Công nhân Thủ đô gửi gắm tâm tư trước cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội sắp đối thoại với công nhân |
Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và công nhân
Trong sự phát triển chung của thành phố Hà Nội, lực lượng công nhân, người lao động luôn được đánh giá đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì thế, Hà Nội luôn dành cho lực lượng công nhân, người lao động sự quan tâm đặc biệt.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn |
Thực tế, với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia; là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, số công nhân lao động đông, hiện nay, Hà Nội có trên 270.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song cùng với sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cùng với sự ủng hộ, đồng hành, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong đó có đội ngũ công nhân lao động Thủ đô.
Nhờ đó, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP thời gian qua vẫn giữ được ổn định; số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công có xu hướng giảm mạnh. Việc thực hiện cơ chế ba bên giữa Công đoàn - Người sử dụng lao động - Người lao động như: đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở…ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn.
Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố thời gian qua vẫn giữ được ổn định |
Đáng chú ý, các thiết chế về Hội đồng quan hệ lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động Thành phố đã được thành lập và hoạt động hiệu quả; vai trò đại diện, tham gia quản lý của tổ chức Công đoàn các cấp được khẳng định. Từ đó góp phần vào xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn Thành phố.
Với tinh thần nỗ lực vượt khó; tuy sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, song đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần tạo cho doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Đặc biệt, ngày 12/6/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; theo đó từ ngày 01/01/2023 mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ 6%; điều này đã hỗ trợ công nhân lao động giảm bớt những khó khăn hơn.
Hàng loạt mong mỏi của lực lượng công nhân
Ghi nhận của phóng viên, trước Hội nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với công nhân vào ngày 23/5, người lao động đều bày tỏ sự vui mừng, chờ mong. Được biết, Ban tổ chức đã tiếp nhận trên 600 ý kiến gửi gắm, kiến nghị gửi về từ các đại biểu công nhân lao động và Công đoàn cơ sở.
Tổng hợp hơn 600 ý kiến, có thể thấy người lao động đặc biệt quan tâm mong muốn thành phố sớm có cơ chế chính sách, để công nhân lao động được thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân với các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và giá cả phù hợp với thu nhập của người lao động hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã đến thăm, tặng quà, trao hỗ trợ cho lao động nữ |
Được biết, Hà Nội hiện có 10 Khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc; với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%). Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, đó vẫn là yêu cầu bức xúc hiện nay của đoàn viên, người lao động; công nhân lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.
Hiện nay, Thành phố có 3 Khu công nghiệp là: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động.
Các Khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân; do vậy khoảng trên 80% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...
Liên đoàn lao động thành phố quan tâm đến đời sống của công nhân, người lao động |
Đáng lưu ý nữa, công nhân lao động Khu công nghiệp Thăng Long đề nghị thành phố sửa chữa nâng cấp 9 khu nhà ở công nhân, tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, để đảm bảo điều kiện sinh hoạt và an toàn cho công nhân thuê trọ.
Về vấn đề đời sống, việc làm, công nhân lao động mong muốn được đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà trẻ, trường học, trạm y tế phục vụ công nhân lao động trong các Khu công nghiệp và chế xuất. Con công nhân lao động có hộ khẩu tạm trú được học tập ở các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, đặc biệt là cấp trung học phổ thông. Công nhân mong muốn được khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế ở các cơ sở y tế công lập vào ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính.
Cùng đó, công nhân lao động đề nghị thành phố kiến nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng lao động trực tiếp; tăng quyền lợi để thu hút người lao động tham gia và giảm số người rút bảo hiểm xã hội một lần. Thành phố có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trong khu công nghiệp và xung quanh các khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long, Quang Minh, Nội Bài.
Công nhân lao động Thủ đô cũng mong muốn được hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề, đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp 4.0; các suất học nghề miễn, giảm học phí cho người lao động tiếp cận được thuận lợi hơn, nhằm có hành trang tốt nhất để ổn định công việc, nâng cao thu nhập và không bị đào thải trong tương lai.