Người "chở chữ" cho đời bằng cả tâm huyết và sáng tạo
Xét duyệt chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2023 Ươm mầm để phong trào thi đua ái quốc xanh mãi |
Mới đây, cô giáo Lê Thị Na Sa, giáo viên trường Tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội vinh dự đại diện cho giáo viên ngành Giáo dục quận Ba Đình tham gia báo cáo tại Hội đồng xét duyệt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo lần thứ VII năm 2023 do Sở giáo dục Hà Nội tổ chức.
Ngưỡng mộ cha nên quyết tâm theo nghề
Từ bao lâu nay, nghề nhà giáo vẫn luôn được coi là một trong những nghề cao quý nhất. Bởi lẽ, trong việc vun đắp tâm hồn, nhân cách và trí tuệ cho trẻ thơ, thầy cô không chỉ gánh vác trên vai nghiệp "chở chữ" mà còn gánh cả trách nhiệm "trồng người".
Cô giáo Lê Thị Na Sa - Giáo viên trường Tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội vinh dự đại diện Giáo viên quận Ba Đình tham dự Chung khảo Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo. |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha là giáo viên môn Ngữ văn, cô Lê Thị Na Sa bồi hồi chia sẻ: "Hình ảnh của người cha đứng trên bục giảng và hình ảnh thầy cô giáo được nhiều học trò yêu quý khiến tôi ngưỡng mộ vô cùng. Không biết tự bao giờ, trong tôi đã nhen nhóm ước mơ trở thành cô giáo".
Là một giáo viên dạy học sinh cấp Tiểu học, điều cô Sa mong muốn là được nhìn thấy nụ cười của học sinh mỗi ngày đến lớp. Mỗi ngày cô luôn cố gắng dạy học trò biết thêm những điều hay, lẽ phải. Với cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết này, nhận được sự tin yêu mà phụ huynh trao gửi con, các trò đi học yêu cô, yêu lớp, thích đi học chính là niềm hạnh phúc nhất. Đây cũng là động lực để cô Na Sa luôn cố gắng học hỏi và phấn đấu.
"Tôi nhận thức được, khi có trình độ, năng lực chuyên môn tốt, người giáo viên sẽ dễ dàng truyền đạt được đến học sinh những nhận thức", cô nói. Thấu hiểu điều đó, ngay từ những ngày đầu về trường, cô Na Sa luôn cố gắng tìm đáp án cho câu hỏi cần làm gì cho học sinh, ngôi trường mình gắn bó.
Theo đó, trong chương trình GDPT 2018 hiện nay, với lợi thế về công nghệ thông tin cô Na Sa luôn lồng ghép các phương pháp dạy học tích cực vào trong giảng dạy để học sinh được chủ động nắm bắt khám phá kiến thức. Trong mỗi tiết học, cô Na Sa đứng lớp bằng những lời giảng dí dỏm, câu chuyện hài hước, độc đáo để bầu không khí lớp học luôn vui vẻ; Kịp thời khen ngợi, động viên khuyến khích học sinh qua lời nói, hành động, thưởng sticker... Cuối tuần, với số sticker học sinh tích luỹ sẽ là những phần quà được quy đổi. Đồng thời, cô Na Sa chú trọng vào việc phát triển nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho trẻ. Với cô, chỉ khi có tâm trạng, tình cảm và cảm xúc tốt, học sinh mới có thể phát huy được năng lực của mình.
Với lợi thế về công nghệ thông tin cô Na Sa luôn lồng ghép các phương pháp dạy học tích cực vào trong giảng dạy để học sinh được chủ động nắm bắt khám phá kiến thức. |
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, cô Na Sa cho biết, trường Tiểu học Nghĩa Dũng là nơi có nhiều học sinh với những hoàn cảnh đặc biệt. Đứng trước những hoàn cảnh éo le đó, cô mong muốn được sẻ chia, hỗ trợ và nâng bước cho học trò từ những điều nhỏ nhất.
Cô Trương Thị Hiền Hoà - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Dũng cho biết: "Ban giám hiệu nhà trường luôn đánh giá Na Sa là một cô giáo có lòng yêu nghề, mến trẻ. Na Sa có chuyên môn vững, nhiều tiềm năng sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết".
Với cương vị là một Khối trưởng chuyên môn, Chủ tịch công đoàn nhà trường, cô Na Sa cũng là người gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động và là chỗ dựa tin cậy cho bạn bè và đồng nghiệp.
"Trong các tiết dạy, cô giáo Lê Thị Na Sa luôn thay đổi các hình thức và phương pháp dạy học nhằm lôi cuốn học sinh tham gia để tránh gây nhàm chán, đặc biệt cô áp dụng tốt phương pháp dạy học “Học thông qua chơi”, một phương pháp nhằm phát huy hết những năng lực và phẩm chất của học trò. Thông qua các trò chơi, học sinh chủ động tìm hiểu và nắm bắt kiến thức một cách chủ động dưới sự hướng dẫn của cô. Ở mỗi tiết học, sự tương tác giữa cô và trò diễn ra một cách tự nhiên, thoải mái. Chính vì vậy học sinh luôn cảm thấy việc học tập rất nhẹ nhàng, là niềm vui khi mỗi ngày đến trường", cô Hiền Hoà bày tỏ.
