Gìn giữ những nét tinh hoa của làng nghề xôi Phú Thượng
Nhiều bạn trẻ thích thú với các tinh hoa làng nghề truyền thống Phát huy bản sắc, văn hóa làng nghề Nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề |
Nét đặc sắc của làng nghề truyền thống
“Làng Gạ có gốc cây đề
Có sông tắm mát, có nghề thổi xôi”…
Đối với người Hà Nội xưa thì cái tên xôi làng Gạ (Kẻ Gạ, tức làng Phú Gia nằm bên bờ Nam sông Hồng, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), đã trở nên quen thuộc. Nơi đây nổi tiếng với hương vị xôi thơm ngon với vị bùi của xôi đỗ đen, vị ngọt thanh của xôi chè, vị đậm đà của xôi xéo… Mỗi hương vị đều là sự kết hợp tinh túy được nghệ nhân nơi đây truyền qua nhiều đời.
Hình ảnh không gian bên ngoài đình làng Phú Gia |
Đến với làng xôi Phú Thượng vào sáng sớm, du khách có thể dễ dàng bắt gặp các gánh hàng rong bán xôi của người dân nơi đây, đi kèm với đó là không gian cổ kính của đình làng Phú Gia cùng với hương thơm thoang thoảng của mùi gạo nếp chín.
Hiện nay làng xôi Phú Thượng có khoảng 600 hộ nấu xôi, người dân trong làng tạo dựng thương hiệu và đưa xôi đến bán tại nhiều chợ truyền thống, các cửa hàng ở Hà Nội cũng như phục vụ cho các lễ, tiệc trên khắp các tỉnh thành.
Hình ảnh không gian kiến trúc đình làng Phú Gia |
Năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định công nhận Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Để có được kết quả này đều là nhờ sự gìn giữ bảo tồn và phát triển nghề nấu xôi của người dân Phú Thượng. Đặc biệt là sự ra đời và hoạt động tích cực của “Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng” được thành lập ngày 13/9/2018.
Năm 2019, Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng. Đây là cột mốc quan trọng sản phẩm của làng nghề ngày càng phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ được củng cố và nâng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nỗ lực gìn giữ thương hiệu của làng nghề
Bà Nguyễn Thị Tuyến, nghệ nhân nấu xôi đầu tiên của làng Phú Gia chia sẻ, từ nhỏ, bà đã giúp đỡ mẹ của mình làm xôi để đem đi bán khắp Hà Nội. Khi tốt nghiệp phổ thông hệ 10/10, bà đã quyết tâm lựa chọn hạt gạo của quê hương để làm nghề nghiệp phát triển cho tương lai. Trải qua hơn 40 năm gắn bó với nghề xôi, bà đã có được những thành công nhất định nhưng điều khiến bà luôn giữ được lửa đối nghề xôi đó chính là những khách hàng thân thuộc chỉ đợi ăn “xôi của bà Tuyến”.
Hình ảnh Bà Nguyễn Thị Tuyến nghệ nhân nấu xôi đầu tiên của làng Phú Gia |
Chia sẻ về bí quyết để nấu xôi ngon, bà Tuyến cho hay, để nấu được xôi ngon thì cần trải qua các bước cơ bản sau, đầu tiền cần chọn nguyên vật liệu chất lượng cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi đã chọn được các nguyên vật liệu chất lượng thì sẽ cho gạo vào ngâm trong khoảng 5 tiếng, khi đã ngâm đủ thời gian thì vớt ra vo lại một lần nữa rồi cho vào nấu. Khi xôi đã chín đều thì cho vào thúng để ủ nhằm giữ nhiệt độ cũng như chất lượng của xôi.
Cũng theo bà Tuyến chia sẻ, điểm khác biệt làm nên thương hiệu của xôi Phú Thượng so với xôi của các địa phương khác là ở việc có nhiều mẫu mã, đa dạng trong nhiều loại xôi, hạt xôi của Phú Thượng luôn căng bóng và giữ được độ dẻo từ sáng đến chiều.
Ông Công Ngọc Phượng - Trưởng ban di tích Đình, Chùa Phú Gia và Bà Nguyễn Thị Loan – Phó chủ tịch hội làng nghề truyền thống xôi Phú thượng |
Trao đổi với phóng viên Bà Nguyễn Thị Loan – Phó chủ tịch Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cho biết: Hiện nay Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng có khoảng 400 thành viên trong tổng số 600 hộ làm xôi phường Phú Thượng. Hội đã được hỗ trợ tạo điều kiện về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển sản phẩm làng nghề, ngoài ra còn được nhà nước hỗ trợ sử dụng điện 1 giá nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống xôi nơi đây.
Cùng chia sẻ với chúng tôi ông Công Ngọc Phượng – Trưởng ban di tích Đình, Chùa Phú Gia cho biết, để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống thì vào ba ngày mùng 8, mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng hằng năm đình làng sẽ tổ chức lễ hội Đình Phú Gia. Đó là dịp để quảng bá cho mọi người dân trên cả nước biết đến xôi Phú Thượng cũng như bảo tồn và phát triển nét văn hóa truyền thống của làng.
Cho đến ngày hôm nay, làng xôi Phú Thượng đã thay đổi rõ rệt, từ một làng quê nghèo sở hữu mảnh đất được phù sa sông Hồng bồi đắp thì nay đời sống của người dân đã ngày một no ấm. Nghề nấu xôi cũng đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho mọi nhà và đó cũng là một nghề tự hào đang gìn giữ đặc sản ẩm thực Thủ đô để lan tỏa nét đẹp văn hóa Hà Nội đến muôn nơi.