Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã

Là địa phương có số lượng hợp tác xã dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%), Hà Nội tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, trang trại để góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân.
Hà Nội tiên phong trong các xu hướng kinh tế hiện đại Hà Nội chứng tỏ bản lĩnh đầu tàu kinh tế

Hiệu quả thiết thực từ kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể là một trong những điểm sáng trong bức tranh phát triển của huyện Mê Linh (Hà Nội) trong những năm vừa qua.

Với sự định hướng và chỉ đạo đúng đắn, những năm vừa qua, huyện Mê Linh đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung.

Ví dụ như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô từ 50ha trở lên (tại các xã Tam Đồng, Liên Mạc, Kim Hoa...); Vùng sản xuất rau an toàn (xã Tráng Việt 200ha, Tiến Thắng 70ha, Tiền Phong 90ha...); Vùng sản xuất hoa, cây cảnh (tại các xã Mê Linh với 190ha hoa hồng, Văn Khê 110ha hoa hồng, Đại Thịnh 20ha hoa hồng và 60ha hoa cúc…); Vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung xa khu dân cư (Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng…).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm cánh đồng rau Đông Cao (xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội)
Ông Lê Minh Hoan khi còn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thăm cánh đồng rau Đông Cao (xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội)

Một điển hình thường được nêu lên HXT Đông Cao, xã Tráng Việt. Đơn vị này hiện tại có 134ha được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Điều đáng nói, ở Đông Cao, dưới sự hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các hộ dân đều áp dụng kỹ thuật tưới tiêu, sử dụng phân bón hợp lý với việc dùng phân hữu cơ, phân xanh, bột đậu tương… phòng trừ sâu bệnh ưu tiên sử dụng biện pháp thủ công, thuốc thảo mộc, hóa học cần thiết, để bảo đảm rau ra thị trường là rau an toàn.

Các loại rau thế mạnh của Đông Cao là củ cải, cà chua, cải ngồng... và trong số này khoảng 100ha luôn được các hộ dân thâm canh trong 9 tháng mỗi năm. Từ tháng 5 - 8 do thời tiết nắng nóng, người dân chỉ trồng các loại cây dây leo như: Bầu bí, mướp đắng, lặc lè…

Nhờ sản lượng và giá cả ổn định, nông dân thôn Đông Cao có thể thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho hay: “HTX hiện có 173 thành viên, khách hàng có trên 932 hộ. Trong đó, trên 600 hộ đang sản xuất nông nghiệp và canh tác chuyên canh cây củ cải trắng và các chủng loại rau màu khác.

Hàng năm, HTX cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 20% rau củ quả các loại, còn lại là các tỉnh bạn. Cụ thể, khu vực thâm canh rau củ quả như Đồng Ta và Bãi Non là trên 200ha, năng suất gần 40.000 tấn/năm”.

Các mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân
Các mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân

Theo Sở NN&MT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.530 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 1.336 hợp tác xã đang hoạt động. Các hợp tác xã nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên.

Nhiều hợp tác xã đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện dịch vụ cho các hộ thành viên và nhân dân, đã làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất.

Bên cạnh đó đã chú trọng cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đầu tư trang thiết bị máy móc công cụ làm dịch vụ sản xuất, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh tăng thu nhập cho hợp tác xã. Đặc biệt, một số hợp tác xã đã liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.

Các hợp tác xã nông nghiệp đã tổ chức trên 10 khâu dịch vụ, điển hình như: Dịch vụ bảo vệ hoa màu, dự thính dự báo sâu bệnh, công tác khuyến nông, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, dịch vụ làm đất, mạ khay máy cấy, gặt máy, dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật...

Để phục vụ thành viên và nông dân, các hợp tác xã xây dựng đơn giá dịch vụ đủ chi công quản lý và chi phí khác, được thông qua đại hội thành viên, nên giá dịch vụ thấp hơn so với thị trường.

Với mục tiêu mang lại lợi ích và hỗ trợ thành viên nhiều nhất, tạo điều kiện gắn người dân với đồng ruộng, hạn chế việc bỏ ruộng, đảm bảo diện tích gieo trồng, tạo sự gắn kết giữa thành viên với hợp tác xã, thành viên tin tưởng vào sự điều hành của hội đồng quản trị hợp tác xã.

Hiện nay Hà Nội đã hình thành các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Thành phố có 166 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, nông nghiệp hữu cơ, HACCP; 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 80 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; 134 hợp tác xã nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP…

Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế tập thể

Trở lại với HTX Đông Cao, Tráng Việt. Bên cạnh việc diện tích trồng rau được mở rộng, chất lượng từng bước được nâng cao, rau an toàn của Đông Cao cũng phải đối mặt nhiều thách thức.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, ông Lê Văn Khương, các sản phẩm của Đông Cao, Tráng Việt được phân phối trên thị trường dưới các hình thức: Thương lái thu mua tại đầu bờ; Hợp đồng với các công ty, cửa hàng cung ứng cho người tiêu dùng; Đưa rau tận nhà khách hàng, cơ quan… theo đơn đặt hàng; Bán ở các chợ đầu mối, dân sinh quanh khu vực Hà Nội.

Khó khăn lớn nhất của thôn Đông Cao nói riêng và xã Tráng Việt nói chung là đầu ra. Chính quyền địa phương đang tìm kiếm một thị trường tiêu thụ ổn định để tránh lặp lại cảnh “được mùa, mất giá”.

Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương hướng tới xây dựng sản phẩm trứng gà Ai Cập trắng là sản phẩm OCOP.
Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách để phát triển hợp tác xã

Với mục tiêu "gỡ rối" những khó khăn tương tự cho kinh tế tập thể, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, trang trại. Thành phố dự kiến xây dựng và hỗ trợ tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, trang trại theo giai đoạn và hàng năm; thực hiện củng cố, kiện toàn các hợp tác xã nông nghiệp; phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị; tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và môi trường đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện lựa chọn, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực, các mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả. Có chính sách hỗ trợ để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của hợp tác xã.

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp phù hợp đối với các hợp tác xã ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động đảm bảo hiệu quả, đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Vũ Cường
Phiên bản di động