Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông có gì đặc sắc?
Yên Bái: Xây dựng hồ sơ và bảo tồn 19 di sản văn hóa phi vật thể |
Triển lãm ảnh “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” tại Phố Sách Hà Nội |
Yên Bái: Tưng bừng khai mạc Festival Khèn Mông |
Di sản gắn bắt nguồn từ lao động, sản xuất
Theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, các nghề thủ công truyền thống và hệ thống tri thức dân gian của cộng đồng tộc người Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái vô cùng phong phú, mang giá trị văn hóa đặc trưng riêng, vẫn đang được cộng đồng lưu giữ và tiếp tục phát huy. Một trong những di sản văn hóa phi vật thể điển hình cho loại hình tri thức dân gian về nghệ thuật chính là cách thức tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của đồng bào.
Theo lời kể của ông Thào A Thề, người Mông Hoa, bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, xưa kia, người Mông sống ở Trung Quốc, họ có chữ viết và sử dụng như những cộng đồng khác. Sau đó, người phương Bắc tràn xuống, chiếm đất và muốn đồng hóa nên cho quân đốt hết sách có chữ Mông và cấm người đàn ông Mông không được học chữ Mông mà học chữ Hán, người Mông muốn ghi lại lịch sử của mình cũng không được. Đang lúc chạy lên núi, đoàn người gặp một người phụ nữ Mông đang cắm cúi thêu bên suối, người thủ lĩnh chợt nghĩ ra cách giữ lại chữ của người Mông bằng cách thêu chúng lên váy phụ nữ. Nhưng nhận thấy thêu thì lâu nên nhân khi thấy tổ ong trên rừng, ông liền nghĩ, lấy sáp ong đun lên vẽ vào vải để giữ. Việc tạo hình hoa văn trên vải có từ đó. Ban đầu, có thể chỉ là những hình vẽ phác họa, đơn giản, chưa hoàn thiện về những gì quan sát được ở môi trường sống xung quanh. Sau dần, bằng tài năng, óc sáng tạo nghệ thuật và sự bồi đắp qua nhiều thế hệ tộc người đã tạo nên những hoa văn sắc nét hơn, cũng như cách thể hiện phong phú của mỗi người "họa sĩ" đã dần hoàn thiện và tạo nên bản sắc văn hóa của cộng đồng.
Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Những “họa sĩ bản làng”
Ông Thào A Thề cho biết,những hoa văn được tạo ra từ kỹ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông thực sự là những trang ký sử, những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động. Đặc biệt, những người phụ nữ Mông ở tỉnh Yên Bái chính là những tác giả của nghệ thuật tạo hình độc đáo này. Cả cuộc đời của họ gắn liền với công việc thêu thùa, may vá, dệt vải, vẽ, thêu hoa văn để tạo ra các sản phẩm thủ công đẹp cho bản thân, con cái, gia đình, dòng họ,… Các em gái người Mông, từ khi mới 8 – 10 tuổi, đã được các bà, các mẹ dạy học dệt vải, cắt, khâu, thêu thùa, vẽ hoa văn để tạo trang phục. Bởi vậy, trong dân ca Mông mới có câu hát:
Lớn lên anh theo cha đi cày nương
Theo anh vào rừng sâu săn thú
Lớn lên em theo mẹ tập thêu
Theo anh chị nhuộm chàm, in hoa trên váy mới….
Khi đến tuổi trưởng thành, các thiếu nữ người Mông không tiếc thời gian, ngày đêm cặm cụi, tỉ mẩn, trang trí hoa văn cho bộ váy áo cưới thật đẹp để chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời – cuộc sống hôn nhân. Trong tập quán của người Mông, vẻ đẹp, tài năng của người phụ nữ được đánh giá thông qua khả năng thêu thùa, khâu vá, vẽ hoa văn và bộ trang phục cô dâu mặc trong lễ cưới sẽ phản ánh phẩm chất này.
Bởi vậy, tục ngữ Mông mới có câu:
Muốn biết người tốt xem gác bếp
Muốn biết người đẹp xem quần áo.
