Kỳ vọng vào Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát triển mô hình TOD

Xây dựng mô hình giao thông TOD (Transit Oriented Development) là một trong những chủ trương của TP Hà Nội nhằm giải quyết những bất cập về giao thông. Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa thông qua tạo động lực mạnh mẽ để thành phố phát triển đường sắt đô thị.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - giải pháp giúp Hà Nội thực hiện TOD Bài 3. Mạng lưới đường sắt đô thị giải quyết triệt để ùn tắc giao thông Bài 2. Tháo gỡ vướng mắc về khung pháp lý, thể chế

Chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị, qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng, tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.

Theo ông Đặng Huy Đông – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, theo kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Hà Nội và TP HCM phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm. Đến năm 2035, mỗi thành phố hoàn thành 200 km đường sắt đô thị.

Để đạt mục tiêu trên, ông Đông nhấn mạnh: “Bắt buộc phải phát triển mô hình TOD”. Bởi lẽ, theo chuyên gia này phân tích, mô hình TOD là phát triển đô thị theo sự dẫn dắt của giao thông công cộng, tức giao thông đi đến đâu, đô thị phát triển đến đó.

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa thông qua quy định một số nội dung lớn có tính nguyên tắc làm cơ sở để thành phố Hà Nội có thể phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.

Kỳ vọng vào Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát triển mô hình TOD

Các quốc gia phát triển đã áp dụng mô hình TOD trong giao thông công cộng

Theo đó, trong khu vực TOD, UBND thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô.

Luật cũng xác định việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, với một số chính sách đặc thù như phân quyền cho HĐND thành phố trong việc quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD; quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập; giao UBND thành phố được quyết định lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị của thành phố.

Như vậy, các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) đặt ra các nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng và triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, mà ưu tiên trước mắt là hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian, thủ tục tối đa cho việc xác định các quy hoạch có liên quan; quyết định chủ trương đầu tư, khai thác có hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị và các khu vực TOD.

Điều này sẽ bảo đảm mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố vào năm 2035 được nêu tại Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Hài hòa hợp tác công - tư

TS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam chia sẻ với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, để Hà Nội phát triển theo mô hình TOD thì có 2 vấn đề. Thứ nhất là TP có thể có thể phát huy tối đa lợi thế của mô hình hợp tác công tư trong việc huy động các nguồn tài chính để đầu tư cho phát triển các khu vực mà theo mô hình TOD.

Thứ hai là, khi phát triển và đưa vào khai thác những khu vực đó, thành phố Hà Nội phải có cơ chế rõ ràng. “Các nhà đầu tư tư nhân có được quyền tham gia phát triển mô hình TOD và họ được hưởng lợi từ đó thì họ mới đầu tư. Nhưng sau đó, khi đưa vào khai thác, chúng ta phải làm sao cho đại bộ phận công chúng đều nhận ra rằng, đó là không gian công cộng chứ không phải là sở hữu riêng của các nhà đầu tư và họ được quyền sử dụng tùy ý.

Không gian này phải dành cho cộng đồng, chính quyền được quyền quản lý việc khai thác và sử dụng những không gian đó. Khi hài hòa về cơ chế thì ở khía cạnh kinh tế, chúng ta áp dụng mô hình hợp tác công tư thành công, còn về mặt khai thác sử dụng thì phải phục vụ cho cộng đồng” – chuyên gia này nói.

Kỳ vọng vào Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát triển mô hình TOD

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, để tạo đột phá về giao thông, các đô thị lớn cần xây dựng chính sách đặc thù. Hiện nay TP. Hồ Chí Minh đã có Nghị quyết riêng (98/2023/QH15). Thủ đô Hà Nội cũng thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) trong đó có đặc thù về phát triển giao thông. Từ các chính sách đặc thù được xác định thì cần đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật do cấp tỉnh ban hành để cụ thể hóa.

Bên cạnh đó, trong phát triển giao thông, định hướng là phát triển đồng bộ, ưu tiên giao thông công cộng với loại hình vận tải là khối lượng lớn và trung bình, nhiều đô thị lớn đang xác định trọng tâm là phát triển đường sắt đô thị. Đây là xu thế khoa học, song rất cần xây dựng hệ thống kỹ thuật đặc thù để gắn với ứng dụng phù hợp thực tế từng đô thị, nhất là khi áp dụng mô hình TOD.

Thái Sơn
Phiên bản di động