Người "giữ lửa" nghề truyền thống ở làng Phú Thượng

Đến Phú Thượng vào một ngày thu, chúng tôi may mắn được gặp một trong những người nấu xôi lâu năm trong làng. Đó là bà Nguyễn Thị Tuyết, người đã hơn 30 năm bền bỉ giữ nghề nấu xôi truyền thống.

30 năm gắn với nghề truyền thống

Làng xôi Phú Thượng thuộc quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Đây là một ngôi làng cổ lâu đời có nhiều nét văn hoá độc đáo. Đối với người Hà Nội, xôi Phú Thượng đã trở nên thân thuộc và có vị riêng. Chỉ cần nhìn hạt xôi căng mọng, dẻo với mùi thơm đặc trưng là họ có thể nhận ra nguồn gốc của món xôi truyền thống này.

Người

Xôi Phú Thượng – món quà dẻo thơm mỗi sáng của người dân Hà Nội

Người dân trong làng cũng có thể xem là các nghệ nhân khéo léo trong làm xôi và gìn giữ bí quyết nấu xôi truyền thống. Có hơn 30 năm gắn bó với việc nấu xôi, bà Nguyễn Thị Tuyết đã kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên sống trọn với nghề của làng.

Người
Bác Tuyết - một chủ hàng xôi ở làng Phú Thượng đang chia sẻ cho chúng tôi về nghề truyền thống của làng

Sinh ra ở Phú Thượng, bà Tuyết được tiếp xúc với mùi nếp thơm từ bé. “Gia đình làm nghề nấu xôi mà nên kỹ năng nấu xôi dần trở thành bản năng của tôi. Hồi nhỏ, mỗi lần phụ giúp ông bà, bố mẹ nấu xôi, tôi vui lắm, hơi cực một chút nhưng nhìn mọi người thích thú khi ăn rồi quay lại mua nhiều thì cảm thấy rất hạnh phúc. Có lẽ đó là lý do mà dù nhiều năm trôi qua, gia đình tôi vẫn giữ nghề đến bây giờ” - bà nói.

Lớn dần, mỗi người trong gia đình một nghề, nhưng bà Nguyễn Thị Tuyết vẫn chọn gắn bó với nghề truyền thống của gia đình, của dòng họ. Ngày qua ngày, người phụ nữ này vẫn dậy từ 3 giờ sáng để nấu xôi và tự mang bán ở cổng dốc Nguyễn Tiệp, Ngọc Hà. Mỗi buổi chợ, bà bán 5 - 7 loại xôi. Ngoài ra, bà còn nhận hàng đặt cho các hội nghị, liên hoan, cỗ cưới…

“Được biết, quán xôi của bà Tuyết có nhiều loại như: xôi xéo, xôi đỗ, xôi lạc, xôi dừa... Có những khách đi lễ, đi chùa họ mua đến cả trăm nghìn, họ mang cả phích, cả nồi đi để đựng xôi rồi đong ra để cúng, thắp hương. Mọi người yêu thích như vậy khiến tôi có thêm động lực để duy trì nghề này" - bà nói.

Bí quyết gia truyền qua từng thế hệ

Nói đến bí quyết gia truyền, bà Tuyết chia sẻ, muốn có xôi ngon, người nấu xôi Phú Thượng thường lựa chọn kĩ nguyên liệu như gạo nếp, đỗ xanh, đậu phộng, gấc. Mỗi món xôi có kỹ thuật riêng biệt từ chọn gạo, phối trộn nguyên liệu, chỉnh lửa lúc nấu, ngâm gạo sao cho không bị nát. Chọn gạo buộc phải là gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy, đều; gấc chọn những quả có màu đỏ tươi, vỏ mỏng, gai nhỏ, đều và thưa. Đối với món xôi lạc, cần lựa chọn những hạt lạc có lớp vỏ ngoài sáng, không bị mối mọt, có nhiều nếp nhăn thì sẽ ngon hơn.

Người "giữ lửa" nghề truyền thống ở làng Phú Thượng
Mỗi ngày, bà Tuyết bán hết 5-7 loại xôi.

Công đoạn cuối cùng là đưa gạo vào nồi nấu lên thành xôi. Trước khi cho gạo vào nồi, bà Tuyết lưu ý, cần phải đun sôi một lượng nước nhất định. Khi sôi nước, sẽ mang bọc gạo cho vào trong nồi để hấp cách thủy trong một thời gian dài. Những vật dụng dùng trong nấu xôi, hấp xôi cũng được coi là "gia truyền" của nhà bà Tuyết.

“Đặc biệt, xôi phải được nấu hai lửa. Đây chính bí quyết thức gia truyền của gia đình tôi. Chiều hôm trước, tôi nấu một lần, sáng hôm sau sẽ nấu lại lần nữa. Xôi được nấu qua hai lửa thì để từ sáng đến chiều vẫn dẻo. Xôi Phú Thượng được khách yêu thích vì dẻo lâu, hương thơm, màu sắc đẹp. Hạt xôi căng mọng và bóng, dù để từ sáng đến chiều vẫn ngon, không bị khô, bị cứng”, bà cho biết.

Người
Một đĩa xôi ngũ sắc đặc trưng của làng xôi Phú Thượng

Đến bây giờ, dù tuổi cao nhưng bà Tuyết vẫn mong muốn sẽ càng ngày càng có nhiều lớp kế cận cha ông để nối tiếp nghề này. Bởi xôi Phú Thượng chỉ được truyền trong dòng họ, chỉ có người làng Phú Thượng mới biết cách làm.

BàTuyết hy vọng, những truyền nhân thế hệ sau này sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề. Đồng thời, xôi Phú Thượng sẽ được quảng bá rộng rãi để đến với nhiều khách hàng trong nước và quốc tế.

Nhiều bạn trẻ thích thú với các tinh hoa làng nghề truyền thống Nhiều bạn trẻ thích thú với các tinh hoa làng nghề truyền thống
Tòhe và 17 năm hành trình lan tỏa giá trị cộng đồng Tòhe và 17 năm hành trình lan tỏa giá trị cộng đồng
Phát huy bản sắc, văn hóa làng nghề Phát huy bản sắc, văn hóa làng nghề
Nỗ lực giữ nghề truyền thống tò he Nỗ lực giữ nghề truyền thống tò he
Phạm Thị Thu Giang
Phiên bản di động