Trong 14 năm công tác tại trường, cô Lê Thị Na Sa đã xuất sắc khi mang về nhiều giải thưởng cá nhân cao quý, cụ thể: Sáng kiến kinh nghiệm loại B cấp Thành phố năm học 2020 - 2021; Giải Nhì cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm dạy học cấp Thành phố năm học 2020 – 2021; Giải Nhất cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning” cấp Quận năm học 2020 - 2021; Giải Xuất sắc cuộc thi “Nhà giáo Ba Đình tâm huyết, sáng tạo lần thứ 7” năm học 2022 – 2023; Đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở năm học 2021-2022... và rất nhiều giải thưởng cao quý khác.
Ban giám hiệu nhà trường luôn đánh giá cô giáo Lê Thị Na Sa là một người có lòng yêu nghề, mến trẻ, có chuyên môn vững, nhiều tiềm năng sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết. |
Phụ huynh yên tâm khi giao phó con nhỏ
Là phụ huynh ai cũng muốn con mình được học tập, rèn luyện trong một môi trường tốt, chất lượng, môi trường mà ở đó có sự dìu dắt tận tâm từ giáo viên. Bởi khi đến trường “cô giáo như mẹ hiền”. Với học sinh, cô giáo giống như tấm gương để noi theo, một “suối nguồn yêu thương” dạt dào và là một người bạn đồng hành cùng học trò trên con đường nhìn ra thế giới.
Có dịp trò chuyện cùng phụ huynh của lớp 2A2 (lớp học cô Na Sa làm chủ nhiệm), chị Nguyễn Thanh Tú (sống ở Nghĩa Dũng, Hà Nội) đã có những chia sẻ đầy ấn tượng và đặt trọn niềm tin vào nữ giáo viên xuất sắc này.
Là phụ huynh có 3 con là anh em sinh 3 đang theo học trong lớp cô Na Sa, chị Tú bộc bạch nói: "Cô Sa là một người giáo viên tận tâm và vô cùng tình cảm với các con. Với phụ huynh, cô luôn tận tình trao đổi để kết hợp chặt chẽ về tình hình học tập, kỉ luật của các con. Nhiều khi con hơi sa sút mà cô còn lo lắng cho con hơn cả phụ huynh. Cô nhắn tin thúc giục phụ bám sát và động viên con để học lực con được ổn định trở lại".
Cô Na Sa được phụ huynh đánh giá là một người giáo viên tận tâm và vô cùng tình cảm với học sinh |
Cô Sa nhận được sự tin tưởng của phụ huynh không chỉ ở sự dịu dàng, quan tâm của người nhà giáo mà còn ở phương pháp dạy học sáng tạo và gần gũi. Với cô Sa, tận tâm, bám sát học sinh để không ai bị thụt lại phía sau chính là tôn chỉ của nữ giáo viên này.
Năm học này được cô Sa đón lớp, chị Tú đã nhận thấy rõ sự thay đổi của các con. "Con biết thể hiện tình cảm ra bên ngoài nhiều hơn. Việc cô xen kẽ giữa học và thực hành đã khiến các con tự lập rất tốt. Khuyến khích các con trải nghiệm nhiều hoạt động, 3 cháu ở nhà tôi tự giác đi gấp quần áo, dọn dẹp bàn học và vào bếp cùng mẹ... Có lẽ đã rất lâu rồi, tôi mới gặp được 1 người giáo có tâm, thực sự nhiệt huyết và yêu thương các học trò như cô Sa".
Một tiết học đầy ý nghĩa với phương pháp "Học thông qua chơi" của học sinh lớp 2A2 do cô Na Sa đứng lớp |
Cùng quan điểm với chị Thanh Tú, chị Nguyễn Hậu (sống ở quận Ba Đình, Hà Nội) - Phụ huynh có 2 con đang theo học dưới sự dìu dắt của cô giáo Na Sa cũng có chia sẻ: "Cách giảng dạy sáng tạo của cô Na Sa khiến học sinh hiểu bài nhanh và hứng thú trong giờ học. Ngoài kiến thức cơ bản, cô còn trau dồi cho học sinh những kiến thức nâng cao, kỹ năng sống và những bài học thực tế". Điều này khiến chị Hậu rất yên tâm khi giao con trẻ.
Đang ở độ tuổi chín muồi về sự nghiệp, những thành tích mà cô Lê Thị Na Sa gặt hái được chắc chắn sẽ không dừng lại. Trong năm học này và những năm học tiếp theo, cô Na Sa cho biết sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thêm nhiều biện pháp nhằm phát triển chỉ số EQ – Trí tuệ cảm xúc cho học sinh, lồng ghép cùng các bài học và chia sẻ với các bạn bè đồng nghiệp.
Học sinh lớp 2A2 hào hứng trong mỗi tiết đứng lớp của cô giáo Lê Thị Na Sa |
Thời gian tới, người giáo viên đầy nhiệt huyết này cho biết sẽ tiếp tục cố gắng là người truyền lửa cho đồng nghiệp và các thế hệ học sinh, là bông hoa tươi sắc góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp mà mái trường Tiểu học Nghĩa Dũng đang thực hiện; Đáp ứng với việc truyền dạy văn hóa truyền thống, khơi dậy và thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết của giáo viên trong giai đoạn hiện nay.
Giải thưởng Nhà giáo tâm huyết sáng tạo năm 2023 nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học có nhiều đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; Khích lệ các nhà giáo tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả, chuyển biến mới ở mỗi nhà trường. Đồng thời, quan tâm, động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, giúp đỡ những học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu phát triển tài năng; góp phần xây dựng đơn vị và ngành giáo dục Thủ đô ngày càng vững mạnh. |