Người trẻ quay trở lại với xu hướng sống tối giản
Người trẻ đang quan tâm tới những xu hướng làm việc nào? |
Khi nhắc đến từ khóa “tối giản”, điều đầu tiên bật ra trong đầu của nhiều người là thiết kế căn phòng, không gian sống bằng những bức tường trắng, trơn và đồ nội thất màu trung tính. Nó cũng gợi nhắc đến đất nước Nhật Bản, quốc gia Đông Á nổi tiếng với những triết lý sống tối giản, hay hành động vứt bỏ vô số đồ đạc để duy trì không gian sống gần như chẳng còn gì.
Nhưng thực chất, lối sống tối giản còn nhiều ý nghĩa hơn thế. Không chỉ dừng lại ở cách sắp xếp và bày trí nhà cửa, sự tối giản còn được thể hiện ở mọi khía cạnh đời sống, từ gia đình, công việc, mối quan hệ cho đến tinh thần.
Giữa cuộc sống bộn bề và xô bồ ở thành thị, nhiều người trẻ tìm đến sự tối giản như một cách trút bỏ những áp lực vô hình đang đè nặng trên vai, từ đó có thể sống hạnh phúc, trọn vẹn và theo cách riêng của họ.
Tối giản trong suy nghĩ
Người trẻ hiện đại được xem là thế hệ dễ bị áp lực bủa vây, từ gia đình, công việc cho đến các mối quan hệ. Để đáp ứng kỳ vọng xã hội, họ dành nhiều thời gian bận tâm nên mua gì, ăn gì hay mặc ra sao, hoặc phải chứng minh bản thân thành công hơn người khác. Đến một thời điểm, cuộc sống thiếu cân bằng sẽ khiến người trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức và bỏ quên bản thân.
Lối sống tối giản đang trở thành phương pháp "chữa lành" của nhiều người trẻ |
Lê Thu Hà (25, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) nằm trong số đó. Trước đây, cô gái trẻ từng cố gắng chạy theo hình mẫu mà xã hội hiện đại khắc họa về một phụ nữ thành công, từ cách ăn mặc cho đến thói quen chi tiêu.
Nhưng khi cuộc sống ngày càng bận rộn, cô phải đảm nhiệm nhiều vai trò hơn - vừa là một người chị gánh vác trọng trách hỗ trợ kinh tế cho gia đình, vừa là con dâu trưởng, lại vừa phải là một gen Z nhiệt huyết trong công việc. Dần dần, Thu Hà cảm thấy kiệt sức.
“Mình nhận thấy mình cần thay đổi. Sau đó, nhờ thực hành lối sống tối giản thường xuyên, mình xây dựng lại một lối sống đúng gu của mình, hạnh phúc và đủ đầy hơn”, cô chia sẻ.
Về trang phục, cô gái trẻ không còn ưu tiên chạy theo trào lưu, xu hướng. Thu Hà chuyển sang hình thức mua quần áo second-hand, vừa để tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, cô đem tặng hoặc từ thiện những món đồ không còn sử dụng thường xuyên.
Đối với đồ nội thất hay sản phẩm công nghệ, cô ưu tiên độ bền lâu. Theo Thu Hà, sản phẩm chất lượng cao là khoản đầu tư xứng đáng, hạn chế việc phải sửa hoặc thay mới nhiều lần. Bên cạnh đó, cô hình thành thói quen lên danh sách mua sắm, tính toán khoản chi dựa trên nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, phong cách chi tiêu không phải sự thay đổi lớn nhất kể từ khi Thu Hà thực hành lối sống ít phụ thuộc vào vật chất. Nó còn được thể hiện qua cách cô thu hẹp vòng tròn xã hội. Cô gái 25 tuổi gói gọn mối quan hệ trong gia đình và vài người bạn luôn sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu mọi tâm tư.
Thu Hà hạnh phúc hơn khi lựa chọn lối sống tối giản |
Thu Hà cho biết điều này không đồng nghĩa cô lập xã hội và cắt đứt mối quan hệ, mà dành tâm sức nhiều hơn cho những người quan trọng, thân thiết.
Sự “tối giản cảm xúc” đang được một số người trẻ đón nhận và trở thành trào lưu thời gian gần đây. Họ không muốn dành quá nhiều thời gian cho những mối quan hệ vô nghĩa và cảm xúc tiêu cực. Nếu mối quan hệ không đủ thân thiết hoặc trở nên độc hại, họ sẵn sàng kết thúc. Nếu nơi sống không mang lại niềm vui, họ chuyển tới nơi khác.
