Nghi vấn cần làm rõ trong vụ trường Gateway bỏ quên học sinh trên ô tô
Ai có trách nhiệm kiểm tra lại xe?
Theo quy trình đưa đón được nhiều trường tư chia sẻ, mỗi sáng, tài xế cùng giáo viên phụ trách di chuyển qua các điểm để đón học sinh. Khi xuống xe vào trường, trẻ phải xếp hàng, cô quản xe điểm danh rồi mới dắt vào lớp giao cho giáo viên, giáo viên ghi nhận và điểm danh học sinh một lần nữa. Thường giáo viên phụ trách hoặc lái xe sẽ kiểm tra lại lần cuối cùng xem trong xe có còn ai rồi mới xuống xe, nhất là khi đưa đón các lớp nhỏ.
Thế nhưng trong vụ việc xảy ra ngày 6/8 tại trường Gateway, cả cô phụ trách lẫn lái xe đều không phát hiện ra bé L bị bỏ quên trên xe. Theo thông tin ban đầu, xe chở học sinh trường Gateway sử dụng chỉ là xe 16 chỗ, không quá khó để quan sát hay kiểm tra lần cuối. Vậy lỗi quy trình là ở đâu, cần làm rõ.
Bạn Chu Mai Anh cho biết: "Đó là do sự thiếu trách nhiệm của giáo viên đưa đón. Chứ khi đón trẻ lên và khi trẻ xuống xe, cũng cần phải kiểm tra xe chứ. Sai một ly, đi một dặm. Khổ thân con, thương con quá".
Bạn Hoàng Hiếu Nguyễn chia sẻ: "Thật đau lòng. Không hiểu nổi lái xe và cô đưa đón, giáo viên chủ nhiệm không thấy con vào lớp học, những người này cũng ngủ cả ngày luôn à?"
Bạn Nguyễn Thị Thúy thì thốt lên: "Ôi trời đất ơi. Lạ đời như chuyện trên mây, quên hẳn đứa trẻ trên xe mà lái xe không biết."
Vì sao giáo viên không phát hiện học sinh vắng mặt?
Đại diện một trường tư cho biết, về nguyên tắc khi giáo viên đến đón các cháu học sinh với số lượng cố định theo danh sách thì khi đưa đến trường, xuống xe phải bàn giao đủ số đã đón, trừ những trường hợp lý do nghỉ học sẽ phải được phụ huynh thông báo. Việc điểm danh luôn cần phải được thực hiện nghiêm chỉnh để kiểm soát số lượng trẻ. Khi vào lớp, cô chủ nhiệm sẽ điểm danh lại một lần nữa trước giờ vào học.
Trong khi đó, suốt từ 7h30 tới 16h30 chiều, sự vắng mặt của bé L không được các thầy cô trường Gateway phát hiện và cảnh báo tới phụ huynh.
Cổng trường Gateway sáng 7/8. Ảnh: Đinh Linh |
Bạn Bùi Trường Minh đặt câu hỏi: "Trường lớp không có điểm danh đầu giờ và đối chiếu với số học sinh đc đón hả? Quốc tế kiểu gì vậy? Thường đầu giờ mà điểm danh thấy vắng là giáo viên đã.phải gọi cho phụ huynh rồi chứ".
Bạn Ngo Quang Trung cũng cùng chung quan điểm: "Lên xe có giáo viên đón xuống xe có kiểm tra sĩ số. Vào lớp có kiểm tra sĩ số mà không hiểu quy trình đưa đón với đi học sinh trường này có vấn đề.. Nên dẹp cái mác trường quốc tế này đi không có tâm".
Nhà trường không liên hệ với phụ huynh?
Phụ huynh bé L.H.L chia sẻ: "Đáng lẽ khi không thấy con tôi đến lớp, nhà trường phải thông báo cho gia đình biết nhưng nhà trường đã không làm việc này".
Theo thông tin vụ việc, kể từ khi xe trường đón con từ 7h30 đến hơn 16h chiều, gia đình cháu bé bị bỏ quên mới nhận được điện thoại của nhà trường.
Lý do không điện báo gia đình được lãnh đạo Trường Quốc tế Gateway đưa ra tối 6/8 là do “Giáo viên phụ trách việc thông báo cho phụ huynh nghỉ ”.