Hay:
Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu
Gái xinh chưa biết cầm kim là hư.
Người phụ nữ giỏi thêu thùa, trang trí hoa văn sẽ được cả cộng đồng nể trọng, đề cao. Trong những ngày nông nhàn hay ngày mùa bận rộn, những buổi tối trăng thanh, gió mát hay mùa đông, bên bếp lửa hồng, từng tốp các cô gái lại quây quần bên nhau học thêu, truyền dạy cho nhau những kinh nghiệm vẽ sáp ong, tạo mẫu, ghép vải mới,… đây là một hình thức quan trọng để lưu truyền, phát triển nghệ thuật in vẽ sáp ong cũng như thêu thùa, trang trí.
Những người phụ nữ Mông trở thành "họa sĩ làng bản" giữ gìn và trao truyền di sản này qua các thế hệ |
Trước khi đi làm dâu các cô gái sẽ làm những bộ quần áo đẹp để tặng cho mẹ đẻ và mẹ chồng. Những bộ váy đẹp trở thành tài sản vô giá của người phụ nữ Mông. Những người phụ nữ giàu có là người phụ nữ có nhiều váy áo đẹp do tự tay mình làm ra. Khi khách quý đến chơi và ngủ lại gia đình, người khách sẽ được chủ nhà đắp cho tấm váy có nhiều hoa văn đẹp. Khi đã trở thành người vợ, người mẹ, phụ nữ Mông vẫn tiếp tục in nhiều mẫu hoa văn sáp ong, thêu thùa để lo cho bản thân và gia đình chồng con được chăn ấm, địu êm với những nét hoa văn truyền thống được khắc in trên đó. Khi trở thành mẹ, họ lại có nghĩa vụ dạy bảo con gái học vẽ hoa văn bằng sáp ong để tự trang trí váy, áo cho mình. Về già, họ còn lo truyền dạy cho con cháu và tạo thêm bộ váy áo đẹp cho mình và cho người chồng mặc khi nhắm mắt xuôi tay, trở về với thế giới tổ tiên.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đón Chứng nhận nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Nỗ lực bảo tồn di sản
Yên Bái hiện đang thực hiện nhiều chương trình, sự kiện nhằm giữ gìn và quảng bá nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông. Ví như, các lễ hội, các sự kiện văn hóa tại các huyện đều có màn trình diễn, tái hiện nghệ thuật này.
Ở lĩnh vực truyền dạy, đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 2 cá nhân được tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghệ thuật tạo hình hoa văn này, đó là: Bà Lý Thị Ninh và bà Hờ Thị Chư, đều ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.
Tháng 5/2020, huyện Mù Cang Chải đã thành lập Tổ thêu dệt thổ cẩm Chế Cu Nha với 20 thành viên. Đến nay, tổ này đã lên tới 35 thành viên, trong đó có 10 thành viên ở các xã lân cận như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Kim Nọi, Mồ Dề,… Từ hoạt động của tổ, các thành viên đã tổ chức 2 lớp truyền dạy nghề ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, đưa số lượng người thực hành di sản lên trên 70 người.
Yên Bái nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể này thông qua các lớp truyền dạy nghề |
Hợp tác xã có kế hoạch tổ chức truyền dạy ngay tại làng nghề cho những cá nhân có nhu cầu, đồng thời làng nghề cũng là nơi diễn ra các hoạt động trải nghiệm và mua sắm của du khách (đặc biệt là khách quốc tế) khá hiệu quả trong những năm gần đây. Nghệ nhân Lý Thị Ninh – Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: "Các sản phẩm làm ra đến đâu đều được thu mua hết đến đấy. Trung bình mỗi tháng, mỗi chị em có thêm thu nhập 5-6 triệu đồng. Trong nhóm, chị em nào tranh thủ làm lúc rảnh rỗi cũng được 2-3 triệu đồng".
Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật này gắn với phát triển du lịch. Tỉnh Yên Bái chú trọng truyền dạy và phổ biến trong cộng đồng, trong các trường học và coi đây là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa tộc người Mông.