Trưởng thành trong thời đại Internet cũng không phải điều dễ dàng đối với thế hệ trẻ. Những hình ảnh lung linh, câu chuyện thành công của các tài khoản mạng dễ dàng kích hoạt cảm giác ghen tỵ, khiến người xem cảm thấy thua kém. Do đó, để hạn chế tương tác không cần thiết hoặc tránh xa nguồn gây xao nhãng, một số nói “không” với điện thoại thông minh hoặc mạng xã hội.
Tự làm chủ cuộc sống
Bắt đầu lối sống tối giản hơn một năm nay, Thế Anh (27 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết bản thân đã thực sự thoải mái, bớt áp lực hơn khi theo đuổi lối sống này.
“Có một câu hát mà hiện tại mình rất tâm đắc đó là: “Lớn lên từ nhiều va vấp, mà đã vấp và va thì phải trầy”. Vậy nên mình nghĩ rằng nếu càng nghĩ nhiều quá sẽ càng mệt mỏi hơn.
Thay vì đổ thừa cho người khác thì tự mình rút kinh nghiệm để đạt được mục tiêu mình mong muốn. Mỗi người chỉ nên so sánh bản thân với chính mình ngày hôm trước thay vì so sánh với cuộc đời người khác”, Thế Anh bày tỏ.
Cũng theo Thế Anh, việc thế giới xung quanh "tròn méo" như thế nào là do mình quyết định và nhìn nhận. Nếu bản thân đủ tích cực, biết yêu thương, bớt suy diễn, sân si thì cuộc sống sẽ vui vẻ thôi. Quan trọng rằng mỗi người cần biết tự làm chủ cuộc sống của mình.
"Mình không phải là một gen Z thuần sống tối giản, nhưng vẫn đang tập tành tối giản trước hết trong tiêu dùng. Mình chỉ mua những thứ thật sự cần thiết chứ không phải tất cả những gì mình thích. Dần dần mình cũng đã thoát khỏi áp lực tài chính vì không còn chi tiêu quá mạnh tay như trước”, Thế Anh chia sẻ về cách thực hiện lối sống tối giản của mình.
Thế Anh cho rằng tự làm chủ bản thân sẽ là chìa khóa để người trẻ có một cuộc sống dễ chịu hơn |
Một trong những áp lực mà giới trẻ đang phải đối mặt trong thời điểm hiện tại chính là cuộc khủng hoảng tinh thần vì "bão giá" đang len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống. "Cú sốc đầu đời” này của nhiều gen Z khiến họ phải xoay sở nhiều hơn nếu muốn tiếp tục theo đuổi những mục tiêu của bản thân.
Trước khi chuyển về quê chọn cuộc sống tối giản, Thanh Tú (26 tuổi) là người có bản tính hướng ngoại. Thế nhưng sau quyết định này, cô gái trẻ đã cân bằng thêm sự hướng nội nhờ vào cách thay đổi môi trường sống.
Công việc hiện tại của Thanh Tú là một freelancer với thu nhập không cố định nhưng ở mức khá. Khi sống tại Hà Nội, cô gái trẻ ở trong một căn hộ tuy đi thuê nhưng tiện nghi và sạch sẽ. Mức lương đủ chi trả cho tiền ăn, chi phí sinh hoạt và các mối quan hệ xã hội và để dư được khoảng 1/3 thu nhập.
Sau khi rời Hà Nội về quê sống, dù mức lương không khác hoặc có giảm nhưng không quá nhiều thì phần chi tiêu lại có sự thay đổi lớn. Về quê sống, Thanh Tú không mất tiền nhà, tiền ăn uống giảm hẳn một nửa. Ngoài ra không phát sinh thêm bất cứ chi phí nào khác.
Lúc này nhẩm tính tiền chi tiêu của mình, cô gái 26 tuổi cho biết chỉ mất khoảng 1/5 tiền lương. Không những thế số tiền đáng ra dùng để trả thuê nhà hàng tháng ở Hà Nội còn được dành để sử dụng để biếu người thân trong gia đình.
“Mình cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại và lối sống tối giản mình hướng tới. Không còn những cuộc vui vô thưởng vô phạt hay “lao đầu” săn hàng hiệu, mình cảm thấy bản thân thoải mái hơn rất nhiều trong vấn đề chi tiêu”, Thanh Tú chia sẻ.