Bạn Lan Hương nhận xét: "Nhà trường quá cẩu thả, không có quy trình quản lý nào như vậy. Trường quốc tế mà điểm danh đầu giờ không thấy học sinh thì cô phải liên lạc ngay với bố mẹ để hỏi".
Sáng 7/8, mọi hoạt động của trường Gateway vẫn diễn ra bình thường. Ảnh: Đinh Linh |
Thời điểm học sinh tử vong trước hay sau khi đến bệnh viện?
Theo như thông báo của nhà trường, “Vào khoảng 16h00, phát hiện sự việc có một học sinh lớp 1 của trường "bất tỉnh trên xe buýt”.
Bất tỉnh có nghĩa là “chưa chết khi phát hiện” do vậy nhà trường đã làm những bước sau “nhà trường đã đưa em học sinh vào phòng y tế để sơ cứu”, “gọi xe cấp cứu của Bệnh viện E đưa ngay vào viện” và “bác sĩ đã tận tình và làm tất cả các biện pháp để cứu chữa nhưng rất tiếc là em đã không thể qua khỏi”…
Tuy nhiên, bố em L.H.L trong video đối chất với nhà trường khẳng định các bác sĩ nói con anh đã mất trước khi vào bệnh viện. Anh đề nghị nhà trường trung thực hơn trong khai báo.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA; Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím phân tích hình ảnh video với các thông báo của nhà trường và cho biết: "Khung hình anh bảo vệ bế cháu bé được cắt ra và quay thẳng đứng so với mặt đất cho thấy tay trái của anh bảo vệ bế phần mông của bé (mũi tên xanh lá) và phần đầu gối của cháu bé vẫn duỗi thẳng (mũi tên đỏ) chứ không gập lại do trọng lực như “người còn sống”. Điều này cũng có thể cho thấy cháu bé đã chết ít nhất 1 giờ hoặc hơn trước khi được đưa xuống xe…
Chuyên gia y tế phân tích clip, đặt câu hỏi về sự trung thực của trường Gateway. Ảnh: TS Nguyễn Hồng Vũ |
Chúng ta có thể thấy các chứng cứ hiện tại cho thấy cháu bé “đã chết” trước khi được nhà trường phát hiện. Do vậy mọi chuyện diễn ra phía sau như cô y tá của trường tiến hành hô hấp, ép lồng ngực, nắn tay chân là không còn ý nghĩa và càng khó tin khi cô y tá khẳng định cháu “còn mạch đập”!
Qua chuyện này, tôi thấy điều mà trường quốc tế Gateway cần phải làm lúc này là “Thành thật” và thành khẩn nhận lỗi và trách nhiệm của mình trong việc này hơn là quanh co, vòng vo và lẩn tránh".
Trên thông cáo báo chí đăng trên website trường Gateway, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Nhà trường viết: "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm cao nhất với Gia đình, toàn thể phụ huynh Học sinh và ngành Giáo dục vì đã để xảy ra sự việc nghiêm trọng và đau lòng này. Ngay trong chiều cùng ngày, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tạm thời đình chỉ các nhân sự có liên quan đến sự việc này để phục vụ công tác điều tra.Chúng tôi đang rà soát và thiết lập lại toàn bộ quy trình liên quan đến mọi hoạt động của nhà trường và đưa ra những đối sách nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Học sinh của nhà trường".
Thế nhưng nhà trường sẽ chịu trách nhiệm như thế nào nếu ngay trong các thông báo chính thức đã bị nghi ngờ về sự trung thực?
Bạn Dangyen Ulsa bình luận: "Cô giáo đưa đón là người chịu trách nhiệm đầu tiên vì đón trẻ xong phải bàn giao về các lớp cho cô chủ nhiệm. Cô chủ nhiệm không thấy học sinh đi học cũng không gọi điện cho phụ huynh xem thế nào là người có lỗi tiếp theo. Nhà trường đứng mũi chịu sào phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ sự việc. Nhưng chịu thế nào? Lái xe bị hủy hợp đồng, cô giáo đuổi việc, nhà trường bù đắp bằng vật chất. Nhưng bù thế nào, ai đi tù, ai nghỉ việc cũng không thể bù được nỗi đau và mất mát của gia đình".