Hà Nội tiên phong trong các xu hướng kinh tế hiện đại
Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị Bắc Giang áp sát kịch bản tăng trưởng kinh tế Tăng trưởng hai con số và quyết tâm của Chính phủ |
Tăng trưởng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Hà Nội quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8% trở lên trong năm 2025, và phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng hoàn toàn khả thi nếu chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy và hành động quyết liệt với nỗ lực không ngừng.
![]() |
Một góc Hà Nội |
TS Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Hà Nội có dịch vụ chiếm tới 2/3 nền kinh tế, cho thấy Hà Nội đang trở thành một trung tâm thương mại, tài chính, du lịch, thay vì phát triển cân bằng giữa các lĩnh vực.
Tuy nhiên, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng cao ở bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bất động sản, nhưng vẫn chưa có các trung tâm tài chính quốc tế lớn như: Singapore hay Hồng Kông (Trung Quốc). Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa chưa phục hồi mạnh, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ. Xuất khẩu gặp khó khăn do thị trường suy giảm, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giầy, điện tử.
Ngoài ra, phụ thuộc nhiều vào dịch vụ khiến Hà Nội dễ bị tổn thương trước suy thoái kinh tế toàn cầu. Nếu tiêu dùng và du lịch giảm sút, GRDP có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, TS Đậu Anh Tuấn chia sẻ, hiện dư địa xuất khẩu gặp khó trước vấn đề áp thuế và chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới sản phẩm xuất khẩu. Hà Nội cần phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến - chế tạo để giảm phụ thuộc vào dịch vụ.
![]() |
Áp dụng công nghệ trong các lĩnh vực lao động, sản xuất |
Để giải quyết bài toán tăng trưởng, chia sẻ tại lễ Tổng kết Chương trình số 02-CTr/TU, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Trong giai đoạn tới, Thành phố xác định tăng trưởng dựa trên chất lượng, hiệu quả và tính bền vững, thay vì chỉ dựa vào quy mô.
"Chúng ta sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng. Với lợi thế từ các chính sách đặc thù và các quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ tiên phong trong các xu hướng kinh tế hiện đại như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, trí tuệ nhân tạo…", đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) để phục vụ quản lý và phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tiếp đó, tăng cường đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D), Thành phố sẽ đầu tư mạnh vào giáo dục, khoa học công nghệ, kết nối các viện nghiên cứu với doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Hà Nội vươn ra thế giới.
Nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế, Hà Nội cũng sẽ tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh và dịch vụ chất lượng cao, tận dụng tối đa các cơ chế đặc thù từ Luật Thủ đô.
Trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Thành phố sẽ chú trọng đào tạo kỹ năng số, AI, ngoại ngữ và tư duy sáng tạo cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại.
Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội
Theo TS Đậu Anh Tuấn, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong các ngành sản xuất sẽ tạo giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra, mở rộng hạ tầng khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ góp phần thu hút FDI vào sản xuất.
Chưa dừng ở đó, Hà Nội cần đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị nông sản để gia tăng giá trị xuất khẩu. Kiểm soát thị trường bất động sản, tránh đầu cơ, thúc đẩy nhà ở xã hội để đảm bảo sự phát triển bền vững.
![]() |
Làng hoa Tích Giang (Phúc Thọ, Hà Nội) được trồng theo công nghệ mới |
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, dư địa tăng trưởng của Hà Nội là các doanh nghiệp đang đi vào lĩnh vực mới như kinh tế số. Hà Nội có tiềm năng phát triển kinh tế số, cao hơn mặt bằng chung của cả nước.
Nổi bật là thương mại điện tử, công nghệ tài chính fintech, tiền số, tạo hệ sinh thái cho các thành phần này đóng góp cho tăng trưởng. Về kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng, sẽ giúp tăng giá trị gia tăng cao.
Chính vì thế, Hà Nội cần huy động các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo ra một hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo. Và mong muốn Hà Nội phát huy vai trò đầu tàu của giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia và khu vực.
"Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững không chỉ là nhiệm vụ mà còn là khát vọng của hơn 10 triệu người dân Hà Nội. Chúng ta phải mơ xa, nghĩ lớn, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển tăng tốc, bứt phá với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, với "tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội", đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.