Ngành Ngân hàng chung tay hiện thực hóa khát vọng vươn mình
Một ngân hàng công bố tuyển hơn 500 nhân sự mới Ngân hàng Việt Á bị xử lý vi phạm về thuế hơn 4,1 tỷ đồng |
Quyết liệt các giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng
Năm 2025 được xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi cả nước đang tràn đầy khí thế, tự tin bước vào một kỷ nguyên mới. Đây cũng là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời là lúc xây dựng định hướng cho giai đoạn 2026 - 2030. Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia, ngành Ngân hàng cũng bước vào năm 2025 với nhiều quyết tâm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, ngành Ngân hàng bày tỏ quyết tâm cao, quán triệt sâu sắc tinh thần tăng trưởng tăng tốc bức phá, và sẽ tích cực triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ đề ra để góp phần đạt được tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, tạo đà cho phát triển kinh tế cao trong những năm sau. Song song với nhiệm vụ tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước còn phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Hiện nay, bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và trong nước năm 2025 cho thấy diễn biến sẽ tiếp tục khó lường với độ mở cửa lớn của nền kinh tế. Những căng thẳng, thay đổi về chính sách thương mại sẽ tiếp tục tạo nhiều áp lực cho thị trường tài chính. Chính sách tiền tệ, tỉ giá của các ngân hàng trung ương trên thế giới và của Ngân hàng Nhà nước sẽ chịu rất nhiều áp lực. Ở trong nước, mặc dù tình hình của chúng ta cải thiện nhưng vẫn còn những khó khăn thách thức, doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại bên lề Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ngày 11/2/2025. |
Trong bối cảnh này và với mục tiêu tăng trưởng bứt phá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để có thể góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và cũng thông báo ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng để chủ động. Ngân hàng Nhà nước cũng căn cứ vào mục tiêu lạm phát khoảng từ 4,5 - 5%, để đánh giá, theo dõi diễn biến thực tế và trường hợp kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, hoặc cao hơn để có thể có những điều chỉnh đối với tăng trưởng tín dụng.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 16% và sẽ điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế. Nếu lạm phát duy trì ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng tín dụng để kích thích tăng trưởng. Ngược lại, nếu có dấu hiệu rủi ro, chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo ổn định vĩ mô.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, một trong những ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước là thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ khai thác mạnh mẽ tín dụng tiêu dùng, bởi khi tiêu dùng tăng thì doanh nghiệp sẽ có động lực sản xuất, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
![]() |
Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. |
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phân tích, từ tháng 1/2026, hàng hóa xuất khẩu vào nhiều thị trường quốc tế sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Vì vậy, tín dụng xanh trở thành một yếu tố quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay các dự án thân thiện với môi trường, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp khi xuất khẩu.
"Nếu không làm tốt điều này, không chỉ tăng trưởng xuất khẩu bị ảnh hưởng mà còn có nguy cơ gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý.
Ngoài tín dụng xanh, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng nhấn mạnh vai trò của tín dụng dành cho nhà ở xã hội. Thực tế, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, nhưng nguồn vốn và thủ tục triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đánh giá chính xác nhu cầu, từ đó có chính sách phù hợp. Ví dụ, có những người trẻ chỉ muốn thuê nhà thay vì mua, nên tín dụng cần được thiết kế linh hoạt để đáp ứng thực tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tập trung xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bốn ngân hàng yếu kém đã được chuyển giao bắt buộc, tuy nhiên vẫn còn nhiều khoản nợ tồn đọng cần giải quyết. Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ phương án cho vay đặc biệt để hỗ trợ các ngân hàng này cũng như về lâu dài mong muốn Chính phủ xem xét luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, giúp hệ thống ngân hàng có cơ sở pháp lý vững chắc hơn.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, chuyển đổi số là yếu tố then chốt giúp ngành ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Công an để khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, từ đó hỗ trợ các ngân hàng trong việc xác thực thông tin khách hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính.
Một vấn đề quan trọng khác là ổn định lãi suất và tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các ngân hàng mong muốn duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, song điều này sẽ gặp nhiều thách thức do chính sách thương mại của Hoa Kỳ và diễn biến phức tạp của thị trường tài chính quốc tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay, đồng thời tăng cường giám sát cung - cầu ngoại tệ để điều tiết tỷ giá hợp lý.
