, tay cầm thước tre và phía dưới có bàn học tre.
Cạnh đó, cụ Lý Tử Tấn ngồi từ trên cao đang ngồi trông thi, phía dưới là sĩ tử với bút lông, nghiên mực đang chăm chỉ làm bài. Trong không gian mô phỏng còn xuất hiện hình ảnh Tiến sĩ Ngô Hoan, lúc thảnh thơi đang ngồi uống trà bình thơ.
Cùng với nhiều hoạt động văn hóa, người dân Thường Tín chọn ngày mùng 9 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm tổ chức Lễ hội khai bút tại Văn Từ Thượng Phúc.
Trong năm, vào các dịp thi cử, vinh danh, báo công... rất đông đảo giáo viên, học sinh của Thường Tín và địa phương lân cận tìm đến Văn Từ Thượng Phúc để tri ân các bậc tiên hiền. Điều này càng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Văn Từ trong việc tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.