Nghịch lý điện thiếu và điện thừa!
Nhanh chóng đưa các dự án điện tái tạo chuyển tiếp vào vận hành sớm nhất Bộ Công thương duyệt giá tạm cho 19 dự án điện tái tạo chuyển tiếp |
Từ ngày 4/5/2023, giá điện đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng 3%, đồng thời còn nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào nhưng điện vẫn thiếu gay gắt. Trong khi đó, các nhà đầu tư năng lượng sạch trong nước lại tiếp tục kêu cứu vì chậm được “giải cứu”.
Vừa qua, EVN tiếp tục đàm phán mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110kV Thâm Câu (Trung Quốc) - Móng Cái (Quảng Ninh) trong tháng 5, 6 và 7 với công suất 70MW. Đồng thời, EVN cũng tiến hành nhập khẩu điện từ Lào qua cụm Nhà máy thủy điện Nậm Kông, thủy điện Nậm San, dự kiến sẽ vận hành thương mại trong tháng 5.
Ngày 22/5, TP Móng Cái đã hoàn tất đấu nối, vận hành đường dây 110kV Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) phục vụ cho việc mua điện. Dự kiến toàn bộ TP Móng Cái và huyện Hải Hà của tỉnh Quảng Ninh sẽ sử dụng điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc chưa có hướng dẫn cụ thể đang khiến quá trình đàm phán vận hành thương mại của các dự án điện sạch chuyển tiếp gặp khó. |
Về giá điện nhập khẩu, theo Bộ Công thương mức giá trần đối đa nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam là 6,95 USCent/kWh.
Bộ Công thương cho rằng, mức giá 6,95 USCent/kWh như chủ đầu tư cam kết giá bán điện cho EVN từ cụm Nhà máy điện gió Mận San thấp hơn so với mức giá điện mua từ các nguồn điện gió theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió trong đất liền là 8,5 USCent/kWh và đối với dự án điện gió trên biển là 9,8 USCent/kWh.
Trong khi đó, nguồn điện dự phòng của nước ta vẫn còn hàng chục nhà máy điện tái tạo đang “đắp chiếu” không phát được lên lưới điện quốc gia.
Theo Bộ Công thương, đến nay chỉ mới thống nhất giá tạm thời của 19 nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được EVN và các chủ đầu tư thống nhất nhưng một số vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý.
Hệ thống điện đang thiếu hụt nguồn cung, nhưng Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 lại không thể phát hết công suất. |
Theo kiến nghị của các nhà đầu tư, việc “giải cứu” các nhà máy điện tái tạo là do đến nay vẫn chưa có hướng dẫn gửi cho EVN. Vì vậy, quá trình đàm phán sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các dự án tiếp tục gặp nhiều vướng mắc.
Đây là điểm mấu chốt để 87 dự án với tổng công suất 4.200MW điện gió và 700MW điện mặt trời có thể phát lên lưới điện quốc gia.
Ngày 20/3 vừa qua, EVN đã có buổi trao đổi với các chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp nhằm chủ động bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giá điện và hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện tái tạo.
Để tránh lãng phí trong thời gian chờ đàm phán giá mới, đại diện Tập đoàn T&T kiến nghị Bộ Công thương cho phép EVN huy động ngay sản lượng với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, với giá tạm tính 6,2 USCent/kWh, có thể bằng 90% giá điện nhập khẩu (6,95 USCent/kWh), tức khoảng 6,2 USCent, tương đương gần 1.500 đồng/ kWh.
Nhiều ý kiến cho rằng, tại sao Bộ Công thương, EVN không tạm mua điện theo giá như các nhà đầu tư đề xuất mà lại đi nhập khẩu điện với giá cao hơn. Trong khi nguồn năng lượng điện gió, điện mặt trời của các nhà đầu tư trong nước lại bị “bóp nghẽn” không hòa lưới được?