Chung tay vì mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Chia sẻ thêm về nhiệm vụ năm 2025, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tập trung tối đa vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trở lên.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, nhiệm vụ đạt được tăng trưởng GDP 8% trở lên, nếu có cơ hội thì tăng trưởng hai con số ngay từ năm nay để tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo, là một trong những nhiệm vụ tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương vào cuộc rất tích cực.
![]() |
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước. |
Về phía ngành Ngân hàng, đây là trách nhiệm rất lớn trong việc tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn các doanh nghiệp mở rộng đầu tư. Muốn tăng trưởng thì phải mở rộng đầu tư, muốn mở rộng đầu tư có 2 vấn đề.
Một là phải có nguồn vốn đầu tư; hai là tăng khả năng, điều kiện hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Vốn đầu tư đang lên thì có nhiều nguồn: Nguồn ngân sách, nguồn lực Chính phủ, vốn xã hội đầu tư tư nhân, vốn đầu tư thông qua hệ thống các ngân hàng, vốn nước ngoài...
Để có hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng trên 8%, ngành Ngân hàng đặt mức tăng trưởng năm nay khoảng 16%, như vậy thì ít nhất dư nợ tăng thêm cuối năm khoảng 2,5 triệu tỷ đồng. Nếu như mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 8% thì với tỷ lệ cơ cấu vốn đầu tư hiện nay, giữa vốn ngân hàng với các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển kinh tế phải tăng thêm trên 2,5 triệu tỷ đồng.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xác định mức vốn và trách nhiệm. Để có được nguồn vốn tăng trưởng cuối năm như thế, doanh số cho vay trong năm phải xoay vòng vốn nhanh hơn, khai thông được nguồn vốn đang khó khăn, ách tắc.
"Hiện nay, chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ những giải pháp khơi thông nguồn vốn đang nằm đọng tại các dự án", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nói.
Về lãi suất, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, muốn mở rộng đầu tư thì phải hạ lãi suất. Có thể nói riêng năm 2024, so với cuối năm 2023, lãi suất hạ bình quân khoảng 1,1%. Những ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, có vai trò chủ đạo thậm chí có những ngân hàng hạ xuống so với đầu năm 2024 khoảng 1,6%. Bình quân vốn ngân hàng thương mại đã hạ 1,4%.
Thời gian qua, xu hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như của ngành Ngân hàng và các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất theo hướng ổn định. Sau đó sẽ giảm trên cơ sở tiết giảm chi phí của các ngân hàng thương mại một cách tích cực nhất, cao nhất để có điều kiện giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, vừa qua, tranh thủ giai đoạn đầu năm sau Tết Âm lịch, số lượng người gửi tiền vào sẽ nhiều, một số ngân hàng tăng mức lãi suất huy động một số kỳ hạn. Tuy nhiên, mục tiêu, quan điểm lúc này là phải tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người vay vốn ở mức lãi suất tích cực. Chính vì thế cho nên phải giảm.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 19/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường thực hiện các giải pháp giảm lãi suất. "Chúng tôi cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt và kịp thời. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng rất rõ ràng, rất phù hợp trong điều kiện đang cần giảm lãi suất", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nói.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất lưu động. Tất cả theo chủ trương giảm lãi suất để doanh nghiệp, người gửi tiền, ngân hàng có sự chia sẻ một cách đồng thời, đồng bộ, mang tính chất chung để tạo điều kiện mở rộng đầu tư, huy động vốn, cho vay vốn và sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, tạo ra GDP năm nay trên 8%.
"Chúng tôi đã chỉ đạo nhanh các ngân hàng tăng lãi suất huy động trong thời gian vừa qua, các ngân hàng cũng đã kịp thời điều chỉnh giảm ngay. Nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng rất phù hợp vào lúc này, nhất là cho vay tiêu dùng, cho vay nhà ở xã hội đối với người nghèo, người thu nhập thấp", Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chia sẻ.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt về lãi suất để đảm bảo làm sao vừa tạo sự chủ động cho ngân hàng thương mại vừa chia sẻ với doanh nghiệp bằng giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay tất cả các kỳ hạn.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chủ động điều hành các công cụ của mình để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thanh khoản, có nguồn vốn, không phải tăng vốn huy động. Đây cũng sẽ là một trong những công cụ chủ động điều hành từ nay đến cuối năm.